Hãy bình tĩnh và đừng đổ lỗi!

Thứ tư, 29/07/2020 15:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hà Nội chiều nay mưa nên không còn nắng gắt. Nhưng chắc cũng không làm dịu lòng người, vì cũng từ hôm nay, cùng cả nước, Hà Nội trở lại trạng thái chiến đấu mới khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

1. Sáng 29/7, thông tin về 8 ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng khẳng định thêm nguồn lây từ các bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng. Nhưng không chỉ ở Đà Nẵng, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những thông tin lây nhiễm từ nhiều địa phương khác. Đón nhận trong sự bình tĩnh để sẵn sàng ứng phó.

Hình ảnh bệnh nhân 416 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Hình ảnh bệnh nhân 416 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Cũng trong sáng 29/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về phòng, chống COVID-19. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo của các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Thừa - Thiên Huế tại các điểm cầu. Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình dịch bệnh lần này khác trước, vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được F0. Nhiều nguy cơ dễ lây nhiễm tới các địa phương, trước hết là các thành phố lớn, các tỉnh xung quanh thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian ngắn dịch bệnh đã lây nhiễm lên 27 ca.

Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này, không được để vỡ trận, không được chủ quan. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả, nhất là Ban chỉ đạo, các địa phương phải tuyên truyền lại một cách đầy đủ, đề cao cảnh giác. Khi dịch bệnh lây nhiễm nhanh, F0 chưa tìm được, lại biến thể như vậy cần đặt vấn đề mạnh mẽ hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo: “Tôi yêu cầu Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Chủ tịch, Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo. Vì các địa phương đều có nguy cơ cao, Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác, thực hiện các biện pháp".

2. Không mất bình tĩnh và không được chủ quan trong lúc này, vì rằng nếu chủ quan trong phòng chống COVID-19 - hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Nói như vậy là bởi, thực tế thời gian qua, không phải không có lúc chúng ta đã quên mất thế giới ngoài kia vẫn đang còn dịch bệnh và chúng ta vẫn chưa có vaccine. Gần như sau những thông tin chống dịch thắng lợi, nhiều người cho rằng dịch COVID-19 đã qua đi. Không còn mấy ai quan tâm đến các thói quen trước đây như đeo khẩu trang, rửa tay. Ngay cả các y bác sĩ ở một số nơi cũng chủ quan, không thăm khám, chẩn bệnh theo tư duy "đại dịch".   

Và chỉ cần một sơ hở là dịch bùng phát trở lại.

Đại dịch đang diễn ra trên khắp 5 châu, nên chuyện chúng ta có thể bị lây trở lại, có lẽ cũng không là chuyện không lường trước được. Quan trọng là cách chúng ta ứng xử với nó như thế nào. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì: “Chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng”.

Cho nên, “Tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp bảo hộ, hướng dẫn khi có các triệu chứng, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

3. Tôi vẫn có niềm tin rằng, dịch dù quay trở lại ở một số tỉnh thành nhưng sẽ không bùng phát mạnh ở nước ta vì nhiều yếu tố. Quyết tâm chính trị cao và thống nhất, cả hệ thống vào cuộc với quyết tâm dập dịch, không để lây lan cộng đồng. Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị về tâm lý, về kinh nghiệm, về kỹ năng. Còn nhớ ngay từ hồi đầu tháng 4/2020, khi Việt Nam bước vào giai đoạn cao trào nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến phòng chống COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến thắng đại dịch. Từ lời kêu gọi đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, y tế, quân đội... Việt Nam đã từng bước đẩy lùi COVID-19, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Có thể hoảng hốt ban đầu sau 99 ngày yên bình, có thể một vài lúng túng khi tình hình bất ngờ xấu đi. Nhưng mấy ngày đã qua, đã quen dần với việc bắt buộc phải trở lại với “bình thường cũ” khi hơn 30 ca nhiễm chỉ trong 3-4 ngày đã được xác định và ngành Y tế đã chuẩn bị cho tâm thế còn hơn vậy nữa. Có lẽ việc tập dần sống chung với COVID-19 và quen dần với những thông tin có trách nhiệm. Chẳng ai muốn lại giãn cách xã hội hay chứng kiến cảnh “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm ra những người liên quan đến ca bệnh. Cũng không ai thích lại nghỉ học, giãn việc làm và "chôn chân" ở nhà.

Để công việc phòng chống dịch hiệu quả, hơn bao giờ hết vẫn là sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người. Công cuộc này không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm quá nhiều việc, phải cống hiến, phải nỗ lực mà thực tế chỉ là bằng những việc làm giản đơn thôi như tự mình phòng chống bệnh cho mình, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện các việc phòng hộ cá nhân, hỗ trợ cho nhau để cùng vượt qua những tháng ngày khó khăn.

Tôi thích một câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Làm người đừng suy nghĩ hẹp hòi, đừng tưởng nơi mình sinh ra, nơi có mồ mả ông cha là quê hương, khắp đất nước này chỗ nào cũng là quê cả”. Đà Nẵng và các tỉnh thành khác rồi sẽ gồng mình vất vả vì COVID-19. Và mọi thứ sẽ chỉ nhanh chóng qua đi khi chúng ta cùng đồng lòng, hỗ trợ, chia sẻ những điều tốt lành.

Nên, hãy bình tĩnh và đừng đổ lỗi!

Khánh An 

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn