Nói về công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII, tháng 5/2020, tại Hội nghị lần thứ 12, BCH Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Và cách đó 75 năm, ngay từ những thời khắc đầu tiên của nền độc lập, người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc trọng dụng nhân tài trong công cuộc kiến thiết đất nước. “Kiến quốc phải có nhân tài” - quan điểm này được Hồ Chủ tịch nhấn mạnh nhiều lần trong các bài viết, chỉ đạo của Người.

Ngay trước thềm lễ độc lập, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.

Hơn 2 tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 14/11/1945, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, Người đứng đầu đất nước đã chỉ rõ: “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến quốc cần có nhân tài”.  Người chỉ rõ công việc bây giờ là “Kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục”.

Một năm sau đó, trong bài viết “Tìm người tài đức”, Hồ Chủ tịch một lần nữa khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

Cũng từ quan điểm “Kiến quốc cần có nhân tài”, ngay sau lễ độc lập, Người đã tập hợp đội ngũ các nhà trí thức vào Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, giúp Chính phủ nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... Các ngài đã đem tài năng tri thức, lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ”.

Thấu hiểu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” nên lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, luôn đề cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức cũng như luôn ứng xử với nhân sĩ, trí thức bằng sự trọng thị hết mực và không hề có định kiến với trí thức, kể cả trí thức đã phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

Chuyện hai lần đích thân Hồ Chủ tịch đánh điện mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ lâm thời đến nay vẫn được nhắc đến như một minh chứng về quan điểm “dụng nhân tài” rất trọng thị và không định kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, như chính cảm nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu...”. Vì thế, mời được cụ tham gia vào chính sự không hề là chuyện dễ dàng.

Chuyện kể rằng, cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện lần thứ nhất, mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng cụ Huỳnh đã điện trả lời Bác Hồ rằng “tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng”.

Ít ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ!” và chỉ đạo Ủy ban Hành chính Trung bộ cho xe qua tòa báo Tiếng Dân đưa cụ Huỳnh ra Thủ đô. Cụ Huỳnh quyết định ra Hà Nội, song vẫn từ chối nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cho rằng “lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì thuyết phục.

Những lời lẽ hợp lý thuận tình, những cử chỉ ân cần trọng thị của người đứng đầu đất nước đã lay động được trái tim vị chí sĩ yêu nước. Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, Quốc hội họp để thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau đó làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Năm 1946, khi sang thăm Pháp, Hồ Chủ tịch đã trao Quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh.

Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia việc nước ngay sau ngày độc lập cũng là một sự trọng thị và kỳ công không kém.

Thời bấy giờ, trong nhìn nhận của người đương thời, cụ Bùi Bằng Đoàn được xem là người học rộng, hiểu sâu, là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, cụ đã từ chối tham gia Chính phủ.

Ngày 2/9/1945, cụ được mời tham gia dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình. Tại buổi lễ đó, trong buổi gặp trò chuyện với cụ, Hồ Chủ tịch có nhã ý mời cụ tham gia chính quyền cách mạng, tuy nhiên, cụ cho biết đã quyết định “treo ấn, từ quan”, về an trí ở quê nhà Liên Bạt, Hà Tây.

Nhưng người đứng đầu đất nước vẫn không nản chí. Hồ Chủ tịch đã tự tay đánh máy hai bức thư trân trọng mời Cụ tham gia việc nước. Trong lá thư ngày 7/11/1945, Hồ Chủ tịch đã viết: “Tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”. Nhưng cả hai lần nhận thư của Bác Hồ, cụ Bùi đều lưỡng lự, xin cáo từ. Đến lần thứ ba, Hồ Chủ tịch cử thư ký riêng là ông Vũ Đình Huỳnh về tận quê cụ ở Hà Đông để trao tận tay bức thư riêng của Người. Trong thư có câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” (Dòng nước thu, bông sen tàn nghe tiếng mưa rơi lại nở). Chuyện rằng, sau khi đọc thư này, cụ Bùi đã vui vẻ nhận lời mời của Bác Hồ.

Ngày 6/1/1946, tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ngày 8/1/1946, cụ được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho cụ Nguyễn Văn Tố. Các phiên họp của Chính phủ đều có sự tham dự, góp ý của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước, Chính phủ đều lắng nghe ý kiến của cụ.

Chính bởi quan điểm trọng thị và không định kiến ấy, khi Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 28/8/1945, trong số 15 thành viên, có tới chín bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức ngoài đảng như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Đình Hòe...

Đến Chính phủ liên hiệp mở rộng năm 1946 và Chính phủ chính thức sau bầu cử Quốc hội, thành phần trí thức đều rất đông đảo, với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Ðảng khác như Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhà toán học nổi tiếng Tạ Quang Bửu được Bác Hồ giao cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Sự trọng thị, không định kiến ấy, các nhân sĩ, trí thức cảm nhận được trọn vẹn. Luật sư Phan Anh từng trải lòng “Rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác. Vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng”.

Cũng từ chính sự cảm kích ấy, tất cả trong số họ, đều tín phục Bác Hồ, một lòng đi theo cách mạng và đã luôn cố gắng đóng góp phần tích cực nhất của đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói như vậy khi bàn về cách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiêu mộ, hội tụ được nhân tài là quan trọng nhưng “dụng nhân tài” cũng quan trọng không kém.

Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công” - câu chuyện “dụng nhân tài” được Người liên tục nhấn mạnh, nhắc nhở. Trước đó, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc”, Người đã nhấn mạnh:“Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Còn trong bài viết: “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân” ngày 4/10/1945, Người cũng đã nêu rõ quan điểm: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”.

Quan điểm khéo dùng hay dùng người như thế nào, có hiệu quả hay không là phụ thuộc vào người sử dụng nhân tài, tức lãnh đạo, được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau này: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”; “Xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”.

“Dụng nhân như dùng mộc”, “biết dùng người thì không lo thiếu cán bộ tốt”. Tầm nhìn chiến lược, tư duy thu phục, trọng dụng hiền tài “đánh trúng lòng người” của Hồ Chủ tịch đã tập hợp được đông đảo nhân tâm và sĩ khí của dân tộc. Sự tụ hội ấy đã là bệ đỡ vô giá để nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đứng vững ngay từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Tin khác

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Hà Nội điều chỉnh, phân bổ hơn 1.919 tỷ đồng cho 60 dự án xây dựng cơ bản

Hà Nội điều chỉnh, phân bổ hơn 1.919 tỷ đồng cho 60 dự án xây dựng cơ bản

(CLO) Hà Nội điều chỉnh, phân bổ 1.919.614 triệu đồng cho 60 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố; điều chỉnh, phân bổ 124.000 triệu đồng cho 3 dự án theo cơ chế đặc thù từ nguồn thu từ đất.