Hoàng thân xứ Qatar- Trùm truyền thông giầu tham vọng

04/04/2015 03:10

Hoàng thân xứ Qatar- Trùm truyền thông giầu tham vọng



Người nâng tầm vị thế xứ Qatar

Là tiểu vương quốc nhỏ bé trong vùng Vịnh Persic, Qatar có diện tích rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng 11.437km2. Năm 1949, xứ Qatar chỉ có vỏn vẹn 16.000 dân, trong đó chỉ có hơn 600 người biết viết nhiều hơn cái tên của mình. Ngày nay, Qatar có dân số gần 2 triệu người, phần lớn là dân nhập cư và đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới 109.000 USD (năm 2011), 10% dân số là triệu phú và tốc độ tăng trưởng GDP lớn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Lý giải cho câu chuyện “bỗng chốc trở thành cường quốc” này của Qatar, ngoài việc tiểu vương quốc này được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào (trữ lượng chừng 26 ngàn tỷ mét khối), nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, còn nhờ phần lớn vào tài trị vì của Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani (gọi tắt là Hamad al- Thani).

Có thể nói, Quốc vương Hamad al- Thani là một hình mẫu của thế hệ thứ hai các vương triều Arập trong khu vực Trung Đông. Hamad al- Thani sinh năm 1952 trong gia tộc Bedouin giàu ảnh hưởng Al Thani cai trị Vương quốc Qatar từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay. Từ tuổi thiếu niên, Hamad al- Thani đã được gửi sang Anh học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Năm 1971, trở về khi đất nước Qatar giành độc lập, ở tuổi 20, Hamad al- Thani gia nhập quân ngũ. Con đường hoan lộ của chàng hoàng thân trẻ tuổi thăng tiến nhanh chóng đến không ngờ, từ hàm thiếu tướng, lên chức Tổng tư lệnh quân đội rồi lên ngôi vương sau khi phế bỏ vua cha vào ngày 27/6/1995.

Gần 2 thập kỷ qua, dưới tài trị vì nhiều mưu lược, cứng rắn nhưng cũng không kém phần khôn khéo, ôn hòa của Quốc vương Hamad al- Thani, không chỉ thành công trên vũ đài kinh tế, Qatar ngày càng khẳng định được vị thế chính trị chủ chốt ở Trung Đông. Đất nước nhỏ bé này đã trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, vừa là nơi đặt văn phòng đại diện của Taliban, nơi đặt trụ sở hoạt động mới của thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal, vừa là có căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ, nơi đặt trụ sở của một loạt các tổ chức quốc tế.

Những phi vụ đầu tư “chinh phục thế giới” Mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc Arập mạnh mẽ, gần 20 năm qua, ông hoàng Hamad al- Thani không chỉ nuôi tham vọng biến tiểu vương quốc nhỏ bé của mình thành một cái tên đáng gờm trên bản đồ chính trị- kinh tế thế giới, mà còn muốn Qatar “bành trướng” ra khắp thế giới khi liên tục vung tiền ra để thực hiện vô số những phi vụ đầu tư đình đám.

Đơn cử là việc hoàng gia Qatar trở thành cổ đông “bự” của hai ngân hàng hàng đầu thế giới: Barclays (Anh) và Credit Suisse (Thụy Sỹ). Không dừng lại ở đó, năm 2010, Qatar Holding, đại diện cho chủ tịch của Qũy tài sản quốc gia Qatar QIA là thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani đã tung ra tới 2,35 tỷ USD để thâu tóm chuỗi cửa hàng bán lẻ hạng sang Harrods tại Anh. Trong một thập kỷ qua, hoàng gia Qatar tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các bất động sản tại London. Vài năm trở lại đây, số vốn họ đổ vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và các tập đoàn tài chính Anh đã vượt 16 tỷ USD. Năm 2011, QIA đã chi 466 triệu USD để mua lại Shell Centre của hãng dầu mỏ Shell của Hà Lan. QIA cũng nắm 3% cổ phần tại tập đoàn năng lượng Total của Pháp và đang thảo luận khả năng đầu tư vào “đại gia” dầu mỏ ENI của Ý. Không chỉ đầu tư vào bất động sản, dầu mỏ, hoàng gia Qatar gần đây còn mua hàng loạt thương hiệu hàng tiêu dùng hạng sang như chi 861 triệu USD để mua 1% cổ phần tại tập đoàn sản xuất hàng siêu sang Louis Vuitton, Moet và Hennessy (LVMH) và 700 triệu euro thâu tóm thương hiệu thời trang nổi tiếng Valentino của Italia. Trước đó năm 2009 QIA đã mua 10% cổ phần tại hãng xe thể thao trứ danh Porsche.

Kinh tế thôi, chưa đủ, hoàng gia Qatar còn bành trướng cả sang lĩnh vực nghệ thuật, thể thao. Mấy năm trở lại đây, hoàng gia Qatar đã âm thầm mua gom một lượng cực lớn các bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật hiện đại và xây nhiều bảo tàng để trưng bày. Năm 2008, Qatar thuê kiến trúc sư nổi tiếng I.M. Pei để thiết kế Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo ngay trung tâm thủ đô Doha. Đến năm 2013 có thêm Bảo tàng quốc gia Qatar sẽ được khai trương. Ở cả 2 bảo tàng này, vương quốc nhỏ bé xứ Ả rập sẽ trưng bình hàng loạt bộ sưu tập nghệ thuật lừng danh thế giới, có thể cạnh tranh với bất kỳ bảo tàng nào tại châu Âu. Trong lĩnh vực thể thao, có vẻ ông hoàng Hamad al- Thani và hoàng gia Qatar dành nhiều sự quan tâm nhất cho môn thể thao vua-bóng đá khi tung tiền mua lại CLB Paris Saint-Germain của Pháp. Ngoài những phi vụ đầu tư đình đám kể trên, QIA còn có những phi vụ đầu tư khác người khác như phi vụ rót khoảng 10 tỷ USD vào Tập đoàn sản xuất vàng Goldfields châu Âu; chi gần 7 triệu USD để mua một hòn đảo tuyệt đẹp nhưng chưa có người ở tại Hi Lạp…

Đế chế truyền thông của ông trùm

Tuy nhiên, với đất nước Qatar nói chung, Quốc vương Hamad al- Thani nói riêng, phi vụ đầu tư thành công nhất, mang lại nhiều lợi ích nhất là phi vụ đầu tư vào mạng lưới truyền hình có tầm ảnh hưởng mạnh nhất khối Arập hiện nay Al Jazeera. Năm 1996, lĩnh hội ý tưởng và sự chỉ giáo của Quốc vương Hamad al- Thani, hoàng thân Khalifa al Thani, người nắm quyền lực cực lớn tại Qatar và sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD đã tung 140 triệu USD để cho ra đời kênh truyền hình Al Jazeera. Dưới tài lãnh đạo của Hamad bin Thamer Al Thani- Chủ tịch, cựu Bộ trưởng Bộ thông tin và tuyên truyền Qatar, chỉ 5 năm sau ngày thành lập, Al Thani đã biến Al Jazeera từ một công ty chỉ được biết đến trong lãnh thổ Qatar trở thành đế chế truyền thông hàng đầu thế giới khi có mặt tại 46 quốc gia và vùng lãnh thổ; sở hữu 17 kênh truyền hình, 5 đài phát thanh, 9 tờ báo, tạp chí với tổng cộng khoảng 200 triệu khán giả trên toàn cầu. Thông tin không chính thức cho biết, hàng năm, hoàng gia Qatar tài trợ cho hoạt động của Al Jazeera – cụ thể là thông qua sự điều hành của Al Thani - ngót nghét 2 tỷ USD. Số tiền khổng lồ này được sử dụng vào việc bành trướng Al Jazeera.

Thành công nhất và giàu sức ảnh hưởng nhất trong đế chế truyền thông Al Jazeera chính là mạng lưới kênh truyền hình cùng tên. Tháng 11/1996, được thành lập tại Doha dưới sự bảo trợ của một thủ lĩnh Hồi giáo Qatar, Al-Jazeera chỉ đơn thuần là một kênh đưa tin nóng. 1 năm sau, cha đẻ của Al-Jazeera quyết định đầu tư mạnh hơn trong lĩnh vực truyền thông nhằm đóng góp vào việc quảng bá đất nước Qatar ra thế giới.

Thành công đến ngay lập tức. Ngày nay, Al-Jazeera đã trở thành phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền cho những động thái ngoại giao đa phương của Quốc vương Hamad al- Thani. Al Jazeera được miêu tả là “người phát ngôn của những kẻ khủng bố” vì thường xuyên có trong tay những đoạn băng phát ngôn của Taliban và Al Qaeda nhanh hơn những kênh truyền hình khác. Tờ Daily Mirror cuối năm 2005 từng tiết lộ thông tin mật rằng cựu Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair đã từng bàn bạc khả năng ném bom trụ sở đài truyền hình Al Jazeera tại Qatar vào năm 2004.


 NGUYÊN ANH


    Nổi bật
        Mới nhất
        Hoàng thân xứ Qatar- Trùm truyền thông giầu tham vọng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO