Tin tức

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới

Đăng Khoa 17/05/2025 06:42

(CLO) Chiều 16/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Hội thảo do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì.

img_3142.jpg
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cùng các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Tham dự hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cùng nhiều đại biểu Quốc hội khóa XV do khối MTTQ giới thiệu.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tiến hành nghiên cứu, rà soát và xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự án Luật được xây dựng đồng bộ, nghiêm túc, khẩn trương, phù hợp với tiến trình nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và chủ trương sắp xếp, tinh gọn cơ cấu tổ chức của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy thông tin, trao đổi sâu về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam cũng như các nội dung chính trong dự thảo Luật. Theo ông, việc bổ sung quy định “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” tại khoản 2 Điều 9, Điều 10 của Hiến pháp và tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn về tính tương thích của quy định này trong điều kiện MTTQ là liên hiệp tự nguyện, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

img_3149.jpg
Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy khẳng định, từ khi xây dựng Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, nội dung này đã được Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương nghiên cứu, thảo luận, thống nhất kỹ lưỡng. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết của Trung ương.

Việc bổ sung quy định trên tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam được đánh giá là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức bộ máy, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng sau tinh gọn.

Đề cập đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng tăng cường vai trò chủ trì, điều phối của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, các tổ chức này có thể chủ trì thực hiện giám sát, phản biện trên cơ sở thống nhất với MTTQ Việt Nam. Quy định này được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 25, khoản 3 Điều 26 và khoản 1 Điều 32 của Luật MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, các quy định tương ứng tại khoản 2 Điều 16 của Luật Công đoàn và khoản 2 Điều 28 của Luật Thanh niên cũng được sửa đổi, bổ sung đồng bộ.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh, qua quá trình hội nghị, hội thảo, thẩm tra sơ bộ và chính thức của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ý kiến của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cao với dự thảo luật. Ông đề nghị các đại biểu tiếp tục tập trung góp ý sâu vào những nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013 liên quan trực tiếp đến MTTQ và các quy định của dự thảo luật, để Ban Thường trực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

img_3156.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Đạt.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu gắn bó với công tác Mặt trận. Ông khẳng định, sự đồng thuận và thống nhất cao từ các đại biểu đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng quan trọng để Quốc hội xem xét, thông qua, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận, góp ý cụ thể đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của MTTQ Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO