Hoa hậu và việc nhặt rác
Hoa hậu và việc nhặt rác
Một người khuyết tật vẫn ngày ngày đi nhặt rác góp tiền nuôi gia đình. Ảnh Nguyễn Á.
Tại một số đoạn đường ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày có một thanh niên người Nhật đều đặn cùng những nhân viên người Việt đi quét rác, nhặt rác. Không ai ép buộc anh hàng ngày phải đi nhặt rác và lý do anh làm điều đó chỉ đơn giản là anh thấy đó là một việc cần thiết.
Không đao to búa lớn, không cần phải ai biểu dương ghi nhận, không cần phải làm việc gì to tát “quốc gia đại sự”, không cần nói nhiều- nhưng việc làm của anh bạn trẻ người Nhật không vì thế mà tầm thường, nhỏ nhặt; trái lại nó mang một ý nghĩa lớn lao, nhân bản.
Cũng trên những con đường đó, không ít những bạn nam thanh nữ tú ăn mặc sành điệu “tiện tay” vứt các loại rác rưởi, vỏ chai, bao thuốc... xuống đường mà không hề nghĩ ngợi, bận tâm.
Một câu chuyện khác: mới đây, một tờ báo mạng tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến giữa những cô gái mang danh hoa hậu với độc giả. Trong nhiều câu hỏi gửi đến hoa hậu, thấy toàn những câu về những vấn đề “nhớn”, không ai quan tâm về một chuyện nhỏ, tỉ như việc nhặt rác xung quanh nơi mình sinh sống.
Cũng có vài bạn đọc hỏi về những việc đại loại là việc làm sắp tới của người đẹp; những kế hoạch, dự định trong tương lai… (những câu hỏi khó mà sáo mòn hơn được nữa). Và cũng không thể sáo mòn hơn được, những hoa hậu kia đã trả lời là sẽ đi làm từ thiện, là sẽ trau dồi kiến thức, là hứa hẹn sẽ và sẽ… Dường như đã thành hoa hậu là phải gắn với việc đi làm từ thiện và không phải bận tâm nghĩ tới việc nào khác nữa. (Tôi không có ý phản đối việc làm từ thiện bởi vì đó là việc làm rất cần, rất tốt).
Khoan hẵng nói đến việc làm từ thiện của hoa hậu, bởi nhiều khi họ chỉ đi cho đẹp đội hình và vì cái danh của mình thôi; tại sao hoa hậu không nghĩ rằng việc nhặt rác cũng cần thiết và cao quý không kém việc làm từ thiện? Sao người ta cứ phải làm “việc lớn”, việc có nhiều người biết đến chứ ít khi quan tâm đến những việc nhỏ như là nhặt rác? Đã có hoa hậu nào làm được một việc nhỏ như anh chàng người Nhật kia chưa?
Thế Vũ
Theo bạn, việc nhặt rác có làm giảm đi giá trị của một hoa hậu?
Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!
_________________________________________________________________________________
Họ sợ ê mặt...
Tại nhiều quốc gia, việc nhặt rác ngoài đường của một người dân là quá bình thường. Hơn nữa, người dân rất ít khi vứt rác bừa bãi, thậm chí còn bị phạt nặng nếu phát hiện người dân nào vứt rác không đúng nơi quy định.
Nhưng ở việt nam người vứt rác bừa bãi qua nhiều mà hầu như vẫn chưa có ai bị phạt gì. Chuyện một người dân Việt cúi người xuống nhặt một chiếc túi hay một cái chai ngoài đường là quá hiếm nên tưởng chuyện nhặt rác của người thanh niên Nhật là điều "kỳ lạ".
Ở ta Hoa hậu sau khi đăng quang thường làm những công việc được xem là to tát nhưng cũ mèm, cứ đăng quang Hoa hậu thì phải đi làm từ thiện, phải làm đại sứ này đại sứ kia,làm những chuyện lớn lao...thường là thế. Chuyện nhặt rác bé nhỏ, bình thường quá, thậm chí có khi nếu làm còn cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn vào. Mà danh Hoa hậu to như thế lại đội mưa, đội nắng đi nhặt rác. Bị rác làm bẩn mất danh Người đẹp thôi, không làm được như thế đâu, kỳ lắm! Mọi người sẽ cười cho, ê mặt lắm!
Phạm Văn
Bàn thêm ý thức của người dân mình
Tôi là một sinh viên sống ở tỉnh lẻ, nhưng khi ra Hà Nội tôi thấy người ở đây ăn mặc rất đẹp, nhưng hành động của họ chả đẹp tý nào. Đơn cử là tối hôm qua, Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa ở Hồ Gươm. Khi tan tiệc thì dưới đất ngổn ngang là rác rưởi. Tôi đi một vòng quanh bờ Hồ, nhìn những nam thanh nữ tú ăn mặc rất đẹp, ăn những cái kem rất ngon lành trên đống rác mà chính mình vừa vứt xuống. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho họ nhưng con người chỉ biết trau chuốt mỗi bản thân, trong khi đó bức tranh chung mà chính họ là người sống trong đó thì làm vấy bẩn một cách vô tội vạ. Còn nữa, tôi nhìn xuống Hồ Gươm lúc đó, tôi thấy nào rác là rác, túi ni lon các loại. Tôi thấy thương cho Cụ Rùa, chắc vì những cái rác rưởi kia mà sức khỏe của cụ sẽ ảnh hưởng mất. Tôi thấy có một điều trái ngược kinh khủng là, người dân ở đây rất kính trọng Cụ Rùa, nhưng lại dẫm lên sự tôn kính đó một cách vô thức.
Trần Văn Thìn
cảm ơn bạn vì bài viết này
Thưa bạn, theo tôi việc nhặt rác không làm giảm giá trị của ai cả ,vấn đề là ý thức của họ. Bài viết của bạn làm tôi chạnh lòng nhớ tới 1 thầy giáo cũ có thói quen nhắc nhở học sinh nhặt rác và bị gọi là hâm . Điều này chứng tỏ ý thứ của chúng ta quá kém.
Tôi muốn nói với bạn 1 thực trạng đáng buồn,rằng bây giờ chúng ta đang loạn hoa hậu,các cuộc thi hoa hậu qua nhiều,thậm chí các trường cấp 3 và đại học trường nào cũng thi. Để thi hoa hậu dù chỉ là cấp trường,một cô gái phải có tiềm lực tài chính để đầu tư rất nhiều,từ trang sức mỹ phẩm, đến bỏ tiền ra học cái gì mà đi thi năng khiếu, đến mua sim rác về tự bình chọn cho mình, vậy họ còn thời gian và đầu óc đâu quan tâm đến việc nhặt rác. Hình như chúng ta chỉ quan tâm đến những gì hào nhoáng, mà không biết rằng những dòng sông sâu thường lặng lẽ chảy
Mai Phương