(NB&CL) - Người đồng sự, ông “đầu bếp” lão luyện, thư ký toà soạn Trần Cư đã nhận xét rằng, tranh của Nguyễn Bích trong 33 số báo mặt trận nổi lên thành một nét vui rất lạc quan của tờ báo. Chỉ có con mắt quan sát “tẩm ngẩm nhưng sắc sảo và tinh khôn của Nguyễn Bích mới chộp được”...Và theo nhà báo Trần Cư, nếu đặt vấn đề nhiều hơn, Nguyễn Bích còn có thể cho ra lò một xê-ri tranh hơn thế nữa. Vài phác thảo như thế đủ thấy tài năng và những cống hiến không nhỏ của hoạ sĩ Nguyễn Bích – người hoạ sĩ duy nhất của Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ…
Hoạ sĩ Nguyễn Bích và cháu gái
Người cầm cọ tài hoa không qua trường lớp
Chúng tôi đến làng hoa Ngọc Hà (Ba Đình - Hà Nội) tìm vào nhà chị Nguyễn Hồng Phương, con gái thứ 3 của họa sĩ Nguyễn Bích, cũng là người con duy nhất trong 4 chị em con ông theo nghiệp vẽ của bố. Chị Nguyễn Hồng Phương tâm sự: “Ba tôi sinh năm 1925, quê ở huyện Nông Cống, Thanh Hoá nhưng được ông bà nội sinh ra tại phố Liên Trì, Hà Nội. Ông nội tôi làm công chức trong chính quyền Pháp, đi học trường Pháp, nói tiếng Pháp rất giỏi. Ba tôi có ba anh em, ông là thứ hai, thời trung học ba học ở trường Thăng Long từng được học các thầy Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thi Mai, Phan Mỹ…Đến năm 18 tuổi ba anh em ba tôi đều tham gia bộ đội, nạn đói năm 1945 đã khiến ba tôi càng thấy căm phẫn chính quyền thực dân, phong kiến và quyết tâm đi theo cách mạng. Kháng chiến bùng lên, ba tôi tham gia tự vệ Hà Nội, chiến đấu bảo vệ thủ đô. Năm 1947, ba tôi lên chiến khu, công tác tại Tỉnh đội Tuyên Quang. Vốn có chút năng khiếu vẽ vời từ bé, ông được giao tham gia sáng tác tranh cổ động, tuyên truyền kháng chiến, chẳng ngờ lại thành nghề theo cả cuộc đời ông”
Tiếng lành đồn xa, tài vẽ của Nguyễn Bích được báo địa phương để ý, ông được điều về báo địa phương, chuyên vẽ về tình hình kháng chiến của quân dân ta và được tham gia các chiến dịch. Từ năm 1949 đến năm 1950, ông được điều về làm việc cho Báo Quân Du kích. Sau khi báo này sáp nhập với báo Quân Giải phóng thành báo Quân đội nhân dân, Nguyễn Bích trở thành hoạ sĩ của Báo Quân đội nhân dân. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được tham gia toà soạn tiền phương, cùng 4 cán bộ, phóng viên khác. Con đường đi tới Điện Biên Phủ của Nguyễn Bích bắt đầu từ… nhiệm vụ được giao. Chẳng bao giờ ông nghĩ mình thành hoạ sĩ và điều khiến tôi bất ngờ nhất là ông chưa hề qua một trường lớp hội hoạ nào.
Thời kỳ này, trong làng hội hoạ, có ba họa sĩ biếm nổi tiếng nhất được nhìn nhận là: Phan Kích (Phan Kế An, với nhiều tranh đả kích rất sâu sắc, có tầm chiến lược về chiến cuộc); Mai Văn Hiến (với những tranh biếm họa đầy nhân văn); Nguyễn Bích (với tranh biếm đầy chất chiến đấu). Điều này thể hiện rất rõ qua những bức tranh Nguyễn Bích vẽ tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Cây cọ đầy chất chiến đấu
Trong 33 số báo ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Bích để lại dấu ấn không thể nào quên. Ông đã vẽ hơn 10 sơ đồ, bản đồ chiến sự; vẽ lô gô, mũ trang, mũ nhiều chuyên mục; hơn 10 bức tranh biếm hoạ và minh hoạ. Đặc biệt, ông đã vẽ 4 bức tranh cổ động chiến trường được in màu như một phụ lục, kín cả trang báo. Ông cũng đã vẽ tranh minh hoạ Xta-lin trên số báo ngày 5-3 trong bối cảnh báo Quân đội nhân dân ở Điện Biên Phủ ngày đó chưa có ảnh và cũng chưa có công nghệ in ảnh. Hoạ sĩ Nguyễn Bích đã có một bức ký hoạ hình ảnh lãnh tụ Xta-lin nhìn không khác một bức ảnh là mấy.
Tranh cổ động của hoạ sĩ Nguyễn Bích.
Có nhiều bức tranh được in màu, kín hết cả một trang báo, có tác dụng cổ vũ chiến đấu rất cao. Bức thứ nhất, in kèm số báo ra ngày 5-3-1954 với hình ảnh hai chiến sĩ phất cao lá cờ Quyết chiến Quyết thắng có lồng hình Hồ Chủ tịch, phía sau là đoàn quân trùng điệp kéo pháo, ôm súng giương lê lao vào đồn địch… Cái tài của cây cọ Nguyễn Bích là trong một không gian hẹp, bức tranh với nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, có tới cả mấy chục người và xe cộ, súng pháo, máy bay, xe tăng…nhưng tranh không hề bị rối rắm mà vô cùng sống động, y chang hiện thực đang diễn ra. Nguyễn Bích thực hiện chỉ đạo của trên đã hoàn thành xuất sắc vai trò cổ động chiến trường, dùng tranh xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội.
Đặc biệt, bức tranh cổ động trên số báo cuối cùng ngày 16-5-1954 có thể nói là một bức tranh mang tính biểu tượng rất cao. Tranh vẽ chiến sĩ Điện Biên nét mặt rạng ngời (gương mặt rất giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp), một tay phất cao lá cờ quyết chiến quyết thắng, một tay khoác súng, phía sau là đồng bào, nhân dân đang dang tay hoan nghênh các chiến sĩ anh dũng cùng những lá cờ quốc tế tung bay. Có một chi tiết đầy ý nghĩa là con chim bồ câu đậu trên vai người lính. Đó là khát vọng cháy bỏng của người lính cầm súng và cũng là mục đích chính nghĩa của cuộc chiến… Số báo 3-3-1954 có bức biếm hoạ về tình trạng quân địch ở Điện Biên. Tranh vẽ tướng Na-va bị ta bóp cổ đằng đầu, đằng chân sa lầy dính chông ở Tuy Hoà, một chân phải bị trói ở Lào và bị chiến sĩ Pa Thét Lào đâm lê vào chân…Dưới bức tranh, còn có cả 6 câu thơ châm biếm: “Dơ dáng thay phận Na va/Nghề rằng bị động vẫn là nghề chung/ Lực lượng phân tán lung tung/ Bắc, Nam sở hở, Lào, Trung ốm đòn/ Thi con còn khóc chi con/ Tài ba thao lược về vườn mất thôi”. Nhận xét về tranh này, thư ký toà soạn Trần Cư khen: “Loại tranh thời sự châm biếm, họa sĩ Bích đã có những tranh kịp thời và sắc bén: cụ thể hóa những nước cờ chiến cuộc làm phân tán lực lượng của Na-va ra khắp chiến trường Đông Dương”.
Những nhận xét trên của người “đầu bếp” toà soạn tài hoa Trần Cư (cũng là một hoạ sĩ) đủ cho thấy tài năng và giá trị lớn lao của Nguyễn Bích khi làm báo Điện Biên Phủ. Tranh của ông đã vượt lên mô tip cổ động chính trị thuần tuý mà có phong cách nghệ thuật rất cao, được giới hội họa phương Tây cũng phải ngưỡng mộ.
Vẽ là cuộc sống
Hoà bình. Nguyễn Bích trở về Hà Nội công tác. Ông về lại nhà cũ ở phố Liên Trì, mặc dù khi đó lãnh đạo thành phố nói ông có thể chọn lấy thêm nhà ở chỗ khác. Ông tiếp tục tận tụy với công việc làm báo tại Báo Quân đội nhân dân. Năm 1960 họa sĩ Nguyễn Bích chuyển ngành về báo Văn nghệ. Đến năm 1965 ông về công tác tại Cục Mỹ thuật của Bộ Văn hóa. Theo lời kể của chị Phương, tính họa sĩ Nguyễn Bích khiêm tốn, hay nhường nhịn, đến cả tiêu chuẩn đi nước ngoài ông cũng muốn để dành cho anh em nên đồng nghiệp, bạn bè rất quý mến ông. Suốt cuộc đời mấy chục năm công tác, họa sĩ Nguyễn Bích không lo toan gì cho bản thân.
Chị Phương xúc động nhớ lại: “Ba tôi khi còn sống chỉ ham mê vẽ, tôi mở mắt ngủ dậy là đã thấy ông ngồi bên giá vẽ say sưa. Đến khi đi ngủ tôi vẫn thấy ba ngồi bên giá vẽ. Dường như đó là đam mê và là cuộc sống của ông. Đã có lúc, ban biên soạn cuốn lịch sử danh nhân thế giới đề nghị ông gửi tranh và hồ sơ sang để bổ sung vào cuốn đó nhưng ông bảo không thích phô trương nên không làm. Ngay cả với tranh của mình, ông cũng không thích bán, ông thường nói tiền cũng chả cần, danh tiếng cũng chả cần. Mấy lần tôi đánh tiếng nói làm triển lãm ông cũng không nhiệt tình nên tôi chả dám làm nữa. Bây giờ ông đã đi xa, sắp tới tôi sẽ tổ chức triển lãm tranh của hai cha con vì hiện tại tôi còn giữ được khoảng 70-80 bức tranh của ông”
Nhiều thế hệ thiếu nhi một thời hẳn không thể quên cái tên họa sĩ Nguyễn Bích. Ông là tác giả thường xuyên của các tập truyện tranh, tranh cho thiếu nhi đăng trên các báo Nhi đồng, Thếu niên tiền phong… Đề tài Điện Biên, gương dũng sĩ, anh hùng chiến đấu cũng được ông vẽ trong nhiều tác phẩm. Năm 1971, cuốn truyện tranh “Sát Thát” của họa sĩ Nguyễn Bích được tặng thưởng giải Bạc tại Triển lãm nghệ thuật sách quốc tế IBA Dresdren (Cộng hòa dân chủ Đức). Những cuốn truyện tranh của ông luôn được tái bản nhiều lần ở NXB Kim Đồng, nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam đã biết đến truyền thống nhiều hơn nhờ tranh ông vẽ.
Trường Giang - Công Minh