Hòa Bình: Hàng chục bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch nhưng chưa bị xử lý

Thứ hai, 08/03/2021 13:23 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo KLTT, chỉ có 1 bến bãi có trong quy hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình về sử dụng cát, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, 19 đơn vị còn lại không có trong quy hoạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Mới đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã ký ban hành thông báo Kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình, thời kỳ thanh tra 2011 - 2018. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động khai thác cát còn một số tồn tại, khuyết điểm.

Các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự

Theo TTCP, sau khi cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép; dẫn đến một số điểm mỏ sau khi đã được cấp phép nhưng không thể khai thác được hoặc khai thác cầm chừng, ví dụ như tại các dự án của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến và của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả; việc phối hợp giữa các ngành, các lực lượng của các tỉnh trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép có lúc còn chưa chặt chẽ nên hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra.

Hiện nay việc tuần tra kiểm soát chủ yếu dựa vào lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, phương tiện, con người phục vụ cho công tác kiểm tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép tại các địa phương còn hạn chế.

Các đối tượng khai thác cát sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác trái phép, đối phó với cơ quan chức năng: nhiều tàu thuyền trôi nổi trên sông, chủ một số bến bãi trên địa bàn tỉnh tranh thủ lợi dụng khai thác trái phép vào ban đêm, khai thác tại các địa bàn, khu vực giáp ranh.. dẫn đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm nhiều thời điểm còn chưa triệt để, dứt khoát, việc di dời các bến bãi quanh khu vực thành phố Hòa Bình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do việc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng đã được thực hiện từ lâu. Khi thực hiện giải tỏa các doanh nghiệp thường chây ỳ, không hợp tác, không chịu di dời do chưa bố trí được vị trí thích hợp để doanh nghiệp chuyển đến, chưa rõ về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các bến bãi phải di dời.

Theo kết luận thanh tra, Dự án khai thác cát của Công ty cổ phần khai khoáng Sahara trong quá trình khai thác xảy ra xung đột với đối tượng khai thác trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác nên đã bị UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục từ năm 2017. Đến nay công ty đã khắc phục xong nhưng chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép hoạt động khai thác trở lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến, quá trình khai thác vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, xung đột với đối tượng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác, đã bị UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục vi phạm từ năm 2017. Tại thời điểm thanh tra công ty không xuất trình được các biên bản cắm mốc giới của mỏ, quyết định bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; không có báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm của các năm 2016-2017.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH xây dựng thương mại Xuân Thành còn nợ 87 triệu đồng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường năm 2018.

Có 4 đơn vị tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình tại bãi sông, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ tuyến đê Ngòi Dong, gồm: Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà, Công ty TNHH Tuân Lộc, Công ty TNHH Hường Trang, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ tận tải Nam Hải.

Có 3 đơn vị làm nhà ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê Minh Trung gồm: Công ty TNHH Việt Hoàng, Công ty TNHH Phú An, Công ty TNHH Gia Bảo.

Kết luận thanh tra cho rằng trong 20 bến bãi thì có 6 bãi chưa được cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đề điều, vi phạm Điều 25, Điều 26 Luật Đê điều.

19 bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch

Cũng theo TTCP, nhiều bến bãi sử dụng đất vượt quá diện tích được thuê; sử dụng đất ven sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng; xây dựng công trình, đổ phế thải ra lòng sông, gây ô nhiễm môi trường; việc ký Hợp đồng thuê đất của các hộ gia đình chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai.

Việc thực hiện quy định về pháp luật về BVMT của các Bến bãi chưa nghiêm túc, chưa xây dựng hệ thống thoát nước mặt, nước mưa và các biện pháp che phủ cát để chống bụi; còn thiếu hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý về chất thải nguy hại, thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại chưa thường xuyên.

Ngày 15/7/2013, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 46/QĐ UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, theo đó, chỉ có 01 Bến bãi (tại cảng Bến Ngọc) có trong quy hoạch, 19 đơn vị còn lại không có trong quy hoạch. Như vậy, việc vẫn còn 19/20 Bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý là chưa thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình. Khối lượng cát nhập vào các bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Đà, mua vào không rõ nguồn gốc.

Tuy vậy, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý kiểm tra nguồn cung cấp cát tại một số Bến bãi cho thấy của cơ quan chức năng tinh Hòa Bình vấn đề này chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các Bến bãi tập kết trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn thất thu thuế tài nguyên, Phí BVMT đối với khối lượng cát tại các Bến bãi tập kết.

Việc di dời bến bãi không phủ hợp với quy hoạch tại TP Hòa Bình, UBND TP Hòa Bình đã triển khai di chuyển các bến bãi nhưng còn gặp khó khăn, vướng mắc. Có nguyên nhân từ việc nhiều chủ bến chưa đồng thuận; nhiều Bến bãi đã thuê đất từ lâu, vì vậy, khi thực hiện giải tỏa các chủ bến bãi chây ỳ, không hợp tác, không chịu di dời do chưa bố trí được vị trí thích hợp để các doanh nghiệp chuyển đến; chưa rõ về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các Bến bãi phải di rời.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình xử lý theo quy định đối với vi phạm của các dự án khai thác, các bến bãi tập kết, kinh doanh cát đã được nêu trên; không để xảy ra việc bến bãi chưa đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi. Đặc biệt không để bến bãi gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và công tác bảo vệ đê điều.

Minh Chí

Tin khác

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

(CLO) Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Tin tức
Cần 'vừa làm, vừa hoàn thiện' các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

Cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

(CLO) Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải...

Tin tức
Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

Đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam vào những dự án trọng điểm quốc gia

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam, tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, quy mô lớn như các dự án về: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển giao thông chiến lược, đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, nông nghiệp thông minh...

Tin tức
Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

Đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho doanh nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, báo cáo Thủ tướng giải pháp với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Tin tức
Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(CLO) Về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần phải xác định rõ sản phẩm đầu ra của Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức