Hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn
(CLO) Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ: Với những giải pháp được đưa ra dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi, nhiều thuận lợi hơn.
Ngày 20/5, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Trao đổi về đề nghị đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi Bộ Tài chính nghiên cứu để trình Chính phủ và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 cũng đã tính toán việc thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045.
Theo đó, việc các hộ kinh doanh chuyển dịch thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu này, cùng với các mục tiêu về phát triển kinh tế và thu ngân sách.
.jpg)
Chính vì vậy, trong Nghị quyết đã tính toán đầy đủ những giải pháp, biện pháp để thúc đẩy khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện, khả năng chuyển sang doanh nghiệp như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, về lao động, về kê khai thuế…
Cùng với đó là siết chặt quản lý đối với hộ kinh doanh theo hướng bỏ thuế khoán, thực hiện kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế như doanh nghiệp phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền…
“Với những giải pháp này, hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi, nhiều thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Liên quan đến nội dung bổ sung đối tượng được thành lập doanh nghiệp, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, bao gồm viên chức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội đã có quy định cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, được góp vốn tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập, hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.
.jpg)
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đã quy định viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Nhằm thể chế hóa tại luật đối với đối tượng còn lại là viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định đối tượng viên chức, viên chức quản lý làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Bộ trưởng khẳng định, nội dung đề xuất không trùng lặp với quy định trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mà nhằm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho đối tượng viên chức trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Về nội dung đề nghị mở rộng thêm đối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ tiếp thu và nghiên cứu thêm.
“Chúng ta đảm bảo quan điểm những gì đã rõ, đã chín, chúng ta sẽ đưa vào luật. Còn những gì chưa rõ, chưa chín, chúng ta tiếp tục thí điểm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện, nội dung cho phép viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia quản lý doanh nghiệp đang được thí điểm trong khuôn khổ Luật Thủ đô. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng nên tiếp tục theo dõi quá trình triển khai tại Hà Nội để có cơ sở thực tiễn đánh giá, từ đó, có thể cập nhật, hoàn thiện quy định pháp luật trong thời gian tới.