Đời sống văn hóa

Họa sĩ Từ Thành và bức tranh biểu tượng của khát vọng hòa bình

Khánh Ngọc 02/05/2025 07:00

(NB&CL) Gần 50 năm đã trôi qua, họa sĩ Từ Thành vẫn vẹn nguyên niềm tự hào, hạnh phúc với bức tranh để đời “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc”.

Thời gian vẽ ngắn nhưng ý tưởng dài

Chia sẻ với Báo Nhà báo và Công luận, họa sĩ Từ Thành cho biết, vào thời khắc trưa 30/4/1975, hàng triệu người dân Việt Nam ai cũng muốn treo cờ lên và đổ ngay ra đường hòa vào dòng người diễu hành hò reo vui mừng. Chứng kiến cảnh tượng đó, những suy tưởng, mong ước về một sự hòa bình, hạnh phúc vĩnh hằng thôi thúc ông nghĩ đến việc phải có một tác phẩm ý nghĩa để ghi lại thời khắc lịch sử trọng đại của toàn dân tộc. Trong mạch cảm xúc đó, ông nhớ đến Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, chân thành nhất cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với các cháu thiếu niên, nhi đồng…

Khi đã có ý tưởng, đề tài và cảm xúc đã chín, họa sĩ Từ Thành bắt tay vào vẽ và hoàn thành những phác thảo của bức tranh trong một thời gian ngắn. Chia sẻ về điều này, ông Thành cười vui: “Có nhiều nhà báo hỏi tôi vẽ bức tranh này hết bao nhiêu thời gian. Thật khó để định lượng một mốc thời gian cụ thể bởi họa sĩ có thể vẽ trong vài ngày nhưng ý tưởng thì đã nung nấu từ rất lâu rồi”.

tt1.jpg
Họa sĩ Từ Thành. Ảnh: NVCC

Bức tranh được ông Thành vẽ bằng bột màu trên giấy, khổ 79x54cm, chủ yếu là 2 màu đen, trắng, điểm xuyết một ngôi sao màu đỏ. Trong tranh, nổi bật là hình ảnh Bác Hồ tươi cười trìu mến ôm một em bé, nền phía sau là chú chim bồ câu ngậm cành ô liu tượng trưng cho hòa bình. Hình ảnh cánh chim bồ câu cũng được thể hiện cách điệu thành bản đồ Việt Nam, mắt chim là ngôi sao màu đỏ, cũng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình. Tổng thể bức tranh hài hòa, chặt chẽ, đường nét mềm mại và gọn gàng, tuy đơn giản mà thể hiện sâu sắc niềm vui độc lập, thống nhất và cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương và khát vọng hòa bình cho những thế hệ mai sau.

Sau ngày thống nhất ít lâu, Bộ Văn hóa tổ chức phát động phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động quy mô toàn quốc. Họa sĩ Từ Thành khi đó công tác tại Xưởng tranh cổ động Trung ương háo hức gửi tranh dự thi. Lúc đầu, trên bức tranh, ông Thành ghi dòng chữ số ngắn gọn “1976” - chính là năm phát động cuộc thi. Đến khi dự thi, bà Thục Phi, người phụ trách xưởng tranh góp ý nên có thêm chữ để người dân dễ hiểu, ông đồng tình ngay và viết thêm dòng chữ “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” vào phía dưới bức tranh.

Cuộc thi có hơn 3600 tranh của các họa sĩ trong cả nước gửi về. Trong đó riêng đề tài về Bác đã có khoảng 2000 bức, vẽ Bác Hồ với bộ đội, Bác Hồ với nông dân. Riêng tranh vẽ Bác Hồ với thiếu nhi nhiều hơn cả, phải đến hàng ngàn bức”, họa sĩ Từ Thành hồi tưởng.

Vượt qua nhiều tranh của các họa sĩ đã thành danh, bức tranh “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” đã đoạt giải cao, được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ và được in hàng vạn bản, phát hành rộng rãi. Cũng rất nhanh sau đó, bức tranh xuất hiện ở mọi nơi, từ các sự kiện chính trị - xã hội trọng đại đến bìa sách vở học sinh, trên bloc lịch, trên bưu thiếp… Và mọi người tự “đặt tên” cho bức tranh này một cái tên dân dã: “Bác Hồ với thiếu nhi”.

Năm 1978, bức tranh được thành phố Hà Nội chuyển thành khổ lớn 8m, vẽ trên nóc Nhà Thông tin Thành phố Hà Nội, nơi ngã tư giao nhau giữa phố Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng. Gần 50 năm qua, bức tranh cổ động giàu ý nghĩa này đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội cũng như người dân cả nước, trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Bức tranh cũng được trưng bày ở nhiều triển lãm, nhiều bảo tàng tại Nga, Cuba... dưới nhiều phiên bản và chất liệu khác nhau.

Tự hào tác phẩm để đời

Theo họa sĩ Từ Thành, đã có nhiều họa sĩ vẽ về Bác Hồ, nhưng không có nhiều người thành công, đặc biệt là tranh cổ động. Riêng ông, trước bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi”, ông cũng đã vẽ về Bác khá nhiều, trong đó có các đề tài Bác Hồ với Hà Tĩnh quê hương ông, Bác Hồ với kháng chiến, Bác Hồ với dân quân du kích, Bác Hồ với dân tộc thiểu số… Nhưng bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” là tác phẩm thành công nhất, là tác phẩm “để đời” của ông.

Dù vậy, sau nhiều năm bức tranh được hiện diện ở khu vực Hồ Gươm, nhiều người vẫn không biết ai là tác giả. Nhưng không vì vậy mà họa sĩ Từ Thành lấy làm chạnh lòng. Ngược lại, ông tự hào vì bản thân đã có một tác phẩm lớn để lại cho đời. Mỗi khi có dịp lên phố cổ, ông đều ghé qua khu vực nhà triển lãm, dành cả chục phút nhìn ngắm bức tranh của mình. Để ý một người đàn ông rất nhiều lần lặng lẽ nhìn ngắm bức tranh, một anh công an thấy lạ, đến gần hỏi. Được họa sĩ cho biết mình chính là tác giả bức tranh, anh công an lúc đó mới ồ lên ngỡ ngàng khi biết tới một thông tin thú vị.

tt3.jpg
Bức tranh được chuyển thành khổ lớn, vẽ trên nóc Nhà Thông tin Thành phố Hà Nội. Ảnh: T.Toàn

“Không biết bao nhiêu lần nữa, nhưng lần nào ngắm lại và suy ngẫm, tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc hạnh phúc và tự hào. Thật vui sướng khi mình đã làm được một việc rất lớn, một việc mà mình luôn mong muốn, một việc mà không phải ai cũng làm được. Đời người nghệ sĩ chỉ cần có vậy”, người họa sĩ già nói.

Họa sĩ Từ Thành cho biết thêm, đã có nhiều nhà sưu tập nước ngoài tìm đến hỏi mua bản gốc bức tranh nhưng ông luôn từ chối bởi đó là kỷ vật thiêng liêng, một dấu mốc tự hào trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Ông có tâm niệm giữ lại bức tranh ở trong nước và tặng lại cho Bảo tàng. Và năm 2019, họa sĩ Từ Thành đã trao tặng bản gốc bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn bức tranh sẽ được Bảo tàng lưu giữ thật tốt, để lưu lại tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu tự do, chăm lo cho thế hệ tương lai - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Họa sĩ Từ Thành và bức tranh biểu tượng của khát vọng hòa bình
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO