Sức khỏe

Hiến tạng: Hành trình gieo hy vọng từ những nghĩa cử thầm lặng

Thùy Linh 28/04/2025 19:36

(CLO) Hiến tạng sau khi qua đời là hành động mang tính nhân đạo, tạo cơ hội sống cho những bệnh nhân đang chờ đợi. Mặc dù nhận thức về hành động này ngày càng được cải thiện, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức trong việc vận động hiến tạng tại Việt Nam.

Truyền thông đóng góp một phần thay đổi quan điểm về hiến tạng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm, thế nhưng tỷ lệ hiến tạng sau chết não lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Cụ thể, tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời chỉ khoảng 0,15 người trên một triệu dân, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có hệ thống hiến tạng phát triển như Tây Ban Nha hay Thái Lan. Điều này dẫn đến việc hàng nghìn người bệnh đang phải chờ đợi mòn mỏi từng ngày, từng giờ để tìm nguồn hiến.

bm1a3835.jpg
Việt Nam có tỷ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á. (Ảnh: ST)

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc đăng ký hiến tạng tại Việt Nam, đó là nhiều người dù đã đăng ký hiến tạng nhưng sau khi qua đời không thể hiến như mong muốn, bởi không được sự đồng ý của gia đình, người thân.

Có nhiều trường hợp, người hiến tạng đã đăng ký tạng sau khi mất, gia đình đã đồng ý hiến tạng người thân chết não nhưng chỉ cần một người như người dì hay ông nội không đồng ý là toàn bộ ê kíp phải dừng lại. Bởi vì luật quy định, chỉ cần 1 người trong gia đình không đồng ý thì không được lấy tạng.

Dù vậy, trong thời gian gần đây, với nhiều công tác tuyên truyền, vận động trong việc hiến tạng đã thay đổi quan điểm của người dân về vấn đề này. Năm 2024 vừa qua là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển lĩnh vực hiến ghép tạng Việt Nam.

Cả nước đã ghi nhận 41 ca hiến tạng sau chết não, tăng 173% so với tổng ba năm trước cộng lại (2021–2023). Phú Thọ là một trong những địa phương có tỷ lệ hiến tạng cao.

Đến nay, địa phương này đã có 5 trường hợp hiến đa tạng sau chết não, và mỗi ca hiến đã tặng đi ít nhất 8 bộ phận, bao gồm tim, gan, 2 thận, tụy, phổi và 2 giác mạc. Những món quà sự sống ấy đã góp phần cứu sống khoảng 40 người bệnh đang cận kề lằn ranh sinh tử.

"Cho đi là còn mãi", lan tỏa hành động hiến tạng trong cộng đồng

Mỗi ca ghép tạng thành công không chỉ là thành quả của y học mà còn là một hành động nhân văn mang tính sống còn, giúp tiếp nối sự sống cho những người đang mắc phải các bệnh lý nguy hiểm.

bm1a4379.jpg
Mặc dù phía sau mỗi ca ghép tạng, gia đình người hiến tạng phải đối mặt với sự mất mát to lớn. (Ảnh: Thùy Linh)

Mặc dù phía sau mỗi ca ghép tạng, gia đình người hiến tạng phải đối mặt với sự mất mát to lớn, một nỗi đau không thể đo đếm, thế nhưng, nhiều gia đình có người hiến tạng cho biết họ cảm thấy an lòng khi biết rằng hành động của mình đã giúp cứu sống những sinh mạng khác.

Tại chương trình khám bệnh miễn phí cho 500 người thân của những người hiến tạng được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức mới đây tại Phú Thọ, chị Ngô Thị Giang đã nhớ lại những giờ phút đau đớn tột cùng khi người em trai (anh N.D.H), vĩnh viễn ra đi sau khi được xác định chết não.

Trong sự mất mát của gia đình, một quyết định mang đậm tính nhân văn, được chị gia đình anh Ngô Duy Hải đưa ra, đó là hiến tặng một phần cơ thể còn khỏe mạnh của anh để cứu sống những người khác. 6 bệnh nhân đã nhận được từ trái tim đến lá gan, đôi thận và giác mạc của anh Hải.

Chia sẻ về quyết định này, chị Giang nghẹn ngào: "Em tôi đã mất, nhưng tôi cảm thấy như em vẫn sống qua phần cơ thể của mình. Đó là sự an ủi lớn nhất cho cả gia đình”.

Hành động cao đẹp này không chỉ cứu sống nhiều người mà còn lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng.

bm1a4359.jpg
Mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong khi đó, câu chuyện của gia đình chị Huỳnh Thu Sa Mai lại khắc họa một khía cạnh khác của nghĩa cử hiến tạng, đó là sự đồng lòng và thấu hiểu của cả gia đình.

Sau sự ra đi đột ngột của ông H.Q.B, gia đình chị Huỳnh Thu Sa Mai đã cùng nhau đưa ra quyết định hiến tặng hai quả thận của ông. Quyết định này càng thêm ý nghĩa khi người mẹ của chị Sa Mai từng bày tỏ tâm nguyện hiến xác cho y học sau khi qua đời.

"Mẹ tôi là người có tư duy rất cởi mở và luôn hướng đến cộng đồng. Chính bà là người đầu tiên ủng hộ quyết định hiến tạng của ba”, chị Sa Mai tâm sự.

Hai bệnh nhân đã được ghép thận thành công. Dù ban đầu vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng theo thời gian, hành động nhân văn của gia đình chị Sa Mai đã nhận được sự cảm thông và trân trọng từ cộng đồng.

Tại vùng quê Phú Thọ, gia đình bác Hán Văn Nhất đã có một quyết định đầy tình người trong nỗi đau mất mát cháu nội, em H.B.N (18 tuổi), sau một tai nạn giao thông thương tâm. Dù chưa từng bàn đến chuyện hiến tạng trước đó, nhưng trước đề xuất đầy tính nhân văn của bác sĩ, cả gia đình đã đồng lòng.

"Nhìn những người bệnh đau đớn giành giật sự sống, tôi nghĩ nếu con mình không còn, mà vẫn có thể giúp người khác sống, thì đó là cách để cháu tôi vẫn còn tiếp tục hiện diện trên cõi đời”, bác Nhất xúc động bộc bạch.

Một bệnh nhân đã được ghép thận và một người khác được ghép giác mạc từ Bình Nam. Dù ban đầu có những lời dị nghị, nhưng tấm lòng cao cả của gia đình bác Nhất đã dần lay chuyển và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng.

“Niềm an ủi lớn nhất của gia đình là nhìn thấy những người nhận tạng khỏe mạnh, tiếp tục cuộc sống”, bác Nhất nói.

_mg_8018.jpg
Sau những mất mát to lớn, sự quan tâm và chăm sóc là vô cùng cần thiết. (Ảnh: Thùy Linh)

Có thể thấy rằng, các trường hợp như gia đình chị Ngô Thị Giang, chị Huỳnh Thu Sa Mai và bác Hán Văn Nhất cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về việc hiến mô, tạng. Những quyết định được đưa ra trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung, đó là cứu người.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản trong việc vận động hiến tạng, bao gồm tâm lý e ngại, thiếu thông tin và hiểu lầm trong cộng đồng.

Trong bối cảnh đó, các câu chuyện cụ thể từ những gia đình đã hiến tạng có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin chính xác, góp phần khuyến khích thêm nhiều người sẵn sàng đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Theo đại diện của Bệnh viện mắt Hà Nội 2, đây là lần đầu tiên, một chương trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt dành riêng cho những gia đình có người hiến tạng.

“Chúng tôi hiểu rằng, sau những mất mát to lớn, sự quan tâm và chăm sóc là vô cùng cần thiết”, đại diện Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chia sẻ.

Trong suốt 8 năm qua, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thực hiện gần 100 đợt khám thiện nguyện, mang lại cơ hội chăm sóc mắt cho hơn 15.000 người trên khắp dải đất hình chữ S.

Bước sang năm thứ 9, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cam kết tiếp tục thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ thị lực cộng đồng, đồng thời hướng tới là một điểm sáng của hành trình sự sống, lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp và tiếp tục đồng hành giúp người dân có một đôi mắt sáng khỏe và một cuộc sống tốt đẹp hơn.




    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiến tạng: Hành trình gieo hy vọng từ những nghĩa cử thầm lặng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO