Hiểu sâu hơn để thích ứng, tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ CPTPP

29/12/2022 10:22

(NB&CL) 3 năm thực thi, CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường rất mới mẻ và tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều dư địa đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải tăng tốc tận dụng hiệu quả hơn nữa.

CPTPP - đưa Việt Nam lên vị thế mới trong hội nhập kinh tế quốc tế

Đó là chia sẻ của ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khi nói về vị thế của Việt Nam trong hội nhập, tại hội nghị tổng kết, đánh giá sau 3 năm đi vào thực thi Hiệp định CPTPP diễn ra ngày 26/12/2022. 

hieu sau hon de thich ung tan dung tot hon nua co hoi tu cptpp hinh 1

Theo ông Lương Hoàng Thái, CPTPP là hiệp định có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. CPTPP là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia với những cam kết sâu rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực.

Ngay trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD, là tiền đề để Việt Nam đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế. Cũng theo ông Thái, để ý sẽ thấy, tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ thì đều là thành viên của CPTPP. “Đây là bàn đạp để chúng ta có được những cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác”, ông Thái cho biết.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Theo ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Hiệp định CPTPP thực thi đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường mới chưa từng có FTA tại khu vực châu Mỹ. Năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD, nhập khẩu 1,5 - 1,6 tỷ USD, xuất siêu rất lớn.

Xuất khẩu sang Peru, mặc dù mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85% so với năm 2020. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63% so với năm 2020.

“Những thị trường mới ở trong khu vực CPTPP là có nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ Canada, mỗi năm nhập khẩu 500 tỷ USD hàng hóa, thuộc nhóm 15 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất thế giới. Hay Mexico hằng năm cũng nhập tới 400 tỷ USD. Với ưu đãi thuế quan giảm dần theo lộ trình trong CPTPP, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ngoại khối tại 2 thị trường này”, ông Hoàn cho biết.

Có thể thấy rõ nhất thành quả từ CPTPP với ngành da giày. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), với việc thực thi hiệp định CPTPP đã tạo ra được những thay đổi rất  lớn đối với ngành da giày.

Đầu tiên, theo bà Xuân là cú hích tăng trưởng xuất khẩu. Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP, mức kim ngạch chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thì nay đã chiếm hơn 14%, điều đó cũng cho thấy mức độ tận dụng cơ hội thị trường CPTPP để tăng tốc xuất khẩu.

Thứ hai, khi tham gia hiệp định CPTPP yêu cầu về quy định đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm qua, từ đó tạo đà để khi thực thi Hiệp định, tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi rất cao.

Thứ ba, quá trình đầu tư, chuyển đổi để đáp ứng các yêu cầu của CPTPP đã giúp năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Cùng chung góc nhìn, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc khối nội chính - truyền thông - đối ngoại, Tập đoàn PAN cho rằng CPTPP là cú hích giúp doanh nghiệp có cơ hội đi sâu hơn vào các thị trường này, lợi thế cạnh tranh tốt hơn, chuyển từ sản xuất thô sang sản phẩm có thương hiệu...

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, sau hơn 3 năm thực thi CPTPP, hiện 10 nước thành CPTPP đang chiếm đến 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2021, tỷ trong này là 25%, cho thấy độ phủ sóng của thủy sản Việt tại khu vực thị trường này càng rõ hơn.

hieu sau hon de thich ung tan dung tot hon nua co hoi tu cptpp hinh 2

Cần nhanh chân hơn nữa, hiểu thêm về CPTPP hơn nữa

Các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp đều có chung nhận định, qua 3 năm thực thi, mặc dù những số liệu xuất khẩu hàng hóa luôn ở trạng thái xuất siêu lớn, cho thấy những kết quả tích cực mà CPTPP mang lại, tuy nhiên, dư địa để khai thác CPTPP vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang thị trường các nước đối tác CPTPP có tỷ lệ tận dụng là tích cực, nhưng giá trị mặt hàng còn khiêm tốn, tỷ lệ thị phần tại các thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa giải quyết được những vướng mắc về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế của hiệp định. Nhận thức về Hiệp định CPTPP của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, và còn chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Rõ ràng, đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần doanh nghiệp có thể khắc phục để tăng khả năng tận dụng CPTPP còn tốt hơn nữa. Và để làm điều này, theo các chuyên gia, trước hết, doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan. Bởi một thực tế, Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico...

“CPTPP là hiệp định lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực thi một cách bài bản. Giai đoạn ba năm là giai đoạn chạy đà và là giai đoạn Việt Nam có được ưu đãi hơn các nước khác và lợi thế này sẽ dần giảm đi, nên cần phải tận dụng tối đa thời cơ để khai thác các lợi thế này”, ông Lương Hoàng Thái lý giải.

Đồng tình với góc nhìn này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết thời gian qua, Việt Nam tương đối có lợi thế của người “một mình một chợ”. Bởi các nước đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico. Nhưng từ tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada được khởi động, nếu ký kết đi vào thực thi, thì vị trí cạnh tranh của Việt Nam so với một số nước như Indonesia hay Philippine sẽ không còn như hiện nay.

Mặt khác, thời gian gần đây, một số nền kinh tế như Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador, Costa Rica... đã bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP. Nếu được chấp nhận, bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này.

Câu chuyện làm thế nào để tận dụng tối đa ưu đãi cũng là vấn đề cần doanh nghiệp lưu ý. Bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội ở đâu, thị trường nào và nhóm hàng nào.

Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

hieu sau hon de thich ung tan dung tot hon nua co hoi tu cptpp hinh 3

Bên cạnh đó, câu chuyện làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia CPTPP cũng là vấn đề đáng quan tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp rằng trong bối cảnh hiện nay, hàng hóa sản xuất trong quá trình bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn, bởi các hiệp định đa phương về môi trường và các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, ngoài các cam kết rất mạnh mẽ về đầu tư và thương mại thì cũng đưa ra yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái.

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông thuộc VASEP cũng cho rằng khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững. Ví dụ như lao động, làm thế nào để không xảy ra những vi phạm về lao động trẻ em trong nghề cá? Làm sao để gỡ thẻ vàng IUU? 

Về trách nhiệm các cơ quan chức năng, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, sang năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn kể trên.

Thách thức luôn đi cùng cơ hội ở bất cứ FTAs nào và chinh phục bất cứ một đỉnh cao nào cũng không bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhưng trong bối cảnh thế giới hiện nay, dừng lại có nghĩa là tụt hậu, là thụt lùi, thậm chí sẽ tự chôn vùi mình. Thế nên con đường tốt nhất là con đường doanh nghiệp Việt cần mạnh mẽ, nỗ lực và nhanh chân hết sức để vượt qua thách thức, tận dụng tối đa cơ hội có thể có được từ CPTPP.

Nguyễn Hà

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hiểu sâu hơn để thích ứng, tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ CPTPP
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO