Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng - Bình yên giữa "biển đời" bất tận

Thứ năm, 26/09/2019 13:34 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ai từng tiếp xúc với họa sĩ Nguyễn Lương Sáng hẳn phải có cảm nhận rằng phía sau gương mặt rắn rỏi có vẻ trải đời kia là một tâm hồn sâu nặng tình cảm, thậm chí vương vất ở đó, dẫu chút ít thôi, một sự dịu dàng đến yếu mềm.

Sự kiện: hoạ sĩ

Sắp đặt

Sắp đặt "Chuyện biển 1" của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng.

Anh là người đã trải qua không ít sóng gió trong đời, nhưng trên tất cả, anh vẫn chọn cho mình cách nhìn thẳng thắn và bao dung đối với cuộc đời. Trọn vẹn với những đam mê của riêng mình, cũng là một cách cân bằng cuộc sống và biến những buồn đau thành một sự trải nghiệm ngọt ngào, để có thể tiếp tục yêu mến và sống vì những điều khác.

Nguyễn Lương Sáng (sinh năm 1981) là một trong những họa sĩ có triển vọng của vùng đất Quảng Bình. Anh từng tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật và đoạt được khá nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng như các giải mỹ thuật của địa phương. “Biển đời” nằm trong chuỗi hoạt động nghệ thuật của New Space Arts Foundation (N.S.A.F) hướng đến việc hỗ trợ các nghệ sỹ trẻ tài năng của Le Brothers (cặp anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải - hai nghệ sĩ đã sáng lập ra không gian nghệ thuật New Space ở Huế). Có thể coi đây là triển lãm cá nhân chính thức đầu tiên của Nguyễn Lương Sáng, sau một quá trình tìm tòi thử nghiệm nhiều năm.

Lần ra mắt này, Nguyễn Lương Sáng có 3 tác phẩm sắp đặt và 14 tác phẩm tranh sơn dầu. 3 tác phẩm sắp đặt, có thể coi là những “nhặt nhạnh” thú vị của người nghệ sỹ gắn với đề tài biển cả, để rồi tập hợp và sắp xếp lại trong một trật tự mới của cảm xúc và ý tưởng.

Sinh ra tại một vùng quê ven biển, dường như hương vị mặn mòi của biển đã thấm sâu vào trong tâm hồn người nghệ sĩ. Trong những ngày lang thang với biển, anh hiểu rằng biển bao la kia ôm ấp trong lòng nó quá nhiều thứ, nó cũng có đời sống riêng, nó là một thế giới riêng với hỗn tạp những biến động, giông gió, như cuộc sống xã hội hay con người. Nhưng cuối cùng, mọi thứ lênh đênh trên đó đều có bến đỗ. Những mảnh thuyền, những viên sỏi, những bọt biển trắng xóa… đều có hành trình của chúng để rồi cuối cùng trôi dạt vào bờ, như một nơi bình an bất tận.

Vết tích của những cuộc di cư ấy, có thể là rác thải đối với người này người kia, nhưng với Nguyễn Lương Sáng, chúng mang linh hồn của biển, chúng chính là sự trở về của những giá trị nguyên khởi. Chúng, dưới bàn tay của người nghệ sỹ, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Nguyễn Lương Sáng nhặt những mảnh vỡ, những thứ xô dạt vào bờ từ khơi xa, để sắp xếp lại trong một ý đồ nghệ thuật mới của anh. “Chuyện biển 1”, “Chuyện biển 2”, “Chuyện biển 3” là những mảnh thuyền vỡ, những viên sỏi, những cục sắt gỉ, miếng phao… từ biển trở về. Chúng là chứng nhân, là câu chuyện của biển. Hơn thế, chúng là cái nhìn về biển của người nghệ sỹ nặng lòng yêu biển kia.

Giống như cách ứng xử với những mất mát đổ vỡ từng có trong cuộc đời mình, Nguyễn Lương Sáng nhặt nhạnh các mảnh vỡ nát tưởng như vô tích sự hoặc phiền toái đó lại, để chúng được tái sinh trong một hình hài mới, một logic khác, một ý nghĩa riêng biệt.

Nghệ thuật sắp đặt của anh, có thể nói, chính là nghệ thuật của sự hàn gắn các vết thương. Dưới cái nhìn nghệ sỹ, những mảnh vỡ đã khép lại các thương tổn mà chúng bị hoặc tự gây ra, để hé mở những giá trị khác, những thênh thang khác mà chúng có thể biến hóa một cách khôn lường và mạnh mẽ.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng.

Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng.

Bộ “Biển đời” trong số các tác phẩm tranh sơn dầu là những mảnh ghép cuộc đời của chính tác giả. Hạnh phúc, đau đớn, chờ đợi, chia ly, khắc khoải…, tất cả hiện lên trong tranh của Nguyễn Lương Sáng, nhưng ít nhiều tác giả đều lấy khung cảnh biển làm nền. Những con sóng cứ miên man vừa như thách thức vừa như hứa hẹn con người. Ở đó có bình yên sóng lặng, có hy vọng đợi chờ, có ngọn đèn cô tịch và bóng ai đang dõi ra phía biển, có dạt dào sóng vỗ, có giông tố ẩn nấp đâu đó cùng những dữ dội gầm gào. Ở đó, không rõ hình hài hay gương mặt một người cụ thể nào, nhưng lại hiện tồn tại một thứ rất con người.

Tác phẩm “Dùng dằng” (Giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2019), lại là gương mặt người đàn ông đang nhìn về phía biển và con thuyền, bàn tay níu kéo cả một khoảng xanh biếc ấy về phía mình. Bức tranh được vẽ theo lối siêu thực lãng mạn, diễn tả gương mặt và cử chỉ của người đàn ông đang trói buộc mình bằng quá nhiều cảm xúc. Tất cả như muốn vỡ tung, cả thảm biển xanh biếc, cả những cảm xúc bộn bề hỗn độn trên gương mặt nhân vật. Nguyễn Lương Sáng nói, anh vẽ bức tranh này về chính mình, cho chính mình.

Các tác phẩm khác như “Cân bằng sống”, “Đợi”, “Về phía biển”… đều là những câu chuyện riêng biệt nhưng thống nhất về ý tưởng, gắn liền với biển của tác giả. Chúng giống như những bản nhạc nhẹ nhàng êm ái nhưng cũng dữ dội cuộn trào, hát về tình yêu, về thân phận, về cuộc đời. Đâu đó, không lộ diện, nhưng thấp thoáng trong tranh hình bóng một người con gái. Có cảm giác như những sáng tác của Nguyễn Lương Sáng giống như một món quà dành cho nàng, và cũng là món nợ mà anh thôi thúc mình phải trả, bởi những hàm ơn đối với tình yêu mà anh đã có, bởi nếu không có nó, sẽ khó để anh nhìn cuộc đời với một niềm trìu mến như thế này, bởi với nó, anh thấy biển trở nên dịu dàng và đẹp đẽ hơn ngàn vạn lần.

Biển với tôi còn là một mối tình. Chúng tôi đã có những ngày tháng rong chơi bên biển đầy kỷ niệm. Cô ấy có tên riêng, nhưng giờ đây tôi gọi cô ấy là Biển. Vì vậy, trong nhiều năm biển luôn ám tượng trong các sáng tạo của tôi”, Nguyễn Lương Sáng tâm sự. Và cô gái ấy, người mà họa sĩ gọi giản đơn là Biển, đã luôn hiện tồn trong nghệ thuật của anh, trong cuộc đời anh, như một sắc xanh của niềm hy vọng. Nàng giấu mặt nhưng hiện diện mọi nơi. Nàng, ẩn náu và cũng mênh mông, giống như chính cuộc đời.

Và nàng, hay Biển, hay chính gương mặt người đàn ông rắn rỏi trong các bức tranh siêu thực kia nữa, cuối cùng cũng chỉ là một mà thôi. Là một dịu êm, là một giông gió, là một khao khát, một hy vọng, đợi chờ. Giống như những con sóng, nhiều nhưng chúng cũng chỉ là một mà thôi, hòa vào nhau và dồn về phía bình an bất tận, nơi luôn có một điểm tựa để nương náu, để yêu thương.

Triển lãm “Biển đời” của Nguyễn Lương Sáng sẽ khai mạc vào lúc 16h30 ngày 28/9/2019 tại New Space Arts Foundation (Nhà số 9, xóm 3, thôn Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và kéo dài đến hết ngày 28/10/2019.

Đăng Tiêu

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa