Hiệp định thương mại RCEP: Mở đầu cho buổi bình minh của Thế kỷ Châu Á

Thứ hai, 16/11/2020 06:12 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37. Đây được xem là dấu mốc lịch sử, kỳ vọng có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho một châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4.

Bài liên quan

RCEP - Sự kiện đặc biệt

Sau 8 năm đàm phán, 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand cuối cùng cũng đi đến thống nhất để tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

15 quốc gia thành viên RCEP chiếm khoảng 1/3 dân số và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Tổng GDP của các quốc gia ký kết Hiệp định lên tới con số khổng lồ 26,2 nghìn tỷ USD và sẽ lớn hơn cả Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada và Liên minh châu Âu.

Theo thỏa thuận, RCEP sẽ loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng nhập khẩu giữa các quốc gia, ký kết trong vòng 20 năm và sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ.

RCEP cũng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho các công ty và thương nhân bằng cách cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt đối với từng quốc gia đó. Thỏa thuận dự kiến ​​có hiệu lực vào năm 2021.

Ngoài ra, RCEP cũng đại diện cho hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các cường quốc kinh tế công nghiệp hàng đầu của châu Á. Ba quốc gia Đông Bắc Á đã đàm phán kể từ năm 2012 về việc xây dựng một hiệp ước thương mại tự do ba bên với rất ít tiến triển đối với một thỏa thuận trong những năm gần đây, khi sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.

RCEP cũng dự kiến ​​sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của Bắc Kinh sang Đông Nam Á, nơi thương mại đã tăng trong năm nay bất chấp đại dịch.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP - không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ASEAN phục hồi vào năm tới sau sự tàn phá kinh tế bởi các tác động của đại dịch, mà nó còn nêu bật tầm quan trọng của khu vực trong điều mà một số nhà phân tích vẫn tin rằng sẽ được gọi là “Thế kỷ châu Á”.

Các dự báo cho thấy khối ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào cuối thập kỷ này. Năm ngoái, khu vực này có tổng GDP là 2,57 nghìn tỷ USD.

Các quốc gia thành viên RCEP, ngoài Ấn Độ - Ảnh: facebook

Các quốc gia thành viên RCEP, ngoài Ấn Độ - Ảnh: facebook

Những đánh giá tích cực

Ngay sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, truyền thông các quốc gia châu Á và châu Âu đều đánh giá rất cao sự kiện này. Các tờ báo Đức, Pháp, Anh… đánh giá RCEP là “một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới đang hình thành”, đồng thời nhấn mạnh về cơ hội để khu vực biến “công xưởng thế giới” thành “thị trường thế giới”.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, tất cả các bên tham gia Hiệp định RCEP đều có lợi.

Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc, ông Jason Ji cho biết, các nước như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam có thể nhận thấy sự gia tăng GDP và khối lượng xuất khẩu sau khi hiệp định có hiệu lực.

Chủ tịch Ủy ban thương mại Singapore, tiến sĩ Michael Gautama đánh giá Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thỏa thuận thương mại vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) thuộc KADIN, ông Juan Gondokusumo nhấn mạnh rằng, RCEP sẽ là một thỏa thuận thương mại “có giá trị gia tăng cao”, hoặc có thể được gọi là một “WTO+” đối với các quốc gia thành viên nhằm đạt được mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, bao trùm nhiều vấn đề như thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp.

Các nhà phân tích nói rằng, RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa, vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.

Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực. Đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa ra ngoài khối, việc xây dựng chuỗi cung ứng trong các nước RCEP cũng mang lại nhiều lợi ích hơn.

Các quan chức cấp cao của các quốc gia đàm phán RCEP bắt tay tại hội nghị Thượng đỉnh tại Thái Lan vào tháng 11/2019 - Ảnh: Getty

Các quan chức cấp cao của các quốc gia đàm phán RCEP bắt tay tại hội nghị Thượng đỉnh tại Thái Lan vào tháng 11/2019 - Ảnh: Getty

Thành công của ASEAN và tất cả thành viên RCEP

Các nhà bình luận cho rằng, ở góc độ nào đó, RCEP sẽ mang lại cho Trung Quốc “một chút không gian thở” từ cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ nói chung đang gia tăng.

