Hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên đà tăng trưởng trở lại
(CLO) Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 (từ 11-13/5), so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn.
Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 cho biết: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp.
Thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là điều kiện quan trọng để thực hiện chuyển hướng chiến lược sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" từ đầu Quý IV/2022, từ đó giúp nền kinh tế dần phục hồi. Hầu hết các ngành, lĩnh vực trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động dần ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
So với báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.
Những thay đổi tích cực như, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28-29%).
Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như: Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).
Bên cạnh đó, khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một bộ phận lao động nghỉ việc, cũng như chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất lao động của doanh nghiệp cũng như năng suất lao động chung của cả nước.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu bật các kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021, qua đó tạo niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà tích cực cho Quý II và cả năm…