Báo chí - Công nghệ

Hầu hết chuyên gia AI hàng đầu thế giới có gốc Trung Quốc

Hoài Phương (theo SCMP, Nature, WSJ) 09/07/2025 08:47

(CLO) Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy phần lớn 100 chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có xuất thân từ Trung Quốc.

Báo cáo này được thực hiện bởi ITPO China – đơn vị thuộc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) – phối hợp với công ty công nghệ Dongbi Data tại Thâm Quyến, và được trình bày trong một hội nghị ở Bắc Kinh vào tuần trước.

Theo kết quả thống kê, 50 trong số 100 chuyên gia AI hàng đầu hiện đang làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp trong nước Trung Quốc. Ngoài ra, có 20 người khác đang làm việc tại Mỹ, trong đó một nửa là người gốc Hoa. Tính chung, 65 trong số 100 gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực AI toàn cầu đều mang quốc tịch hoặc có nguồn gốc Trung Quốc.

Danh sách này được xây dựng dựa trên phân tích hơn 100.000 bài báo học thuật có tầm ảnh hưởng trong giai đoạn 2015–2024, được đăng tải trên các tạp chí và hội nghị hàng đầu như Journal of Machine Learning Research hay IEEE Transactions on Pattern Analysis and Machine Intelligence.

Số lượng bài báo và mức độ được trích dẫn là hai tiêu chí chính để đánh giá đóng góp học thuật của các nhà khoa học.

untitled(6).png
Phần lớn các nhà khoa học AI thông minh nhất thế giới đến từ Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một trong những gương mặt nổi bật là ông Zhang Xiangyu – cựu nhà khoa học trưởng tại công ty công nghệ Megvii ở Bắc Kinh, hiện đang công tác tại một công ty khác ở Thượng Hải. Ông là người đứng sau nhiều giải pháp thị giác máy tính đoạt giải tại các cuộc thi lớn như ImageNet và COCO, với các mô hình được ứng dụng rộng rãi trong điện thoại, máy ảnh và công nghệ xe tự lái.

Tài năng Trung Quốc cũng để lại dấu ấn rõ nét tại các học viện hàng đầu của Mỹ. Giáo sư Kaiming He – người được biết đến với công trình về mạng neural sâu ResNet – hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind và từng giảng dạy tại Đại học California, Berkeley. Theo tạp chí Nature, công trình của ông là bài báo được trích dẫn nhiều nhất thế kỷ 21, với hơn 700.000 lượt trích dẫn tính đến tháng 5.

Cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài AI tại Thung lũng Silicon cũng ngày càng quyết liệt. Tháng 6 vừa qua, hai cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa – Zhu Banghua và Jiao Jiantao – đã chuyển từ các đại học hàng đầu của Mỹ như Washington và UC Berkeley sang làm việc tại tập đoàn chip Nvidia.

Theo Wall Street JournalThe Information, Meta cũng đã tuyển ít nhất 5 nhà nghiên cứu AI gốc Hoa từ OpenAI, trong đó có những cái tên như Zhai Xiaohua, Yu Jiahui, Ren Hongyun, Bi Shucao và Zhao Shengjia.

Song song với danh sách 100 chuyên gia hàng đầu, ITPO China và Dongbi Data cũng công bố một báo cáo tổng quan về năng lực nghiên cứu AI toàn cầu ở cấp quốc gia.

Theo báo cáo này, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng và chất lượng nhân lực AI, với hơn 63.000 chuyên gia. Trung Quốc đứng thứ hai, với lực lượng tăng nhanh từ dưới 10.000 người vào năm 2015 lên hơn 52.000 vào năm ngoái – tương đương tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 29%.

Về tác động học thuật, Mỹ chiếm vị trí dẫn đầu với hơn 35.000 bài nghiên cứu và 2,28 triệu lượt trích dẫn trong thập kỷ qua, so với gần 32.000 bài và 949.000 lượt trích dẫn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách nhanh chóng. Theo dữ liệu từ AIRankings, Đại học Bắc Kinh đã liên tục giữ vị trí đầu bảng trong sản lượng nghiên cứu AI toàn cầu từ năm 2022 đến nay.

Các trường Đại học Thanh Hoa và Đại học Chiết Giang cũng lần lượt xếp thứ hai và ba. Trong top 10 cơ sở nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, một nửa là các trường đại học Trung Quốc, phần còn lại chủ yếu đến từ khu vực châu Á.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hầu hết chuyên gia AI hàng đầu thế giới có gốc Trung Quốc
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO