Hình hài đương đại từ những mảnh quá khứ

Thứ năm, 20/02/2020 10:03 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Một dự án nghệ thuật được chính quyền “đặt hàng” các nghệ sĩ, biến một khu vực vốn là đất bãi bẩn thỉu thành một không gian nghệ thuật đường phố, mang lại nhiều cảm hứng và cả trách nhiệm cho những người dân sống ngay tại địa phương về không gian sống của chính họ. Chuyện xảy ra ở Hà Nội.

Tái hiện Hà Nội từ rác cũ

Những ngày đầu năm này, người dân khu vực bãi Phúc Tân (Hà Nội) rất phấn khởi khi một không gian sinh hoạt khang trang, sạch sẽ và đậm chất nghệ thuật được hình thành, xóa bỏ hoàn toàn dấu ấn về một bờ bãi bẩn thỉu và rác rưởi tồn tại hàng chục năm qua.

Tác phẩm “Thuyền” của họa sĩ Vũ Xuân Đông.

Tác phẩm “Thuyền” của họa sĩ Vũ Xuân Đông.

Từ đường Hồng Hà phía ngoài đê, đi thẳng vào ngõ 301 ra phía sông Hồng, người ta sẽ bắt gặp một không gian nhiều màu sắc tràn đầy hơi thở của nghệ thuật đương đại. Không gian này được mang tên “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp bờ lở sông Hồng do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện.

Sau thành công từ dự án phố bích họa Phùng Hưng và hành lang nghệ thuật tại tòa nhà Quốc hội, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã được UBND quận Hoàn Kiếm tin cậy giao cho anh một bài toán tạo ra một dạng công viên sinh thái, biến cảnh quan của bãi rác ngoài bãi Phúc Tân thành một không gian sinh hoạt chung đẹp đẽ, sạch sẽ, đồng thời nâng cao ý thức của người dân sở tại về môi trường sống.

Bối cảnh mà “đề bài” đặt ra là bức tường được xây dựng cách đây chừng hai chục năm với mục đích ban đầu là để chống lấn chiếm bờ bãi sông Hồng. Khoảng 250m chiều dài còn lại của bức tường cũ đã trở thành một không gian để 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước phô diễn năng lực và thỏa chí sáng tạo.

Tác phẩm “Thuyền” của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông được làm từ 10 nghìn vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng, khung sắt, gốm vụn, có chiều dài 10m và cao 3,5m. Bốn con thuyền cùng những con sóng lô nhô gợi nhắc lại những ngày buôn bán, sinh hoạt tấp nập trên bến, dưới thuyền ở ngay bến sông Hồng. Anh nói: “Những con thuyền này rất có ý nghĩa với người dân nơi đây từ xa xưa. Để thu thập được vỏ chai thì cũng mất khá nhiều thời gian, khoảng gần 3 tháng”.

Nghệ sĩ người Tây Ban Nha Diego Cortiza thì tạo ra một tác phẩm nghệ thuật nhiều ẩn ý khi sử dụng các bu gà được thu gom từ chính chợ Long Biên, đồng thời tạo hình một con rồng đa sắc màu uốn quanh cầu Long Biên được làm từ những mảnh gương vỡ. Đó là ký ức truyền thống đeo bám vào hiện đại? Hay là những mảnh quá khứ  được hiện ra dưới soi chiếu của thực tại? Hoặc có thể là bất kỳ điều gì.

Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Tác phẩm “Phù sa” của họa sĩ Nguyễn Đức Phương lại được làm từ các mảnh sành thu lượm từ dưới đáy sông và màu tự nhiên từ đất phù sa sông Hồng kết hợp bụi đô thị để tái hiện lại nền móng của 1 ngôi chùa thế kỷ 16 đã bị biến mất.

Giao thông đô thị - Vấn đề đương đại mà Hà Nội phải đối diện cũng được phản ánh khá chân thực qua tác phẩm sắp đặt mang tên “Vòng quay” của tác giả Trịnh Minh Tiến, được làm từ vành bánh xe bỏ đi, kết hợp với nhựa màu tái chế và kỹ thuật vẽ bằng súng phun sơn tạo nên một tác phẩm sắp đặt lấy cảm hứng từ giao thông trong đô thị.

Các tác phẩm ở đây không chỉ tác động thay đổi về mặt cảnh quan mà còn thực sự tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. “Thánh Gióng” - một câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam lại được tái hiện lại một cách khá hài hước và đầy sinh động qua hình tượng ông Gióng cưỡi xe máy, đánh nhau với... khí thải; hay tác phẩm “Thành phố ven sông” – với sự chật hẹp và cao vút của những ngôi nhà ống san sát nhau được tạo hình từ những thùng phi sắt cũ.

Ở một mảng tường khác, nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, để đưa vào tác phẩm sắp đặt “Nhà nổi” mang đến cái nhìn về những góc khuất trong cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thì sử dụng chất liệu từ sắt phế thải và inox gương, tạo ra  một tác phẩm sắp đặt về những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng cạnh cùng với 2 bức phù điêu phục dựng lại bức “Nông nghiệp” và “Ngư nghiệp” của hai họa sĩ thời kỳ Đông Dương là Vũ Cao Đàm và Georges Khánh.

Còn nhiều tác phẩm khác như “Xẩm tàu điện” của Phạm Khắc Quang, làm từ thép vụn, túi ni lông ép kính; hay những hình hài vỡ nát của đền đài cũ kỹ được hàn gắn tựa như nghệ thuật Kintsugi, Nhật Bản; hay là 5.000 mảnh gương trong tác phẩm của Cấn Văn Ân... Tất cả là những mảnh vỡ như được chắp nhặt từ quá khứ, để bây giờ hồi sinh trong một hình hài mới mà mà bất kỳ ai soi vào cũng thấy có mình ở trong đó.

Vừa nghệ thuật, vừa nhân sinh

Để triển khai dự án này, các nghệ sĩ đã mất sáu tháng để nghiên cứu địa phương. Điều thú vị là các tác phẩm tại “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân” đều sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, được lấy từ  đồ phế thải tập kết ở con đường ven sông. Nguyên liệu được thu gom thêm từ nhiều nơi và được chính người dân xung quanh cung cấp hỗ trợ. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết, chính tại nhà văn hóa phường, anh và các cộng sự đã có hai buổi thuyết trình về dự án. Nhóm đã mời khoảng 100 hộ dân sống xung quanh bức tường cũ đến nghe, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc. “Tôi cùng anh em cũng xác định là sẽ chỉ làm khi người dân cảm thấy muốn làm”, anh Nguyễn Thế Sơn nói.

Tác phẩm “Gánh hàng rong” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Tác phẩm “Gánh hàng rong” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Thật vậy, dù là nghệ thuật hay bất kỳ điều gì, nó chỉ có thể “sống” khi chính nơi nó phụng sự đời sống muốn nó tồn tại. Anh Hoàng Trọng Hiếu, một người dân sống tại Phúc Tân cho biết: “Tôi thấy dự án này hay. Trước đây người ta nghĩ rằng khu vực bãi sông Hồng này cư dân phức tạp. Bây giờ thì khác nhiều. Một dự án nghệ thuật nằm ở đây không chỉ thay đổi cuộc sống ở đây mà sẽ còn thay đổi cách người ngoài nhìn vào cư dân ở khu vực này”.

Dự án này cũng đánh dấu sự cởi mở và dứt khoát của chính quyền trong việc đưa nghệ thuật vào cải tạo đời sống. Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND Q. Hoàn Kiếm cho biết: “Khu vực này đã hình thành từ lâu và rất ô nhiễm. Mỗi năm, quận đều phải bỏ ra chi phí cho vấn đề môi trường, hay việc người dân lấn chiếm. Chúng tôi đã nghe ý kiến của nhiều chuyên gia và quyết định làm dự án nghệ thuật kêu gọi xã hội hóa”.

Thực sự đây là một dự án thú vị và hoàn toàn có thể trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Nó cho thấy một Hà Nội mới trong tiếp cận và thi hành nghệ thuật đương đại, thực sự đi vào đời sống và tạo ra những giá trị cho cộng đồng. Điều này cũng rất phù hợp với những yêu cầu của UNESO khi đưa Hà Nội vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của tổ chức này.

Tử Hưng

Tin khác

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa
Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa