Hoàn thiện thể chế, thống nhất thực hiện để loại bỏ hành chính “1 cửa nhưng 8 khoá”
(CLO) Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ hành chính kiểu “1 cửa nhưng 8 khoá”, cần sửa ngay các văn bản pháp luật còn chồng chéo. Khi đã sửa đổi, thống nhất về thể chế thì điều sau đó cần làm là thống nhất về tổ chức thực hiện.
Cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã làm được một số việc. Trong đó, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh (QĐKD); các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quy định, 10/22 bộ đã công bố danh mục TTHC nội bộ, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc trước hạn tăng 10%, địa phương tăng 8% so với năm 2022…
Đáng chú ý, một số địa phương đã có cách làm mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả CCHC trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện ở địa phương, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ như Cà Mau, Tây Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cải cách TTHC còn chậm, nhiều QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; hơn 600 TTHC chưa được phân cấp; TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; công khai, minh bạch TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; tỉ lệ số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC còn thấp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 (ngày 19/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Thứ nhất, rà soát hệ thống các văn bản pháp luật để xác định những vướng mắc cần giải quyết (ở đâu, nội dung nào, ai giải quyết, thời hạn bao lâu). Thứ hai, rà soát những thủ tục mà được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn hiện nay về lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng…, xử lý các vướng mắc để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Thứ ba, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; những người làm tốt, vì dân, vì nước thì khen thưởng, động viên kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, không ban hành thêm các văn bản để cản trở, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như khả năng phát sinh tiêu cực…

Cần rà soát những thủ tục mà được người dân, doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn hiện nay về lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng. Ảnh minh hoạ
Mới đây (ngày 6/8/2023), để đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày ban hành Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 là: Tập trung thực thi dứt điểm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa 13 nhóm quy định, TTHC trọng tâm; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên...
Đặc biệt, cũng trong ngày 6/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 932/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng.
Có thể thấy rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong cải cách TTHC giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giải quyết các TTHC, thủ tục về kinh doanh, thu hút đầu tư; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng chung từ sự suy giảm của kinh tế thế giới.

Hà Nội niêm yết công khai các thủ tục hành chính không chờ.
Sau sửa đổi, thống nhất về thể chế cần thống nhất về tổ chức thực hiện
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất “sốt ruột” trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bởi thời gian qua, ở một số nơi có tình trạng trên “rất nóng” nhưng ở dưới chỉ hơi “ấm ấm”, điều này xuất phát từ đánh giá của Thủ tướng đó là có một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai.
Theo ông Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước sợ nhất ba vấn đề: Thứ nhất là tham nhũng; thứ hai là vận chuyển, chi phí cao; thứ ba chính là thủ tục hành chính kiểu “1 cửa nhưng 8 khoá”. “Qua theo dõi nhiều năm nay thì tôi thấy Thủ tướng Chính phủ luôn có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác CCHC. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt là quyết định thành lập Tổ công tác cải cách TTHC do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Điều này càng cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác CCHC”, ông Phú nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, theo vị Chuyên gia kinh tế này thì vấn đề còn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện, trong đó cần khẩn trương loại bỏ tình trạng trên nóng, dưới hơi ấm ấm. “Theo tôi được biết, hiện nay, Hải quan còn đang đi đếm từng sản phẩm ở trong container để cho xuất khẩu thì việc CCHC với vấn đề áp dụng công nghệ thực hiện liệu có đảm bảo. Trong khi đó, hiện đang áp dụng giảm 2% thuế VAT, nhưng còn tranh cãi nhau việc một chiếc ghế lưng tựa bằng vải, tay ngai bằng sắt liệu có được giảm thuế hay không? Đây là hai ví dụ cụ thể trong vấn đề liên quan đến cải cách TTHC làm sao để doanh nghiệp có thể thuận lợi nhất”, ông Phú nêu và cho biết, theo VCCI, 54% chi phí của doanh nghiệp vẫn phục vụ “bôi trơn”. Bởi chính TTHC có phiền hà thì mới có bôi trơn. Lỗi này thuộc về cả doanh nghiệp và người thực thi công vụ.
Để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, loại bỏ hành chính kiểu “1 cửa nhưng 8 khoá”, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú kiến nghị các nội dung cụ thể: Thứ nhất là sửa ngay các văn bản pháp luật còn chồng chéo, chấn chỉnh việc ở một số ngành, lĩnh vực có văn bản pháp luật hết liệu lực nhưng chưa bỏ hoặc chưa sửa hay thậm chí cắt đi văn bản này nhưng lại “đẻ” thêm văn bản khác gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
“Khi đã sửa đổi, thống nhất về thể chế thì điều sau đó cần làm là thống nhất về tổ chức thực hiện”, ông Phú nhấn mạnh.
Thứ hai, cần phát huy vai trò quan trọng của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần trao quyền cho Tổ công tác có thể trực tiếp “đình chỉ” các văn bản không đúng theo quy định, gây khó khăn cho người dân doanh nghiệp.
Thứ ba là vấn đề con người, tức là đội ngũ tổ chức thực hiện. Bên cạnh việc loại bỏ những cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì theo ông Vũ Vinh Phú cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Ví dụ như đối với việc vay vốn, hiện nay, lãi suất giảm, nguồn vốn tín dụng khá tốt nhưng doanh nghiệp vẫn kêu là khó tiếp cận. Vậy nguyên nhân do đâu? Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cần đi xuống tận nơi xem các ngân hàng chủ lực thực hiện ra sao? Doanh nghiệp gặp khó khăn gì? Hay có cán bộ nào gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp?”, ông Phú nói và cho rằng yếu tố con người là rất quan trọng trong công tác cải cách TTHC.
Thứ tư, trước việc một số địa phương làm tốt công tác cải cách TTHC nhưng còn có tỉnh, thành phố thực hiện chưa tốt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần có cơ chế biểu dương kịp thời, công khai trước dư luận, báo chí về những cách làm hay, sáng tạo nhưng cũng cần công khai việc xử lý những nơi làm chưa tốt, kéo lùi sự phát triển.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, để thực hiện tốt công tác cải các TTHC thì việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh số hoá Chính phủ, thành lập các kho dữ liệu của tất cả các mảng, các lĩnh vực, từ đó sẽ đơn giản hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. “Khi có kho dữ liệu, cán bộ giải quyết TTHC cần tra sẽ ra luôn, rất thuận tiện, đơn giản và đảm bảo tính chính xác, tin tưởng và an toàn. Khi kết nối được các bộ, ngành với nhau thì việc giảm thiểu thủ tục, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính sẽ được giảm tải đi rất nhiều”, ông Thịnh nói.
Đối với việc tổ chức thực hiện, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong giải quyết TTHC thì cần quy định chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức rõ ràng, có phân cấp phân quyền cụ thể.
“Khi xây dựng các kho dữ liệu, các TTHC phải cụ thể, ví dụ như mua bán nhà đất thì cần có giấy tờ gì, nếu công dân cung cấp đầy đủ thì đến sẽ được xác nhận ngay. Từ đó, cán bộ, công chức giải quyết TTHC cũng dễ dàng thực thi công vụ”, ông Thịnh phân tích và cho rằng, căn cứ vào phân công nhiệm vụ, thời gian giải quyết TTHC cụ thể, nếu cán bộ nào trong quá trình thực hiện làm không đúng, làm chậm, có biểu hiện vòi vĩnh thì sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm.