Thế giới 24h

Hé lộ nguyên nhân Trái đất nóng suốt 5 triệu năm sau Đại tuyệt chủng

Hà Trang (theo Nature Communications, CNN) 03/07/2025 13:16

(CLO) Khoảng 252 triệu năm trước, một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, hay được gọi là Đại tuyệt chủng, đã xóa sổ 97% sự sống trên Trái đất.

Đó là cuộc khủng hoảng sinh học lớn nhất trong lịch sử hành tinh. Sau đó Trái đất rơi vào trạng thái siêu nóng kéo dài tới 5 triệu năm. Giai đoạn siêu nóng này đã gây ra không ít bối rối cho giới khoa học trong nhiều thập kỷ.

Một nghiên cứu mới dựa trên kho dữ liệu hóa thạch khổng lồ đã đưa ra lời giải: nguyên nhân có thể đến từ sự sụp đổ hoàn toàn của các khu rừng nhiệt đới sau sự kiện tuyệt chủng. Phát hiện này không chỉ giải đáp bí ẩn mà còn cảnh báo nghiêm trọng về tương lai khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch khiến Trái Đất nóng lên.

Sự sụp đổ của rừng nhiệt đới

Nguyên nhân của thảm họa từng được cho là do các đợt phun trào núi lửa ở vùng Bẫy núi lửa Siberia, giải phóng lượng lớn carbon và khí nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu cực đoan, khiến các loài sinh vật biển và trên cạn biến mất, hệ sinh thái sụp đổ, đại dương bị axit hóa.

Screenshot 2025-07-03 102648
Hóa thạch một loại cây dương xỉ lá rộng từ một khu rừng nhiệt đới trước khi tuyệt chủng. (Ảnh: Tiến sĩ Zhen Xu)

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vì sao hiện tượng "siêu nhà kính" lại kéo dài đến vậy dù núi lửa đã ngừng hoạt động.

“Đây là sự kiện duy nhất khiến toàn bộ thực vật biến mất”, Giáo sư Benjamin Mills cho biết. Để kiểm chứng, họ sử dụng cơ sở dữ liệu hóa thạch để tái dựng bản đồ thảm thực vật trước, trong và sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Kết quả cho thấy mất rừng làm giảm nghiêm trọng khả năng hấp thụ carbon của hành tinh, nghĩa là vẫn còn rất nhiều carbon trong khí quyển.

Rừng đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa khí hậu: chúng hút và lưu trữ carbon, đồng thời hỗ trợ quá trình phong hóa silicat – một cơ chế tự nhiên loại bỏ carbon khỏi khí quyển thông qua phản ứng hóa học giữa đá, nước mưa và rễ cây.

Khi rừng biến mất, chu trình carbon bị phá vỡ. Giáo sư Michael Benton từ Đại học Bristol nhận xét rằng sự sụp đổ này làm gián đoạn chu trình oxy-carbon, ngăn cản việc chôn lấp carbon và khiến CO₂ tồn tại lâu dài trong khí quyển.

Bài học cảnh báo cho hiện tại

Ông cũng cảnh báo về “hiệu ứng ngưỡng” khi sự suy giảm rừng đạt đến mức không thể phục hồi theo quy mô thời gian sinh thái, bất chấp các nỗ lực giảm phát thải.

Nghiên cứu cho thấy, nếu tình trạng nóng lên toàn cầu ngày nay tiếp tục làm suy sụp các khu rừng nhiệt đới, hành tinh có thể rơi vào kịch bản tương tự: cho dù con người dừng phát thải, Trái đất có thể vẫn không "nguội", thậm chí nóng lên nhanh hơn.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng. Các khu rừng hiện nay có thể thích nghi tốt hơn với nhiệt độ cao so với rừng thời cổ đại. Nhưng theo Mills: “Nếu bạn làm nóng rừng nhiệt đới quá mức, hậu quả sẽ rất tồi tệ và chúng ta đã thấy điều đó từng xảy ra”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hé lộ nguyên nhân Trái đất nóng suốt 5 triệu năm sau Đại tuyệt chủng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO