Xã hội

Học phí ngành bán dẫn lên tới gần 95 triệu đồng/năm

Văn Hiền 12/07/2025 12:15

(CLO) Cùng với sức nóng từ chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, học phí của các ngành liên quan đến lĩnh vực này đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của thí sinh và phụ huynh.

Theo công bố từ các trường đại học, mức học phí năm học 2025-2026 dao động từ 18,5 triệu đến gần 95 triệu đồng/năm, tùy vào chương trình và cơ sở đào tạo.

Trong khoảng 25 trường đại học đang trực tiếp đào tạo chuyên ngành liên quan đến bán dẫn như Công nghệ vi mạch bán dẫn, Thiết kế vi mạch, Kỹ thuật vi điện tử, Công nghệ nano, mức học phí phổ biến hiện nay rơi vào khoảng 23-41 triệu đồng/năm, chia làm hai học kỳ.

Học phí thấp nhất thuộc về Hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật Quân sự, ở mức 18,5 triệu đồng/năm đây cũng là năm đầu tiên trường tuyển sinh hệ dân sự trở lại sau 6 năm tạm dừng.

Ở chiều ngược lại, Trường Đại học FPT dẫn đầu về học phí với mức gần 94,8 triệu đồng/năm cho ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại cơ sở Hà Nội và TP.HCM (chia làm 3 học kỳ/năm). Tại các cơ sở khác như Đà Nẵng và Cần Thơ, học phí là 66,36 triệu, còn tại Quy Nhơn (Gia Lai) là 47,4 triệu đồng.

Học phí dự kiến các ngành về bán dẫn ở 17 trường năm học 2025-2026 như sau:

TT
Trường
Ngành/Chương trình đào tạo
Học phí trung bình năm học 2025-2026 (triệu đồng)
1
Đại học Bách khoa Hà Nội
Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano
28-35
2
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chương trình Công nghệ bán dẫn (ngành Khoa học vật liệu)
38
3
Truờng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chuyên ngành Thiết kế vi mạch (ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông)
40
4
Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Công nghệ kỹ thuật chip bán dẫn
58
5
Học viện Kỹ thuật quân sự
- Thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng
- Công nghệ bán dẫn và nano
18,5
6
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Công nghệ vi mạch bán dẫn (ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử)
29,6-37,6
7
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)
Công nghệ vi mạch bán dẫn
56
8
Học viện Kỹ thuật mật mã
Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Hệ thống nhúng và Thiết kế vi mạch)
39,2 (chia trung bình tín chỉ toàn khóa)
9
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM
Công nghệ bán dẫn
34,2
Thiết kế vi mạch
35,5
10
Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM
Thiết kế vi mạch
37
11
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM
- Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành Thiết kế vi mạch số)
- Thiết kế vi mạch
30
12
Đại học Tôn Đức Thắng
Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn)
34,85
13
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng
Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch)
30,9
14
Đại học FPT
Thiết kế vi mạch bán dẫn
94,8 (3 kỳ tại Hà Nội và TP HCM)
66,36 (tại Đà Nẵng và Cần Thơ)
47,4 (tại Quy Nhơn)
15
Đại học Phenikaa (Hà Nội)
Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn)
46,2
Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói
37
16
Đại học Công nghệ Đông Á (Hà Nội, Bắc Ninh)
Công nghệ bán dẫn
23-29 (nếu tính một năm hai kỳ)
17
Đại học CMC
Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn)
40,95 (3 kỳ)

Đây đều là những cơ sở đào tạo có yếu tố quốc tế hoặc chương trình hợp tác nước ngoài, đặc biệt chú trọng đầu tư vào phòng thí nghiệm, thiết bị và đội ngũ giảng viên chất lượng cao.

Không chỉ học phí “leo thang”, yêu cầu đầu vào các ngành liên quan đến bán dẫn cũng ngày càng khắt khe. 8 trường đại học lớn như Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM đã đặt ra mức sàn điểm thi cho thí sinh đăng ký ngành này.

Ảnh màn hình 2025-07-11 lúc 17.46.03
Sinh viên học tập tại phòng sạch, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy

Cụ thể, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc phải chọn tổ hợp có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học Tự nhiên. Tổng điểm ba môn phải đạt từ 24/30 điểm trở lên, trong đó môn Toán phải đạt tối thiểu 8/10 điểm.

Đây là một tín hiệu cho thấy ngành bán dẫn không chỉ đòi hỏi đầu tư tài chính, mà còn yêu cầu rất cao về học lực và tư duy logic của người học.

Sự quan tâm ngày càng lớn đối với ngành bán dẫn không phải ngẫu nhiên. Theo chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được Chính phủ thông qua tháng 9/2024, mục tiêu đến năm 2030 là đào tạo 50.000 kỹ sư và cử nhân trở lên trong lĩnh vực này.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang mở rộng quy mô đào tạo, không chỉ qua các ngành trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua khoảng 75 ngành có liên quan, tập trung vào các nhóm ngành: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; khoa học máy tính, mạng máy tính; vật lý kỹ thuật, cơ điện tử, cơ học tính toán.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và sự quan tâm mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn, việc đầu tư vào ngành học này được xem là “đặt cược” xứng đáng cho tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với đó là mức chi phí không hề nhỏ – điều mà thí sinh và gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn.

Ngành bán dẫn đang được xem là “vàng mười” trong đào tạo đại học nhưng để khai thác được “mỏ vàng” này, người học cần chuẩn bị kỹ cả năng lực học thuật lẫn nguồn tài chính.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Học phí ngành bán dẫn lên tới gần 95 triệu đồng/năm
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO