Tin tức

Hoàn thiện Hiến pháp để thích ứng linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định lâu dài

Thiên An 23/05/2025 12:30

(CLO) Quốc hội đang tích cực triển khai lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng), việc sửa Hiến pháp lần này có ý nghĩa lịch sử, vừa bảo đảm sự kế thừa, vừa hướng tới một nền quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, quá trình lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đang diễn ra trong thời gian một tháng. Ông có kỳ vọng gì vào chất lượng của đợt lấy ý kiến lần này?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Trước hết, chúng ta đều biết rằng, Kỳ họp Quốc hội lần này có tính chất lịch sử, để giải quyết những vấn đề mang tính lịch sử. Trong đó, việc sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan được đặt trọng tâm nhằm hoàn thiện những quy định mới, phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương – tức là thể chế hóa, cụ thể hóa và hiện thực hóa, để bộ máy nhà nước vận hành hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phải nói rằng, từ Trung ương đến địa phương, cũng như ngay trong Quốc hội - cơ quan hoạch định chính sách, đều đang chịu áp lực lớn về thời gian. Vì thế, cách làm là yếu tố then chốt.

Thứ nhất, tôi hiểu rằng, lần này chúng ta không sửa toàn bộ Hiến pháp mà chỉ sửa mang tính kỹ thuật ở một số điều.

Vì đây không phải là cuộc sửa đổi toàn diện nên quỹ thời gian để tham vấn ý kiến rộng rãi cũng không nhất thiết kéo dài như quy định với một dự án luật thông thường.

4.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi.

Trong bối cảnh đó, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” được áp dụng - tức là vừa chuẩn bị, vừa tiếp tục thảo luận, đồng thời tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Từ ngày 6/5/2025, việc lấy ý kiến đã bắt đầu và theo báo cáo sơ bộ, tuyệt đại đa số ý kiến là đồng thuận. Điều này cho thấy sự thống nhất cao trong xã hội.

+ Về mặt lâu dài, việc sửa đổi Hiến pháp được cho là nhằm đảm bảo tính ổn định nhưng cũng phải đủ linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Ông nhìn nhận như thế nào về tính bền vững của Hiến pháp sau đợt sửa đổi này?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Có thể nói rằng chúng ta đã có sự thống nhất trong chủ trương và phương pháp thực hiện. Đây là bước hoàn thiện và phần lớn ý kiến đều nhất trí về nội dung cần sửa, cách tiếp cận và các điều khoản cụ thể.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm cần lưu ý. Trước hết, chúng ta cần tránh sự trùng lặp giữa các điều khoản sửa đổi trong Hiến pháp với các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ hai, xét về thể thức văn bản, việc sửa đổi cần phải rất chặt chẽ. Bởi lẽ, Hiến pháp là văn bản có “đời sống rất dài”, là nền tảng hiến định cho nhiều thế hệ. Trong khi đó, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội hay giai đoạn phát triển của đất nước lại có những vấn đề mang tính thực tiễn riêng.

Ngay trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, thực tiễn pháp luật luôn được coi trọng. Ví dụ như Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc cũng rất tôn trọng các thực tiễn pháp lý khác nhau tại các vùng biển. Đây là bài học cho chúng ta trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh.

Đối với Hiến pháp, điều quan trọng là làm sao để văn bản này vừa có tính mở, vừa đảm bảo tính chặt chẽ. Do đó, nó cần có sự ổn định lâu dài nhưng cũng phải đủ linh hoạt để áp dụng phù hợp với từng giai đoạn.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương chính là công cụ để cụ thể hóa những nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp. Cách làm như vậy không chỉ thuận lợi cho việc áp dụng thực tiễn mà còn tạo điều kiện cho các lần điều chỉnh trong tương lai.

+ Một trong những nội dung sửa đổi lần này là quy định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc. Là đại biểu được giới thiệu từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có đề xuất hay góp ý gì đối với nội dung này?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Theo quy định mới, Hiến pháp sửa đổi xác định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc, cũng như của các tổ chức đoàn thể do Nhà nước thành lập và quản lý. Tôi cho rằng, chữ “trực thuộc” ở đây được hiểu là thuộc quản lý của Mặt trận Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức tập hợp, Mặt trận Tổ quốc mà không tập hợp thì không thành Mặt trận Tổ quốc. Dù đứng ngoài hay đứng trong, chịu sự quản lý của ai thì đều vào “cái mũ của Mặt trận Tổ quốc”. Lần này Hiến pháp cũng như thể chế mới đề cập cụ thể hóa hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Như vậy, vẫn trên cơ sở bảo đảm tính độc lập của các tổ chức để phát huy tính đặc thù và mục tiêu, tính chất riêng biệt của các ngành. Tức là, vẫn có sự khác biệt nhưng cùng chung quản lý. Giống như việc nhân sự hoạt động trong lĩnh vực nào, cấp độ gì, mô hình gì thì vẫn phải chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo.

Về mặt nguyên tắc, quốc gia nào cũng thống nhất quản lý Nhà nước. Thống nhất này không phải là “nhốt về một rọ”, nhưng liên kết với nhau và chịu sự điều phối của Nhà nước. Do vậy, tôi cho rằng, trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc sau này và luật về Mặt trận Tổ quốc nếu cần sửa đổi cũng phải sửa đổi để phù hợp với tinh thần mới. Nghĩa là phải thống nhất quản lý trong khối Mặt trận, nhưng vẫn có thể độc lập hoạt động để phát huy được những đặc thù riêng của từng lĩnh vực.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàn thiện Hiến pháp để thích ứng linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định lâu dài
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO