Đồng bằng sông Cửu Long:

Hậu quả do hạn mặn tại ĐBSCL còn ở phía trước

Thứ tư, 12/02/2020 19:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc nước mặn lấn sâu vào đất liền ĐBSCL tới 100km đã khiến hàng chục ngàn ha lúa chết rụi, hàng trăm ngàn ha cây ăn trái, hoa màu héo rũ, đẩy gần 200.000 hộ dân vào cảnh thiếu nước ngọt và nguy cơ dịch bệnh…

Tàn phá trên diện rộng

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu mùa khô đến nay, dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thấp nên mặn xâm nhập rất gay gắt.

Tại Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 1/2020, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 2.160ha diện tích lúa, thiệt hại nặng nhất ở các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và TP. Sóc Trăng.

Hạn mặn đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống người dân ĐBSCL. Ảnh: ĐĐK

Hạn mặn đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống người dân ĐBSCL. Ảnh: ĐĐK

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, đến chiều 11/2, nước mặn theo sông Hậu đã lấn sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tức là đã xâm nhập khoảng 60 - 70 km vào nội đồng với độ mặn lên tới 8‰. Bên cạnh đó, mối lo ngại lớn nhất của Sóc Trăng hiện nay là vùng cây ăn trái thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách hơn 20.000 ha.

Tại Cà Mau, số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh này cho thấy diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn đã hơn 41.600 ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800 ha). Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340 ha, nhiều hộ nông dân lâm cảnh mất trắng.

Tại Long An, từ giữa tháng 11/2019, tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện và nhập sâu vào hệ thống 2 sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tính đến cuối tháng 1/2020, độ mặn trên các sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,9 - 16,7g/l.

Tại Hậu Giang, độ mặn trong nước tăng và duy trì ở mức cao, có nơi lên tới 5,6‰. Ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân cần chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt, gia cố đê bao, nạo vét ao, mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Tại Bến Tre, toàn địa bàn đã có 5.287ha lúa đông xuân có nguy cơ mất trắng vì nước mặn. Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng hạn mặn sớm nhất. Ngay từ những tháng cuối năm 2019, nước mặn đã lấn sâu vào các nhánh sông chính, gây xáo trộn sản xuất đến tận huyện Chợ Lách - huyện nằm sâu trong đất liền. Đây được đánh giá là đợt xâm nhập mặn bất ngờ nhất và nhanh nhất từ trước đến nay.

Chủ động ứng phó

Trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước để vận hành đóng, mở cửa cống, đảm bảo không để mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, khảo sát các công trình thủy lợi để có biện pháp duy tu, sửa chữa kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang xây dựng để đưa vào vận hành, khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Cũng tại Sóc Trăng, qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Ngành chức năng đã có kế hoạch ứng phó, với các giải pháp như nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân; xây dựng mới 3 trạm cấp nước tập trung cấp nước cho 2.772 hộ dân;…

Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã quyết định ban bố tình huống khẩn cấp, đồng thời yêu cầu các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh tích cực, khẩn trương vào cuộc, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại Cà Mau, chính quyền cũng đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Tại Bến Tre - địa phương hoàn toàn bị  “bao vây” bởi nước mặn cũng đang tập trung thi công các đập tạm bằng cừ larzen nhằm ngăn nước mặn trên sông Hàm Luông. Giải pháp này nhằm “cứu” hàng trăm ngàn hộ dân, hàng ngàn doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế thuộc 2 huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và TP.Bến Tre đang sử dụng nước máy với độ mặn khoảng 2‰.

Gian nan còn ở phía trước

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định mùa khô năm 2020 có thể khắc nghiệt, lượng nước trên các sông thiếu hụt, hạn mặn xâm lấn sâu hơn so với những năm gần đây.

Theo dự báo, từ khoảng giữa tháng 3, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ 2016.

Thời gian xâm nhập mặn cao nhất tập trung trong tháng 2, các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3. Từ nửa cuối tháng 3 - 6, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho hạn hán, xâm nhập mặn trầm trọng hơn mùa khô 2015 - 2016.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, đến 16/2 nước mặn sẽ xuất hiện với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất khoảng 4‰, xâm nhập sâu hơn cùng kỳ năm 2016. Tình trạng khô hạn khốc liệt cũng được dự báo sớm và đang diễn ra. Vấn đề là tình trạng hạn mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường, đòi hỏi sự chủ động thích ứng cùng các giải pháp ứng phó tốt hơn trước mắt và lâu dài.

Trước tình trạng hạn mặn diễn ra gay gắt, từ tháng 1/2020, Thủ tướng đã có chỉ thị về triển khai các giải pháp cấp bách. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp, đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…

Giang Đoàn (T/h)

Tin khác

Thanh Hóa: Hàng chục ngôi nhà 'bất ngờ' bị đá rơi vào

Thanh Hóa: Hàng chục ngôi nhà "bất ngờ" bị đá rơi vào

(CLO) Hàng chục ngôi nhà ở khu vực mỏ đá núi Bền, thôn 9, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vừa bị đá văng vào gây thiệt hại nhiều vật dụng, cây cối, mái ngói,...

Đời sống
TP HCM giới thiệu 400 món ăn đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước

TP HCM giới thiệu 400 món ăn đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước

(CLO) Lễ hội Văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2024 nhằm mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch TP HCM và phát huy văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Đời sống
Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 29/3/2024, Bắc Bộ mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to, khu Tây Bắc có nơi có nắng nóng.

Đời sống
Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

(CLO) Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu tràn xuống nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện giông lốc, mưa đá ngày 28/3. Hàng trăm ngôi nhà của người dân đã bị sập, tốc mái.

Đời sống
Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Đời sống