Xa Hà Nội đã mấy mươi năm nhưng chàng lãng tử Đinh Công Khải vẫn giữ mãi trong tim từng góc phố, hàng cây và con người Hà Nội. Với anh, Hà Nội không chỉ là nơi “chôn nhau cắt rốn” mà còn là cái nôi đậm chất văn hóa để giờ đây, vốn tài sản tranh về Hà Nội của anh đã trở thành hình mẫu lí tưởng cho các sáng tác về Thủ đô.
Họa sĩ Đinh Công Khải
Muốn hay thì phải đi tìm người xưaĐinh Công Khải coi Hà Nội là nơi để trở về của nghệ thuật hội họa. Anh tâm niệm: “Hội họa gần giống với văn chương, vốn sống về Hà Nội không có, hoặc ít thì không thể cho ra đời những tác phẩm có tầm…”. Tất nhiên, hình ảnh về Hà Nội đã ám ảnh người họa sĩ nhưng để thành công thì phải có thời gian chiêm nghiệm, tìm hiểu. Họa sĩ Đinh Công Khải cũng vậy, anh luôn có phương châm, muốn hay thì phải đi tìm người xưa. Đến với họ để học hỏi, để bàn luận và để nghiệm ra cái hồn, cái bản chất nhất có thể chuyển tải trong nghệ thuật.
Nhà phê bình Quách Đại Hải nhận xét về tranh của Đinh Công Khải thế này: Khải đã tạo lập cho mình được một “vương quốc nghệ thuật” riêng. Để tạo được điều đó, Đinh Công Khải đã phải nung chảy mình bằng nhiều cuộc trưng bày ở phương Nam từ trường phái ấn tượng đến “pháp thuật” gắn nhân vật của chủ nghĩa đồng hiện. Chưa hết, anh còn tạo lập cho mình một cách nhìn khoa học mang phong cách và màu sắc của trường phái lập thể với không gian đa chiều trên mặt phẳng vô hướng, định hướng…
Hà Nội - Hà Nội (tranh sơn dầu của Đinh Công Khải)
Cốt cách Hà Nội Là người con của Thủ đô, họa sĩ Đinh Công Khải tâm sự, dù có đi khắp bốn phương thì trái tim vẫn nhớ về Hà Nội. Chẳng thế mà bao nhiêu năm lang thang trên đất khách quê người, từ Pari hoa lệ đến nước Nga xa xôi rồi lập thân lập nghiệp trên đất Sài thành, đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Đinh Công Khải đã lặng lẽ dâng lên “chùm tranh” xinh xắn. Tranh của Đinh Công Khải như một thước phim quay lại quá khứ. Thước phim ấy không đơn giản chỉ là những hình ảnh trữ tình mà có không khí của quân dân cá nước như hình ảnh ngày tiếp quản Hà Nội, những nhịp cầu Long Biên vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng, những góc phố còn khét mùi bom đạn và cuộc sống đầy khó khăn của thời kỳ bên những chiếc máy nước công cộng…
Cốt cách tranh Hà Nội phố của Đinh Công Khải không chỉ được bộc lộ qua những hình ảnh thuần túy mà ngay trong tư tưởng chủ đề đối với tác phẩm. Nhìn tranh Đinh Công Khải, người yêu tranh thấy ở trong đó một bản “hùng ca” sử thi. Người anh hùng trong sử thi ấy chính là người Hà Nội bình dị với anh dân quân, chị du kích. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, những tác phẩm hội họa mà Đinh Công Khải vẽ về Hà Nội đều đạt được chất nghệ thuật cao quý, không chỉ ở phong cách mà còn hoàn thiện ở màu sắc, bố cục…
Họa sĩ Đinh Công Khải tâm sự: “Với tôi, cảm giác khi vẽ về Hà Nội là thanh cao, sung sướng nhất. Nếu không vẽ, tâm can tôi bị cào cấu, bị đòi hỏi để trả nợ. Thân xác tôi cách xa Hà Nội nhưng trái tim tôi luôn hướng về như người con tha hương hướng về gia đình. Hà Nội là gia đình của tôi. Tôi yêu Hà Nội…”.
(Theo An ninh thủ đô)