Hoạt động vận tải đường sắt liên vận: Mở ra nhiều cơ hội phát triển

Thứ năm, 08/04/2021 09:39 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước thực trạng hành khách đi tàu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như những khó khăn hiện hữu bởi công nghệ, hạ tầng lạc hậu,... việc phát triển hoạt động vận tải đường sắt liên vận được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành đường sắt lấy lại vị thế.

Chưa tới 0,5% hành khách liên tỉnh chọn đi tàu

Hiện cả nước có mạng lưới đường sắt tương đối hoàn chỉnh với chiều dài 3.143km. Trong đó, có 2.632km đường sắt chính tuyến, cơ bản chỉ gồm 1 trục Bắc - Nam và 6 tuyến ở phía Bắc. 

Tuy nhiên hạ tầng đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, vẫn là khổ 1m mà trong khi đó hầu hết các nước trên thế giới không còn dùng nữa. Tốc độ đường sắt Việt Nam chỉ khoảng 50 - 60km/h đối với tàu hàng và tàu khách thì cố gắng để đạt 80 - 90km/h.

Trong năm 2020, vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ chiếm tỷ lệ khoảng 94% tổng số hành khách còn đường sắt phục vụ chưa tới 0,5%. Với vận tải hàng hóa nội địa trên đường bộ đang chiếm trên 65% tổng sản lượng vận tải, trong khi đường sắt chỉ chiếm 0,6%.

Hành khách đi tàu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hành khách đi tàu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng (bằng 79% so với năm 2019); doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng (bằng 78,3% so với năm 2019). Các chỉ tiêu về vận tải hành khách sụt giảm sâu so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra.

Dịch bệnh Covid-19 cùng với thiên tai, bão lũ kéo dài đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch vận tải của các đơn vị trong ngành đường sắt, nhất là vào các đợt vận tải cao điểm như mùa du lịch, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,... Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.

Năm 2021, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh được tập trung triển khai để bảo đảm tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%).

Theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và đảm bảo an toàn phòng dịch, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến.

Cùng với hàng loạt khó khăn còn tồn tại về điểm nghẽn hạ tầng, nguồn vốn đầu tư,... đường sắt buộc bằng mọi giá phải quyết liệt tái cơ cấu khi đã bị “dồn vào thế chân tường”.

Triển vọng phát triển ngành đường sắt từ vận tải liên vận

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại tới mọi mặt của nền kinh tế tất cả các nước trên thế giới nhưng theo số liệu được cung cấp từ Hội nghị về thỏa thuận khối lượng chuyên chở hàng hóa xuất, nhập và quá cảnh trong liên vận đường sắt quốc tế được tổ chức trực tuyến từ ngày 15-19/3/2021 (tại Warsaw, Cộng hòa Ba Lan), tổng khối lượng chuyên chở hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước tham dự Hội nghị trong năm 2020 đạt 882,3 ngàn tấn, bằng 107% so với năm 2019.

Theo đó, khối lượng chuyên chở hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2020 đạt 475,5 ngàn tấn, bằng 112,9% so với năm 2019. Khối lượng chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc đạt 406,3 ngàn tấn, bằng 100,6% so với năm 2019.

Khối lượng chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam qua Trung Quốc đến nước thứ ba trong năm 2020 đạt 457 tấn (chưa bao gồm 1732 TEU hàng điện tử quá cảnh Trung Quốc đến các nước thứ ba trong thành phần các đoàn tàu container trong liên vận Trung - Âu). Khối lượng chuyên chở hàng hóa trong container từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc và Kazakhstan đến các nước châu Âu trong năm 2020 đạt 1732 TEU, bằng 114% so với năm 2019.

Ông Phan Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.

Phát triển hoạt động vận tải đường sắt liên vận được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành đường sắt.

Phát triển hoạt động vận tải đường sắt liên vận được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành đường sắt.

Các nước đối tác đã có nhiều lần làm việc với Tổng công ty và đều có cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến liên vận này phát triển. Đại diện Đường sắt Quốc gia Kazakhstan cho biết cam kết sẽ hỗ trợ đường sắt, doanh nghiệp Việt Nam như: cung cấp kho, bãi tại Kazakhstan, phối hợp tìm khách hàng, đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam để bán, vận chuyển hàng hóa sang Kazakhstan cũng như qua Kazakhstan đi các nước khác.

Đồng thời, kế hoạch mở tàu hàng liên vận sang châu Âu đã có ý tưởng từ nhiều năm. Trong đó đã có đơn vị thuộc Tổng Công ty thực hiện vận chuyển liên vận từ năm 2016. Hiện kế hoạch này càng được đẩy mạnh trong bối cảnh sản lượng vận chuyển hành khách sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và dự án sửa chữa kết cấu đường sắt trên toàn tuyến Bắc - Nam.

Để ngành đường sắt thực sự phát huy được thế mạnh kể cả khi đã hết dịch bệnh và các chuyến tàu khách được khôi phục trở lại, việc đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đầu tư năng lực bốc xếp tại ga và nâng cao năng lực quản trị là điều cần đặc biệt quan tâm. Hiện ngành đường sắt đã và đang đóng mới khoảng 300 toa xe chở container để tăng cường vận chuyển hàng hóa...”, ông Phan Quốc Anh cho biết.

Là một trong các đơn vị chủ lực vận chuyển cả hàng hóa và hành khách của ngành đường sắt, ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) chia sẻ, doanh nghiệp rất quan tâm mô hình vận chuyển liên vận quốc tế vì đây là hình thức vận chuyển tiên tiến.

Hiện có nhiều mặt hàng đang vận chuyển liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó hàng nhập có sản lượng lớn như: than cốc về Xuân Giao phục vụ cho Nhà máy thép Việt Trung khoảng 200-250 nghìn tấn/năm, phân bón khoảng 250-300 nghìn tấn/năm, hàng xuất có hóa chất khoảng 250-300 nghìn tấn/năm. Hiện Công ty đang tích cực tìm nguồn hàng và đẩy mạnh vận tải container.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haraco cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất là phần lớn các kho hàng tổng hợp đã xuống cấp, không có kho nào đạt tiêu chuẩn để lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao.

Về vấn đề này, lãnh đạo VNR và các đơn vị dịch vụ vận tải đường sắt tìm mọi cách gỡ nút thắt cơ chế để cải thiện sản lượng hàng hóa liên vận tuyến Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc, thậm chí đi các nước thứ ba và tiến tới đưa hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu,...

Để nhanh chóng kết nối, phát triển mạnh tuyến liên vận này, theo Phó Tổng Giám đốc VNR Phan Quốc Anh, hiện đường sắt Việt Nam đang làm việc với  các nước liên quan để thống nhất các giải pháp kỹ thuật kết nối, thông tin, giá cước, biểu phí dịch vụ, từ đó đưa ra sản phẩm chung để công bố đến các khách hàng. Đường sắt Việt Nam cũng đang tích cực tìm các nguồn hàng như phụ tùng ô tô, hàng điện tử, hàng thực phẩm tươi sống.

Thế Anh

Tin khác

Chốt tiến độ nhiều hạng mục 2 dự án trọng điểm quản lý bay khu vực miền Nam

Chốt tiến độ nhiều hạng mục 2 dự án trọng điểm quản lý bay khu vực miền Nam

(CLO) Ngày hôm nay (26/4), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cùng liên danh các nhà thầu đã ký giao ước thi đua với quyết tâm “Vượt nắng thắng mưa - sớm đưa công trình về đích” nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Giao thông
Phạt nguội xe máy: Mục tiêu tốt nhưng nhiều thách thức khi thực hiện

Phạt nguội xe máy: Mục tiêu tốt nhưng nhiều thách thức khi thực hiện

(CLO) Việc phạt nguội xe máy góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn là cần thiết nhưng thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Giao thông
CSGT Quảng Bình 'tung' 100% quân số đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

CSGT Quảng Bình 'tung' 100% quân số đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Đến thời điểm này, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh Quảng Bình đã bố trí 100% quân số trực, sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Giao thông
Kẹt xe 10km trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do tai nạn ô tô liên hoàn

Kẹt xe 10km trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do tai nạn ô tô liên hoàn

(CLO) Vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến giao thông hướng TP.HCM đi miền Tây ùn tắc nghiêm trọng, lượng lớn phương tiện nối đuôi nhau mắc kẹt kéo dài hơn 10km.

Giao thông
Mặt đường đèo Lò Xo nứt toác, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông

Mặt đường đèo Lò Xo nứt toác, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông

(CLO) Đèo Lò Xo là cung đường ám ảnh nhất với cánh tài xế đường dài vì có độ dốc dài, quanh co với nhiều “điểm đen” tai nạn. Nguy hiểm hơn, hiện nay mặt đường đèo còn xuất hiện chằng chịt vết nứt lớn tạo thành những rãnh sâu, sắt thép lộ ra ngoài gây mất an toàn giao thông.

Giao thông