Góc nhìn

Hãy biết quý trọng hòa bình bằng cả trái tim và trí tuệ!

Nguyễn Hường 30/04/2025 08:28

(CLO) “Giữ gìn đất nước này, bảo vệ nền độc lập này cũng cần dũng cảm và hy sinh không kém gì ra trận! Phải biết quý trọng hòa bình bằng cả trái tim và trí tuệ”, đó là thông điệp mà vị tướng 94 tuổi muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay.

Những bước chân thần tốc nối liền non sông

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là người từng trải qua các cuộc chiến hào hùng của dân tộc: chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Ông nguyên là Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2; quyền Tư lệnh Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng).

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tại TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy xúc động ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ở tuổi 94, giọng nói ông vẫn dứt khoát, ánh mắt rực sáng khi nhắc đến chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch kết thúc thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

nguyen-duc-huy-8.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

Năm 1975, ông Nguyễn Đức Huy khi ấy là Phó Tư lệnh Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), được giao nhiệm vụ chỉ huy một phần cánh quân hướng Đông Nam – một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, chúng tôi còn ở tận Đà Nẵng, cách Sài Gòn gần 1.000 cây số”, ông nhớ lại.

Vị tướng tiếp tục hồi tưởng: “Ngày 29/3/1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 325 – đơn vị chủ lực mà tôi trực tiếp chỉ huy – lập tức được lệnh thần tốc hành quân vào Nam”.

nguyen-duc-huy-6.jpg
Hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân đoàn 2 tại Thủ Đức, tháng 5/1976 (Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đứng ngoài cùng bên trái. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đứng thứ 3 từ trái qua. Tại thời điểm tháng 5/1976, đồng chí Lê Khả Phiêu mang quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mang quân hàm Thượng tá, giữ chức vụ Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, thuộc Quân đoàn 2, Bộ Quốc phòng). Ảnh tư liệu: do nhân vật cung cấp.

Trưa 30/4/1975, từ hướng Đông Nam, lực lượng của Sư đoàn 325 phối hợp cùng các cánh quân khác tiến vào nội đô Sài Gòn. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đã đánh dấu thời khắc lịch sử: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đất nước thu về một mối.

“Khoảnh khắc ấy, cảm xúc chúng tôi vỡ òa không sao tả xiết! Tôi nghĩ đến quê hương, nghĩ đến người mẹ già mong ngóng tin con suốt bao năm chiến tranh, nghĩ đến hàng triệu gia đình chịu cảnh chia cắt. Và tôi biết, từ khi đó, dân tộc mình đã thực sự là một”, vị tướng già nghẹn ngào nhớ lại.

Nhắc về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy không giấu nổi niềm xúc động: “Cứ như một giấc mơ vậy. Mới ngày nào còn ở chiến khu Việt Bắc, rồi qua những trận đánh khốc liệt ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, vậy mà mùa Xuân 1975 chúng tôi đã đặt chân vào trung tâm Sài Gòn – biểu tượng của khát vọng thống nhất”.

Sự thần tốc không chỉ là tốc độ hành quân, mà còn là tinh thần chiến đấu quyết liệt, sáng tạo, mưu trí trong từng trận đánh.

nguyen-duc-huy-4(1).jpg
Niềm vui gặp lại đồng đội sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đứng thứ hai, từ phải qua). Ảnh: Việt Văn.

Ông kể, trong chiến tranh, có những trận đánh mà sự linh hoạt, ứng biến kịp thời của người chỉ huy, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Như trong trận Long Thành, ban đầu ta dự kiến “đánh nhanh, rút nhanh”, nhưng thực tế chiến trường diễn biến phức tạp, địch chống trả quyết liệt, thương vong gia tăng. Trước tình hình đó, ông báo cáo cấp trên và đề xuất điều chỉnh phương án, chuyển sang “đánh chắc tiến chắc”, từng bước siết chặt vòng vây và giải phóng Long Thành.

Hay trong trận giải phóng Đà Nẵng, lúc đầu lực lượng ta còn hạn chế, hỏa lực chủ yếu chỉ có cối 120 ly. Khi xe tăng của Quân đoàn 2 chi viện, đơn vị ông thống nhất phương án cho bộ đội ngồi trên xe tăng, nhanh chóng thọc thẳng qua đèo Hải Vân. Nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng, chỉ trong vài giờ, quân ta đã tiến vào trung tâm thành phố, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975.

“Đó là những khoảnh khắc không bao giờ phai trong ký ức tôi”, ông khẳng định.

nguyen-duc-huy-5.jpg
nguyen-duc-huy-3.jpg
Niềm vui gặp lại đồng đội sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (tháng 4/2025). Ảnh: Việt Văn.

Ông nhắc lại kỷ niệm cách đây nhiều năm, khi các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Quảng Trị trở lại Việt Nam, họ xin gặp ông. Họ hỏi: “Tại sao các ông chiến thắng?”. Ông đã trả lời thẳng thắn: “Chúng tôi chiến đấu vì chính nghĩa, vì khát vọng độc lập, tự do và có cả dân tộc đứng sau!”.

Tình đồng đội thiêng liêng giữa chiến trường máu lửa

Trong ký ức của vị tướng già, những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội vẫn là điều thiêng liêng nhất.

Ông kể mà nước mắt cứ tuôn rơi: “Có lần, tôi đang đi kiểm tra chiến trường ở Khe Sanh thì bị địch bắn pháo khói để chỉ điểm cho máy bay phản lực. Lúc tôi tìm chỗ ẩn nấp, một chiến sĩ bất ngờ lao tới, ôm tôi đẩy vào hầm, rồi nằm chắn ngoài để che cho tôi, không cần biết tôi là ai. Chỉ có người lính quân đội ta mới có nghĩa cử cao quý như vậy!”.

nguyen-duc-huy-1.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và đồng đội viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Long Thành (Đồng Nai), tháng 4/2025. Ảnh: Việt Văn.

Năm 1967, tại chiến trường Lào, ông cũng tận tay chôn cất người đồng đội thân thiết - Đại úy Nguyễn Danh Ngọc, Tham mưu trưởng Trung đoàn 9B - đã anh dũng hy sinh bên bờ sông Sê Pôn, trên đất nước Lào. Ba mươi năm sau, ông vẫn mang trong lòng nỗi đau day dứt. Khi đã nghỉ hưu, ông trở lại đất nước bạn, lần theo từng dấu tích cũ để tìm kiếm hài cốt đồng đội, đưa anh về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ, an nghỉ trong lòng đất mẹ.

“Đó là trách nhiệm của người sống đối với những người đã ngã xuống, hy sinh vì Tổ quốc”, ông nói, đôi mắt ánh lên niềm kính trọng thiêng liêng dành cho những người bạn, người đồng đội năm xưa.

Vị tướng 94 tuổi xúc động, rơi nước mắt khi dâng nén hương tri ân trước phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương - người đồng đội thân thiết với ông - đã anh dũng hy sinh trước giờ toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ 3 ngày. (Liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương, sinh năm 1938, quê Thái Bình, hy sinh ngày 27/4/1975). Ảnh: Việt Văn.
Vị tướng 94 tuổi xúc động, rơi nước mắt khi dâng nén hương tri ân trước phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương - người đồng đội thân thiết với ông - đã anh dũng hy sinh trước giờ toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ 3 ngày. (Liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương, sinh năm 1938, quê Thái Bình, hy sinh ngày 27/4/1975). Ảnh: Việt Văn.

Bảo vệ nền độc lập cũng cần dũng cảm và hy sinh không kém gì ra trận!

Không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện quá khứ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy còn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ hôm nay – những người sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong độc lập.

“Thứ nhất, thế hệ trẻ không bao giờ được quên lịch sử của ông cha. Phải hiểu rằng những gì các cháu đang có hôm nay được đổi bằng máu xương biết bao thế hệ. Thứ hai, “vũ khí” của các cháu bây giờ không còn là súng đạn, mà là trí tuệ, là sự học tập không ngừng. Phải mở mang kiến thức, tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ để làm cho đất nước giàu mạnh. Và thứ ba, không bao giờ được lơ là cảnh giác, luôn có những thế lực thù địch lăm le thôn tính chúng ta. Quá khứ có thể gác lại để hướng tới tương lai tốt đẹp, nhưng không được phép quên”, vị tướng nhấn mạnh trong lời nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay.

Ông cũng gửi gắm một tinh thần vị tha và khát vọng hòa giải:
“Quá khứ đã đi qua, chúng ta không quên, nhưng những gì có thể gác lại, hãy gác lại để hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới một tương lai tốt đẹp”.

nguyen-duc-huy-7.jpg
“Phải biết quý trọng hòa bình bằng cả trái tim và trí tuệ”, đó là thông điệp mà vị tướng 94 tuổi muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay.

Ở tuổi 94, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn giữ cho mình một tinh thần thép của người lính năm xưa. Với ông, ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời nhắc nhở bất tận về giá trị thiêng liêng của hòa bình và độc lập dân tộc.

Kết thúc cuộc trò chuyện với phóng viên, ông nhắn nhủ: “Chiến tranh là đau thương, là mất mát. Hòa bình là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Các bạn trẻ hôm nay hãy biết quý trọng hòa bình bằng cả trái tim. Giữ gìn đất nước này, bảo vệ nền độc lập này cũng cần dũng cảm và hy sinh không kém gì ra trận!”.

Giọng ông lắng lại trong nắng chiều ở thành phố mang tên Bác, như một khúc tráng ca trầm hùng vang vọng qua nửa thế kỷ, mãi không phai...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hãy biết quý trọng hòa bình bằng cả trái tim và trí tuệ!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO