Thị trường - Doanh nghiệp

‏Hoạt động thuế quan của Mỹ làm chậm đáng kể ngành sản xuất của Trung Quốc‏

‏Dũng Phan ‏‏(Theo Cryptopolitan) 01/05/2025 15:50

‏(CLO) Trong bối cảnh Bắc Kinh không tung thêm kích thích kinh tế và căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài, PMI ngành sản xuất Trung Quốc tháng 4 đã giảm xuống 50,4 - mức thấp nhất kể từ tháng 1.‏

‏Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành sản xuất tháng 4 do Caixin và S&P Global công bố đã giảm xuống còn 50,4, so với mức 51,2 của tháng 3. Đây là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, với mức 50 điểm làm ranh giới. Dù đây là con số thấp nhất kể từ tháng 1, kết quả này vẫn vượt qua dự báo trung bình từ cuộc khảo sát của Reuters.‏

770-202505010632451.png
‏Một kho hàng tại Trung Quốc. Ảnh: Cryptopolitan‏

‏Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh quyết định không triển khai thêm các gói kích thích kinh tế mới. Thay vào đó, chính quyền lựa chọn chờ đợi, khi các quan chức nhận định cuộc tranh chấp thương mại với Washington có thể kéo dài.

Cùng ngày, chỉ số PMI do chính phủ công bố còn cho thấy tốc độ suy giảm hoạt động kinh tế nhanh hơn dự kiến.‏

‏Ông Wang Zhe, chuyên gia kinh tế tại Caixin Insight Group, nhận định:

“Những tác động lan tỏa từ cuộc đối đầu thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dần xuất hiện trong quý II và quý III. Các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị kỹ lưỡng và hành động sớm hơn là để muộn”.‏

‏Nhu cầu từ thị trường quốc tế đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Khảo sát ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong các đơn hàng xuất khẩu mới kể từ tháng 7/2023, khiến tổng đơn hàng mới chỉ tăng nhẹ.

Các nhà máy vẫn duy trì được mức sản lượng tăng trưởng, nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể, chủ yếu nhờ xử lý lượng đơn hàng tồn đọng trước đó.‏

‏Thời gian giao hàng từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc cũng bị kéo dài, trong khi hoạt động tuyển dụng lao động giảm rõ rệt. Các nhà sản xuất đồng thời cắt giảm lượng hàng tồn kho, đẩy niềm tin kinh doanh xuống mức thấp thứ ba kể từ khi chỉ số này bắt đầu được ghi nhận vào tháng 4/2012. ‏

‏Những gián đoạn trong thương mại và khó khăn về nguồn cung đã khiến thời gian giao hàng trong tháng 4 kéo dài thêm một chút. Song song đó, nhu cầu yếu đối với nguyên liệu thô cùng sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp đã kéo chi phí đầu vào trung bình tiếp tục giảm.‏

‏Việc làm trong ngành sản xuất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau một giai đoạn tăng nhẹ hồi tháng 3, số lượng lao động trong lĩnh vực này đã giảm trở lại trong tháng vừa qua. Nguyên nhân đến từ việc một số công nhân nghỉ việc, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc để cắt giảm chi phí.‏

‏Thương mại quốc tế từ lâu đã là nguồn cung cấp việc làm quan trọng cho Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường từng phát biểu vào năm 2020 rằng lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng cho khoảng 180 triệu việc làm, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.‏

‏Tuần trước, tại cuộc họp Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan của Mỹ. Hiện tại, mức thuế áp lên một số mặt hàng đã chạm ngưỡng ba con số. ‏

‏Đến thứ Hai, các quan chức cấp cao từ nhiều bộ kinh tế đã lên tiếng trấn an, khẳng định những biện pháp thuế này sẽ không làm trật bánh quá trình phục hồi kinh tế còn mong manh của đất nước. Bắc Kinh cũng đưa ra chính sách hỗ trợ các nhà xuất khẩu sẵn sàng chuyển hướng sang thị trường nội địa. ‏

‏Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra dè dặt khi đối mặt với thực tế nhu cầu trong nước yếu, cạnh tranh giá cả khốc liệt, biên lợi nhuận thấp, thanh toán chậm trễ và tỷ lệ trả hàng cao.‏

    Nổi bật
        Mới nhất
        ‏Hoạt động thuế quan của Mỹ làm chậm đáng kể ngành sản xuất của Trung Quốc‏
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO