Như báo Nhà báo và Công luận đã thông tin tới bạn đọc về sự việc trong nhiều năm qua tại khu Gò Dung, thôn Bầu và Khu hành chính 15 (thuộc phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có nhiều cá nhân xây dựng biệt thự, nhà ở trái phép trên đất trồng mía, cây ăn quả. Gần chục biệt thự lớn nhỏ và hơn 30 căn nhà kiên cố đã dựng lên trước sự buông lỏng quản lý, thờ ơ của chính quyền sở tại.
Sai phạm nghiêm trọng diễn ra ở khu Gò Dung, thôn Bầu đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn thư đến chính quyền địa phương nhưng không hiểu vì lý do gì những biệt thự vẫn ngang nhiên hoàn thiện, thách thức pháp luật.
Những biệt thự sang trọng vẫn đang được xây dựng tại khu Gò Dung trước sự làm ngơ, có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền sở tại. Ảnh: Quốc Trần
Vậy các chủ sở hữu của những căn biệt thự sang trọng diện tích từ vài trăm đến cả nghìn mét vuông là ai? Liệu có đúng như lời nói của cò đất: ““Đất này là đất 50 năm, khu hành chính 15 cũng thế, mua bán có hợp đồng, trong đấy cũng có 6-7 biệt thự xây họ đang ở rồi. Công an có, bộ đội có, nhà báo có. Đất 50 năm nhưng sau này nó hợp thức hóa hết ấy mà, cứ yên tâm...”?
Báo cáo số 54/BC-UBND ngày 20/4/2018 về Hiện trạng sử dụng đất đã thu hồi của Công ty TNHH Kim Long và đất thuộc dự án 661 tại phường Liên Bảo đã thể hiện rõ nhiều vi phạm của chủ nhân các biệt thự tại khu Gò Dung. Báo cáo cho biết về tình trạng vi phạm: Khu đất UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Kim Long: Diện tích đất giao cho công ty theo Quyết định số 169/QĐ-UB ngày 30/01/1997 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại địa bàn phường Liên Bảo là 26,012 ha với mục đích sử dụng đất theo Quyết định giao đất: trồng mía.
Hiện nay trong khu đất đã xây dựng mới: 7 nhà biệt thự 2 tầng với tổng diện tích khoảng 2.205m2 (trong đó 4 nhà xây dựng hoàn thiện, có người ở UBND phường chỉ biết 01 nhà cho ông Dương Ngọc Khuyến; 01 nhà của ông Phạm Văn Xuân đã xây dựng, đang sinh sống; còn lại 02 nhà không xác định được chủ đang ở). Có 02 nhà đã xây hết phần tường, trát chưa lợp mái, 01 nhà xây tường. Có 01 nhà xây tường gạch lợp ngói diện tích 500m2 và 01 nhà khoảng 100m2 cho công nhân ở; 1500m2 chuồng trại, đổ sân bê tông 2000m2.
Diện tích đất khai thác khoảng: 9.500m2, chiều cao hạ cốt khoảng 15m với tổng số xấp xỉ khoảng 140.000m3 đất đã khai thác.
Báo cáo của UBND phường Liên Bảo nêu rõ sai phạm về sử dụng đất, xây dựng tại khu Gò Dung, trong đó có nhiều cán bộ mới nghỉ hưu, chủ doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Trần
Đối với trường hợp của ông Dương Ngọc Khuyến (hộ khẩu Khu hành chính 18, phường Liên Bảo – TP Vĩnh Yên) sử dụng phần đất mua lại của ông Trần Văn Tính (hộ khẩu phường Liên Bảo – TP Vĩnh Yên) vào tháng 6/2010. Đến năm 2015, ông Khuyến đã cho 5 người khác (nhưng không khai báo tên) xây dựng 05 nhà biệt thự 2 tầng, diện tích khoảng 150m2/căn, cao 7-8m xây thô kiên cố trên tổng diện tích khoảng 6000m2. Phần diện tích còn lại gồm: 500m2 chuồng trại; hạ đất san ủi với diện tích khoảng 13.000m2.
Phần đất ông Dương Ngọc Mỹ để lại cho con trai là ông Dương Ngọc Khuyến sử dụng. Năm 2016, ông Khuyến xây 01 nhà rộng 240m2, cao 8m và các công trình phụ trợ khác trên tổng diện tích đất 2.700m2.
Theo thông tin chúng tôi nắm được thì ông Dương Ngọc Khuyến là một kỹ sư hiện đang kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và là người khá có tiếng tăm tại địa phương.
Ông Khuyến thâu tóm hàng chục nghìn mét vuông đất tại khu Gò Dung, thôn Bầu và bán lại cho nhiều cá nhân khác để hình thành lên chuỗi biệt thự hoành tráng, trong đó nhiều biệt thự đã được xây thô, đang dần hoàn thiện. Trên khu đất gia đình ông Khuyến sử dụng, đã xây dựng lên một biệt thự bề thế mà theo nhiều người dân, đẹp nhất nhì khu vực Gò Dung.
Những căn biệt thự đã xây xong phần thô được cho là của vợ chồng ông Dương Ngọc Khuyến. Ảnh: Quốc Trần
Trường hợp của ông Phạm Văn Xuân – nguyên cán bộ Công an (hộ khẩu phường Liên Bảo – TP Vĩnh Yên) cũng là một trong những người sở hữu biệt thự tại khu vực Gò Dung, thôn Bầu. Nơi đây đã được chọn làm nơi dưỡng già của vị cán bộ công an này khi về hưu. Theo một cán bộ phường Liên Bảo, ông Xuân mới về hưu, đã mua lại đất của ông Tính từ năm 2010 và xây dựng 01 nhà vườn, công trình phụ trợ, xây tường bao quanh khu đất, phần diện tích còn lại trồng cây ăn quả. Khu nhà vườn của ông Xuân được xây dựng từ nhiều năm nay trên đất trồng mía và đến nay đã được hoàn thiện.
Cũng tương tự như ông Xuân, ông Bùi Hồng Cẩm – bộ đội về hưu (hộ khẩu phường Đồng Tâm – TP Vĩnh Yên) cũng đã chọn cho mình được một mảnh đất đẹp lên tới hàng nghìn mét vuông tại khu Gò Dung để kịp xây dựng một trang trại quy mô, hoành tráng. Ông Cẩm mua lại đất của Công ty TNHH Kim Long năm 2000. Sau đó, ông Cẩm đã xây tường cổng bao xung quanh, xây 01 nhà điều hành 500m2; xây 01 nhà khoảng 100m2 cho công nhân ở; 1500m2 chuồng trại, đổ bê tông 2000m2, phần diện tích còn lại trồng cây ăn quả.
Những khu nhà vườn, nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất trồng mía với tường bao quanh kín mít. Ảnh: Quốc Trần
Một trường hợp khác là ông Hà Đức Phượng – cán bộ nghỉ hưu (hộ khẩu Khu hành chính 6 phường Liên Bảo – TP Vĩnh Yên) nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Kim Long. Đầu năm 2016, ông Phượng bán một phần cho ông Kiều Kim Liên (ông Liên là lao động tự do). Trên khu đất mua lại của ông Phượng, ông Liên đã xây dựng 01 nhà kho – nhà tạm diện tích khoảng 175m2.
Như vậy, những chủ nhân của một loạt biệt thự tại Gò Dung, thôn Bầu, phường Liên Bảo đã lộ diện và đúng theo lời của cò đất cùng người dân địa phương cung cấp đó là của: cán bộ công an, bộ đội, doanh nghiệp và nhà báo... Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, khu Gò Dung nằm khuất trong thôn Bầu nhưng lại vô cùng thuận thiện trong giao thông; chỉ cách UBND phường Liên Bảo, đường Nguyễn Tất Thành vài trăm mét.
Sơ đồ hiện trạng được vẽ ra trong quá trình kiểm tra của phường Liên Bảo đã thể hiện khu đất trồng mía Gò Dung bị băm nát. Ảnh: Quốc Trần
Tình trạng mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp đất trồng mía đã diễn ra gần 10 năm qua thể hiện sự thờ ơ, có biểu hiện tiếp tay cho hành vi này từ phía chính quyền địa phương. Hàng loạt biệt thự xây dựng trái phép đã khiến công tác quản lý đất đai, xây dựng tại phường Liên Bảo trở nên vô cùng phức tạp. Phải chăng tại Gò Dung có những chủ nhân có đủ tầm "quan hệ" nên không bị xử lý? Có chăng chỉ là những biên bản được lập một cách qua loa rồi để đấy. Trong khi đó, UBND phường Liên Bảo đã báo cáo nhiều lần đến UBND TP Vĩnh Yên nhưng lãnh đạo Thành phố vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần