Góc nhìn

Hiến pháp và kỳ vọng đổi mới tư duy tổ chức quyền lực

Hữu Kế 06/05/2025 06:33

(CLO) Hiến pháp là đạo luật gốc của mọi quốc gia. Ở Việt Nam, Hiến pháp không chỉ là bản cam kết chính trị tối cao giữa Nhà nước với Nhân dân, mà còn là kết tinh của tư tưởng đổi mới trong từng thời kỳ phát triển. Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp là một lần quốc gia tự soi lại mình, điều chỉnh cấu trúc tổ chức quyền lực, khẳng định niềm tin và ý chí vượt lên từ thực tiễn lịch sử.

210220250856-202502191054565390_z6331502587344_2f6483299ea2fbb28ec7fe52b019eb57.jpg
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bàn thảo những vấn đề hệ trọng của đất nước

Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, đến bản Hiến pháp 2013 đang có hiệu lực hiện nay, mỗi lần lập hiến đều gắn với một bước ngoặt lớn: từ giành độc lập đến thống nhất đất nước, từ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đến công cuộc Đổi mới và hội nhập toàn diện.

Những lần sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam không chỉ phản ánh nhu cầu chính trị, pháp lý và tổ chức, mà còn là chỉ dấu rõ rệt của sự chuyển mình về tư duy cầm quyền, về cách Nhà nước kiến tạo và vận hành quyền lực.

Nay, khi đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu “đột phá thể chế”, Trung ương Đảng, mà cụ thể là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đã phát đi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ: cần thiết phải sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013, để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nội dung trọng yếu trong Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 - một văn kiện mang tính chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện rõ tầm nhìn dài hạn và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng đối với tổ chức quyền lực Nhà nước.

Điều đặc biệt đáng chú ý là, khác với các lần sửa đổi trước thường diễn ra sau những cú hích về mặt chính trị - xã hội hoặc kinh tế, đợt sửa đổi lần này đến từ nhu cầu nội tại của bộ máy quyền lực. Nói cách khác, chính Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội chủ động yêu cầu phải thay đổi cách thức tổ chức, phân bổ và kiểm soát quyền lực - một dấu hiệu của sự trưởng thành thể chế.

Việc Bộ Chính trị yêu cầu Đảng ủy Quốc hội phối hợp với Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy các Ủy ban chuyên trách và Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương rà soát sửa đổi Hiến pháp không chỉ thể hiện tinh thần chủ động, mà còn cho thấy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị đang được vận hành một cách thực chất. Đặc biệt, việc ấn định thời gian hoàn thành dự thảo sửa đổi Hiến pháp chậm nhất vào tháng 6/2025, phản ánh sự cấp bách, nhưng cũng rất bài bản, có kế hoạch, lộ trình và kỷ luật lập hiến rõ ràng.

Vậy, vì sao lại phải sửa Hiến pháp lúc này?

Câu trả lời nằm ở chính những bất cập đã được chỉ ra trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy suốt gần một thập kỷ qua: phân quyền chưa đủ rõ, phân cấp chưa đồng bộ, kiểm soát quyền lực còn hình thức ở nhiều nơi, mối quan hệ giữa các thiết chế hiến định như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Kiểm toán, Hội đồng Bầu cử Quốc gia… đôi khi còn chồng chéo, hoặc chưa tương xứng với vai trò.

Trong bối cảnh ấy, sửa đổi Hiến pháp không chỉ để “gỡ rối” mà quan trọng hơn, là để tạo khuôn khổ pháp lý mới cho một mô hình tổ chức quyền lực tiến bộ, hiệu quả và dân chủ hơn.

Nói cách khác, sửa Hiến pháp lúc này là để làm mới tư duy về tổ chức quyền lực, chuyển từ “phân công” sang “phân quyền”; từ “tập trung” sang “kiểm soát”; từ “vận hành theo luật” sang “kiến tạo luật”. Đó là một bước nâng cấp thể chế mang tính chiến lược.

Cần nhấn mạnh: việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp không đồng nghĩa với làm lại toàn bộ bản Hiến pháp 2013 - vốn vẫn là một bản Hiến pháp tiến bộ và có tính hiện đại cao. Điều Việt Nam đang hướng tới là điều chỉnh để “thiết kế lại phần cơ khí quyền lực”, trên cơ sở giữ vững nền tảng chính trị và bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta không ngộ nhận rằng mọi bất cập của bộ máy đều có thể giải quyết bằng cách sửa Hiến pháp. Nhưng rõ ràng, nếu không sửa Hiến pháp, sẽ không thể có nền tảng pháp lý đủ mạnh để thiết kế lại các cấu trúc quan trọng như: chính quyền địa phương, bộ máy tư pháp, vị trí - vai trò của Quốc hội, mối quan hệ giám sát và kiểm tra quyền lực giữa các thiết chế nhà nước, hay cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ trong thực tế.

vnapotaltongbithutolamgapmatdaibieutrithucnhakhoahoc7781852-1735543069736117277948.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ tin tưởng: "Nhất định chúng ta sẽ thành công trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phát triển"

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vững mạnh - như tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã khẳng định - thì sửa đổi Hiến pháp không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà chính là một nhiệm vụ chính trị chiến lược. Đó là cách chúng ta làm mới chính mình từ gốc rễ thể chế, để quyền lực nhà nước không chỉ được trao đi, mà còn phải được kiểm soát, giám sát, và vận hành một cách minh bạch, hiệu quả.

Trong bài "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” chính là để: tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa - trích bài "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình".

Trong kỷ nguyên mà Việt Nam khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, Hiến pháp không thể đi sau sự chuyển mình của thực tiễn. Ngược lại, chính Hiến pháp phải mở đường, phải là công cụ để giải phóng năng lực vận hành của bộ máy, kích hoạt sáng tạo trong quản trị và tạo niềm tin bền vững vào công lý, dân chủ và pháp quyền.

Sửa Hiến pháp, vì thế, không chỉ là sửa một văn bản. Đó là cách một dân tộc tự điều chỉnh để đi xa hơn, vững chắc hơn trên hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiến pháp và kỳ vọng đổi mới tư duy tổ chức quyền lực
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO