Hồ sơ bệnh án điện tử bắt đầu triển khai từ tháng 7: Bệnh án giấy có bị “khai tử”?
(CLO) Từ ngày 21/7 tới, Thông tư 13/2025/TT-BYT của Bộ Y tế về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực. Điều này đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý thông tin y tế, nhưng cũng đặt ra băn khoăn lớn: Bệnh án giấy liệu có còn được sử dụng?
Theo quy định mới, tất cả các bệnh viện có giấy phép hoạt động phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào ngày 30/9/2025. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác có điều trị nội trú, điều trị ban ngày hoặc ngoại trú có thời hạn hoàn thành muộn hơn, trước ngày 31/12/2026.

Hồ sơ bệnh án điện tử được thiết lập, cập nhật và lưu trữ hoàn toàn trên môi trường số, kết nối với số định danh cá nhân và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến khám chữa bệnh, dữ liệu, công nghệ thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bệnh án giấy vẫn còn “đất sống” trong một số trường hợp
Điều người dân quan tâm nhất là: Bệnh án giấy liệu có bị “xóa sổ”? Câu trả lời là chưa.
Theo Điều 5 Thông tư 13, trong giai đoạn chuyển tiếp, bệnh án giấy vẫn được sử dụng trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người bệnh đang điều trị trước ngày 21/7/2025 và xuất viện sau thời điểm này vẫn tiếp tục dùng hồ sơ giấy cho đến khi kết thúc điều trị, trừ trường hợp cơ sở có thể chuyển đổi sang điện tử. Thứ hai, với các hồ sơ bệnh án lập bằng giấy trước ngày 21/7/2025, thủ trưởng cơ sở khám chữa bệnh sẽ quyết định việc chuyển đổi sang dữ liệu điện tử dựa trên điều kiện thực tế, nhưng phải đảm bảo đúng quy định của Nghị định 137/2024/NĐ-CP về giao dịch điện tử.
Bước tiến lớn trong quản lý dữ liệu y tế
Hồ sơ bệnh án điện tử không chỉ thay đổi cách lưu trữ, mà còn giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu bệnh nhân giữa các cơ sở y tế. Bác sĩ có thể nhanh chóng tra cứu bệnh sử, quá trình điều trị, kết quả cận lâm sàng... từ đó hỗ trợ chẩn đoán chính xác và kịp thời hơn.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định chi tiết về việc ghi chép, sử dụng hồ sơ bệnh án từ ngôn ngữ sử dụng, cách trình bày đến việc hạn chế viết tắt trong tài liệu bàn giao cho người bệnh, đảm bảo minh bạch, dễ hiểu và nhất quán.
Hồ sơ bệnh án điện tử được kỳ vọng sẽ là nền tảng dữ liệu cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số toàn ngành y tế. Việc đồng bộ hóa với định danh cá nhân cũng tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, để việc triển khai thực sự hiệu quả, các cơ sở y tế cần sớm đầu tư hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực, đồng thời có kế hoạch chuyển đổi mềm mại để người bệnh không bị “sốc” với thay đổi.