Nói về tính biểu tượng và ý nghĩa của thỏa thuận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết hôm thứ Ba tuần trước: “Năm 2020 đã chứng kiến ​​sự gia tăng cả thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN so với ky vọng”.

Trên thực tế, khối ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020, với tổng giá trị thương mại là 416,6 tỷ USD, theo dữ liệu gần đây từ chính phủ Trung Quốc.

Một điều dễ nhận thấy ở RCEP là Hiệp định này và các thỏa thuận khác phần nào đó nói lên mong muốn hướng nội về sự gắn kết và hợp tác trong khu vực.

Một là sự ra mắt của kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu của khu vực Đông Nam Á, sẽ giúp các quốc gia thành viên tiếp cận dễ dàng hơn với các thiết bị quan trọng nếu số ca Covid-19 của họ tăng lên.

Quan trọng hơn, khu vực đã đồng ý với Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN, một “kế hoạch thoát khỏi đại dịch” về kinh tế và xã hội sẽ được thực hiện vào năm tới, cũng như Quỹ Ứng phó ASEAN Covid-19, sẽ tập hợp các khoản tài trợ và viện trợ tài chính cho khu vực.

Một số nhà phân tích coi các thỏa thuận là dấu hiệu cho thấy mong muốn của khu vực là ít phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, một sự thay đổi sẽ đòi hỏi các quốc gia giàu có hơn trong khu vực sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn của khối.

Có thể nói, năm 2020 kết thúc với một ghi nhận tích cực cho ASEAN khi chủ trì ký kết thành công thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Bất chấp những cảnh báo về những khó khăn và thành thức có thể xảy ra trong năm 2021, khi mà ASEAN tập trung vào các mối quan tâm truyền thống hơn, thì những gì đạt được ở RCEP sẽ là tiền đề quan trọng để các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu cho một quá trình mới hậu COVID.  

Thị trường rộng lớn với 2,2 tỷ dân và tổng GDP 26,2 nghìn tỷ đô la thực sự là bàn đạp và động lực rất lớn để các quốc gia tham gia RCEP thúc đẩy tăng trưởng, đẩy lùi lạm phát thông qua hợp tác cùng có lợi.

Đúng như tên gọi của mình RCEP được kỳ vọng sẽ cởi bỏ nút thắt để các quốc gia hội nhập và hòa nhập hơn nữa, trở thành đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Phan Nguyên

Tin khác

Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

Kinh doanh vàng giả nhãn hiệu có thể chịu án hình sự

(CLO) Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều vụ việc đối với mặt hàng vàng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước huỷ đấu thầu vàng miếng SJC

(CLO) Phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng nay (3/5) đã được Ngân hàng Nhà nước huỷ, do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu nhờ kinh tế Mỹ

(CLO) Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến chỉ vài tháng trước nhờ hoạt động kinh tế kiên cường của Mỹ trong khi lạm phát đang hội tụ nhanh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương, theo OECD.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

Đấu thầu vàng SJC phiên thứ tư, giá tham chiếu để cọc cao chót vót

(CLO) 9h sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng phiên thứ tư với 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, giá tham chiếu để cọc 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng giao dịch trên thị trường được đánh giá là quá cao. 

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhiều nông dân Trung Quốc trở thành triệu phú nhờ bán hàng livestream

Nhiều nông dân Trung Quốc trở thành triệu phú nhờ bán hàng livestream

(CLO) Năm 2023 có hơn 15 triệu người phát trực tiếp chuyên nghiệp ở Trung Quốc sản xuất nội dung từ giải trí đến rao bán các sản phẩm như son môi, đồ ăn, ôtô thậm chí là nhà đất. Hưởng lợi từ điều đó, nhiều nông dân đã giàu lên nhờ bán mặt hàng nông sản, nhưng vẫn còn nhiều người loay hoay trong “cuộc chiến” công nghệ số.

Thị trường - Doanh nghiệp