Xe

Hiểm họa từ mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả

An Nhi 01/07/2025 10:23

(CLO) Việc sử dụng mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả đang trở thành một vấn nạn, từ đó gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.

Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, thực trạng này không chỉ là thách thức cho các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc nhận diện, tố giác và loại bỏ hàng giả ra khỏi đời sống.

Biết mũ giả vẫn dùng

Kết quả khảo sát chất lượng trên 540 mũ bảo hiểm do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thực hiện mới đây cho thấy, có đến 25,9% số mũ bảo hiểm hiện đang lưu hành chỉ là mũ lưỡi trai, loại có lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp hoặc phần xốp rất mỏng. Đây là những mũ bảo hiểm không có khả năng bảo vệ cho người đội nếu không may tai nạn giao thông xảy ra.

Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ mũ bảo hiểm giả - Ảnh: Ấp Bắc.
Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ mũ bảo hiểm giả - Ảnh: Ấp Bắc.

Loại mũ này phần lớn đều có kiểu dáng giống như mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, không qua kiểm định chất lượng nhưng lại sử dụng tem, nhãn giả, có nhiều trường hợp còn giả mạo nhãn hiệu của những nhà sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm đạt chuẩn, hoặc không có nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý là loại hàng hóa vi phạm này lại đang được bày bán tràn lan ở vỉa hè, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hoặc qua mạng xã hội với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc.

Nguy cơ nằm ở chỗ, nhiều người tiêu dùng dù biết rõ đây không phải là mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhưng vẫn chủ động lựa chọn, xem đó như một "giải pháp tình thế" để đối phó với lực lượng chức năng và tránh bị xử phạt hành chính khi tham gia giao thông.

Không những vậy, người kinh doanh hoặc sử dụng mũ bảo hiểm giả còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra xử lý sai phạm với những lập luận như: không biết là mũ bảo hiểm giả, đây là mũ bảo vệ…

“Ẩn họa dưới bánh xe

Nếu đội mũ kém chất lượng là mối đe dọa trực tiếp khi tham gia giao thông bằng xe máy, thì phụ tùng xe máy giả là những "ẩn họa dưới bánh xe". Trường hợp người tiêu dùng sửa chữa, thay thế phải phụ tùng giả, đặc biệt là phụ tùng mang tính năng an toàn như má phanh, lốp, nhông xích, và dây đai… không những ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe, tính mạng khi vận hành xe không đủ điều kiện an toàn.

Bộ phận lọc gió giả thương hiệu Honda bị thu giữ từ cửa hàng sửa xe máy - Ảnh: ĐT
Bộ phận lọc gió giả thương hiệu Honda bị thu giữ từ cửa hàng sửa xe máy - Ảnh: ĐT

Tình trạng làm giả phụ tùng xe máy như má phanh, bugi, lốp xe, ắc-quy, dầu nhớt… đang gia tăng với thủ đoạn tinh vi. Các sản phẩm này thường bị làm giả bao bì, tem chống hàng giả, tự ý sử dụng thương hiệu của những nhà sản xuất chính hãng, trộn lẫn với hàng thật, khó kiểm soát chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng như nổ lốp, cháy nổ động cơ.

Phụ tùng và cả xe máy (bao gồm xe điện) giả mạo nhãn hiệu, sao chép kiểu dáng các mẫu mã xuất hiện ngày càng nhiều, với các hình thức như thay đổi chi tiết nhỏ, quảng cáo gây nhầm lẫn với sản phẩm của nhà sản xuất chính hãng.

Đây là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm luật quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các hãng sản xuất chân chính, không khuyến khích hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Cần sự chủ động của cả người tiêu dùng

Để đẩy lùi thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng tiểu ban Sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), cho rằng cùng với sự vào cuộc từ các cơ quan chức năng thì cũng cần sự chủ động của chính người tiêu dùng mới có thể đẩy lùi được vấn nạn hàng giả đang ngày càng len lỏi sâu vào đời sống.

Một số loại mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả phổ biến - Ảnh: ĐT
Một số loại mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả phổ biến - Ảnh: ĐT

“Hiện nay, hàng giả được làm tinh vi đến mức giống hệt hàng thật, thậm chí còn được dán tem chống giả, tem hợp quy và tự ý gắn thương hiệu của các doanh nghiệp thành viên VAMM. Điều này gây khó khăn cho cả lực lượng chức năng lẫn người tiêu dùng trong việc phân biệt và ngăn chặn”, bà Quỳnh nêu quan điểm.

Với vai trò là cầu nối giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng, VAMM đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc nâng cao ý thức và tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cũng như bảo vệ sản phẩm chính hãng và quyền sở hữu trí tuệ trong ngành xe máy.

Mới đây, VAMM đã đồng hành cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và Công an Thành phố Hà Nội hưởng ứng chiến dịch “Toàn dân đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia”. Sau chiến dịch, tỷ lệ người dân đội mũ đạt chuẩn tại Hà Nội đã tăng 95% so với cùng kỳ năm trước, từ 1.004 lên 1.946 trường hợp. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao ý thức an toàn giao thông trong cộng đồng.

Song song với công tác tuyên truyền, hiệp hội còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Trong năm 2024, VAMM đã tham gia xử lý 342 vụ, thu giữ hơn 17.000 đơn vị phụ tùng giả; riêng trong nửa đầu năm 2025 đã phát hiện và xử lý thêm 177 vụ việc với trên 2.000 đơn vị linh kiện vi phạm.

Đặc biệt, một trong những dấu ấn đáng chú ý là vụ kiện kéo dài suốt 7 năm liên quan đến hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp xe máy. Doanh nghiệp thành viên VAMM đã thắng kiện, trở thành minh chứng rõ ràng cho quyết tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến cùng của Hiệp hội trong lĩnh vực công nghiệp xe máy.

Bên cạnh các hoạt động pháp lý, VAMM cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Gần đây, các chương trình tập huấn phân biệt hàng thật – giả do VAMM phối hợp tổ chức tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bình Định, Đắk Nông và Phú Yên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực nhận diện sản phẩm của lực lượng quản lý thị trường địa phương. Các thành viên trong hiệp hội, tiêu biểu như Honda Việt Nam, cũng liên tục đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm chính hãng, đảm bảo rõ ràng nguồn gốc, chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh các nỗ lực từ phía quản lý Nhà nước, việc bảo vệ người tiêu dùng cần có sự chung tay của toàn xã hội. Người dân được khuyến khích nên mua sản phẩm tại các cửa hàng, đại lý chính hãng, có đầy đủ hóa đơn và kiểm tra Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe máy) để đảm bảo mua đúng hàng hóa của nhà sản xuất chính hãng. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần chủ động báo cho cơ quan quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát kinh tế hoặc đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về hàng giả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiểm họa từ mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO