Kiểm soát mặt trái của mạng xã hội:

Hãy tạo nên những lá chắn an ninh cần thiết

Thứ sáu, 25/10/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10/2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu (đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) nêu nhiều lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội.

Dẫn câu chuyện tại Thái Lan, có trường hợp lên mạng xã hội xúc phạm nhà vua một câu thôi là bị bỏ tù, ông lo lắng: “Ở ta tình trạng chửi tràn lan mà bất lực. Những tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên. Có lẽ công an bây giờ sợ dư luận, cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh làm lung tung cả lên. Có tình trạng chửi cơ quan công quyền như hát hay”. Theo Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nếu không ngăn chặn được những thông tin xấu độc thì cố gắng bao nhiêu trong việc đầu tư cho văn hóa truyền thông cũng vô ích. Có thể thấy, vài năm trở lại đây, truyền thông mạng xã hội trở thành một thế lực trong giới truyền thông toàn cầu. Thế nhưng, đằng sau mặt tích cực, mạng xã hội cũng để lại nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt, nạn tin giả có tác động lớn đến đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia và tình hình quốc tế. Kiểm soát mặt trái của mạng xã hội là bài toán mà các cơ quan chức năng phải giải trong thời gian tới.

Nguy cơ mất kiểm soát an ninh

Với tốc độ phát triển chóng mặt, không ít người đã phong cho Internet, các trang mạng xã hội là “quyền lực thứ 5”, sau 4 “quyền lực” lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. “Quyền lực thứ 5” này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt lên trên, ra bên ngoài các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Với bản chất không biên giới, bên cạnh lợi thế vốn có, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT), tính đến tháng 1/2019, đã có hơn 4,3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được với Internet, chiếm 57% dân số toàn cầu; hơn 3,4 tỷ người đăng ký tham gia vào các mạng xã hội, chiếm 45% dân số thế giới; hơn 5,1 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 67% dân số thế giới; hơn 3,2 tỷ người tham gia mạng xã hội qua thiết bị di động...

12-chot-1490712293554

Ngoài ra, mỗi phút trên Internet có khoảng 7 triệu tin nhắn được gửi qua Snapchat; hơn 200 triệu ảnh được bấm nút like trên Facebook; 2,4 triệu ảnh được like trên Instagram; 400 giờ tải video trên Youtube...

Chỉ khảo sát ở góc độ chính trị - xã hội, 10 năm gần đây, mạng xã hội đã khiến nhiều quốc gia phải điêu đứng. Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết những biến động chính trị lớn dẫn tới sự sụp đổ chính quyền ở một loạt quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Libya... đều có sự tham gia đắc lực của mạng xã hội.

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Phó trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao), có tới gần 60% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội nên thông tin được chia sẻ theo “cấp số nhân”. Vì thế, mạng xã hội có tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận thông tin của người dân trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, thế giới ảo lại đặt ra nhiều thách thức đối với nhân loại, nhất là việc đánh giá tính chân thực của thông tin từ những việc đơn giản như mua hàng trên mạng cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền riêng tư của cá nhân... Bởi lẽ, khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân... Thông tin sai sự thật chỉ ảnh hưởng tác động rất lớn đến xã hội, có người đã tìm đến cái chết thương tâm…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội là thế giới ảo, là thế giới riêng tư của cá nhân, không liên quan đến ai khác. Vì vậy, nhiều người cho rằng có quyền tự do ngôn luận, thoải mái bình phẩm người khác trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Do đó, nhiều người không chỉ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, nơi bộc lộ cảm xúc cá nhân, soi mói, châm chọc cuộc sống của người khác. Hệ quả tiêu cực chính là sự “lệch chuẩn” đạo đức của một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, từ những ứng xử trên mạng xã hội.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT và TT), trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội, hằng ngày có hàng triệu tin bịa đặt, tin giả nhằm mục đích trục lợi, ý đồ cá nhân thiếu trong sáng, thiếu tính xây dựng. Không chỉ vậy, các thông tin gồm hình ảnh hay clip còn được dàn dựng, cắt xén với ý đồ bôi xấu, hạ uy tín người khác, trục lợi cho chính người đăng thông tin…

20170323152205_chum-anh-vui-ve-bao-chi

Theo ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, mạng xã hội ở Việt Nam có thể phân thành hai loại. Thứ nhất, mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như Facebook, Google, Youtube, Twitter...

Các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp (hiện nay khoảng 469 mạng), đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là cho thành viên chia sẻ, trao đổi các nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục và phản cảm.

Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được người Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều nhất hiện nay là Facebook và Youtube. Việt Nam đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các quốc gia có đông người dùng; còn theo báo cáo của Google, Việt Nam là 1 trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới.

Trong thời gian qua, các hành vi tiêu cực như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm nào. 

Rõ ràng, mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, nếu không được quản lý tốt thì đây chính là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. “Do đó, việc bảo vệ Đảng, Nhà nước trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị; là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng quốc gia an toàn, ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Như vậy, việc quản lý hiệu quả mạng xã hội, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay ở nước ta, nhằm bảo đảm sự trong sạch, an toàn của không gian mạng, nhất là môi trường mạng xã hội ở Việt Nam. 

maxresdefault

Tạo nên những lá chắn an ninh cần thiết

Đối mặt với những phức tạp mà mạng xã hội gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng. Thậm chí có nước còn coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động.

Tháng 7/2015, Quốc hội Đức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội. Theo đó, hệ thống phân tích dữ liệu mạng xã hội sẽ theo dõi và lưu trữ tất cả dữ liệu trên mạng xã hội để phân tích và giám sát hàng triệu người. Các chế tài xử phạt đối với những người vi phạm cũng được tăng nặng. Theo Luật Tội phạm máy tính sửa đổi, người bị kết tội phỉ báng hay đăng thông tin làm tổn hại, đe dọa an ninh quốc gia có thể ngồi tù đến 10 năm cùng với mức phạt tiền cao nhất là 200.000 baht (khoảng 6.000 USD). Cơ quan chính phủ cũng được quyền đóng website bị cho là đăng thông tin nhạy cảm.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet. Theo đó, đối tượng phát tán thông tin giả gây thiệt hại cho đời sống và sức khỏe công dân, tài sản cũng như đe dọa gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 30 đến 100.000 ruble; thông tin gây cản trở hoạt động của các cơ sở bảo đảm cuộc sống chịu mức phạt từ 100 đến 300.000 ruble và có thể bị phạt hành chính đến 15 ngày tạm giữ; phát tán thông tin gây hại cho công dân và tài sản, trật tự công cộng có thể bị phạt 300 - 400.000 ruble. Đặc biệt là mức phạt dành cho quan chức và các pháp nhân sẽ nghiêm khắc hơn, có thể lên đến 1,5 triệu ruble.

Có thể thấy, tăng cường kiểm soát an ninh mạng và hoạt động truyền thông xã hội đã trở thành xu thế bắt buộc để đảm bảo một môi trường trong lành, an toàn trên thế giới. Chính những quy định siết chặt quản lý an ninh mạng mà các nước đang áp dụng sẽ góp phần tạo dựng một lá chắn an ninh cần thiết để ngăn chặn những tư tưởng, hành động lệch lạc, cực đoan lan rộng. Đây chính là những mầm mống gây bất ổn trật tự xã hội, đe dọa sự phát triển của xã hội văn minh trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được “xóa mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin. Cùng với đó, các cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục đấu tranh với Facebook để yêu cầu họ tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu họ tiếp tục không tuân thủ, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn cả về kinh tế, kỹ thuật.

Trong thời gian tới, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng tốt nhất để cải thiện chỉ số an toàn thông tin Việt Nam là thực hiện tốt các nội dung trong Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Trong đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng một cách tổng thể.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn