Học trực tuyến mùa dịch Covid-19: Áp lực không chỉ riêng học sinh

Thứ hai, 30/08/2021 06:25 AM - 0 Trả lời

(CLO) Để thu hút học sinh học online mùa dịch COVID-19 hiệu quả không phải là bài toán đơn giản. Làm sao để việc dạy, học đạt hiệu quả không chỉ là mối quan tâm của ngành giáo dục mà còn là trăn trở của không ít bậc phụ huynh.

hoc truc tuyen mua dich covid 19 ap luc khong chi rieng hoc sinh hinh 1

Học online đã trở thành xu hướng trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua. Ảnh minh họa

"Rào cản" với học sinh lớp 1 khi học trực tuyến

Những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 không khỏi băn khoăn và lo lắng khi các con sẽ phải học online ngay từ buổi đầu tiên của năm học mới do ảnh thưởng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, theo khung thời gian năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9. Đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8, tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các trường tiểu học đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, xây dựng nhiều phương án dạy học online ngay từ buổi đầu tiên của năm học mới, ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

Thế nhưng với những phụ huynh có con vào lớp 1, đây là năm học đặc biệt, chưa từng có từ trước đến nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội có thể kéo dài.

Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 tỏ ra băn khoăn và lo lắng làm sao để các con thích nghi được. Bởi ở độ tuổi của con, cần có sự chỉ bảo, uốn nắn từng nét chữ, chỉnh từng tư thế... Nếu phải học online, tất cả chỉ dừng lại qua lời giảng của cô giáo trên màn hình nhỏ.

Chị Mai Chi (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất lo lắng khi con mình chuẩn bị bước vào lớp 1 mà phải học theo hình thức online. Cháu chưa biết đọc, bút còn chưa biết cách cầm đúng thì học trực tuyến thế nào đây. Chưa kể, thời lượng học của các con trong một ngày kéo dài khoảng bao lâu? Một điều nữa mà tôi rất lo ngại đó là, thời gian ngồi trước màn hình quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, đặc biệt là thị lực".

Trước những bất cập này, chiều 26/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên toàn quốc về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021 - 2022.

Trong đó nhấn mạnh đến việc trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng chống dịch COVID-19, các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể. 

Theo đó, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình.

Lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2.

Các nhà trường phải chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà.

Sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn. 

Tuy vậy, anh Trịnh Dũng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có 1 bé học tiểu học, 1 bé học THCS nên gia đình đã phải chi một khoản không nhỏ trang bị máy tính, loa, tai nghe. Thế nhưng khi hai con học online lại đối diện với không ít khó khăn". 

Được ba mẹ kèm cặp thì kêu bị "canh" nên mất tập trung nghe cô giáo giảng. Khi không có ba mẹ kèm cặp thì vô tư đi lại, ngồi xoay xoay như chong chóng thậm chí làm việc riêng. Để con học hiệu quả người lớn phải cắt cử thời gian ngồi kèm cặp cả buổi.

"Thế nhưng đến giờ học môn Văn, cô con gái thích thì rất muốn học, còn cậu con trai tìm cách trốn tránh, xoay người bỏ đi", anh Dũng kể.

hoc truc tuyen mua dich covid 19 ap luc khong chi rieng hoc sinh hinh 2

Dịch COVID-19 đối với ngành Giáo dục nói riêng sẽ là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi số. Ảnh: TL

Không ít giáo viên còn lúng túng, áp lực khi dạy học online

Mặc dù đã trải qua một năm với nhiều thay đổi, dạy học trực tuyến đã không còn là khái niệm xa lạ trong ngành giáo dục nhưng những khó khăn, thách thức khi triển khai không chỉ có những học sinh, phụ huynh mà còn của các thầy cô.

Nhiều thầy cô giáo cho rằng, một trong những việc khó khăn nhất khi dạy online cho trẻ lớp 1 đó là rèn sự tập trung và nề nếp bởi trẻ vừa ở bậc mầm non lên nên vẫn giữ thói quen cũ, chưa có sự quy củ, tự giác.

Chưa kể với hình thức học online, giáo viên không thể kiểm soát học sinh có thật sự hiểu bài và làm được đúng theo hướng dẫn hay không. Thao tác của học sinh lớp 1 rất chậm, nhiều bố mẹ ngồi cạnh sốt ruột, có thể hỗ trợ hoặc làm hộ.

Áp lực lớn nhất vẫn là trăn trở của giáo viên làm thế nào dạy học trực tuyến đảm bảo được mục tiêu kép giúp học sinh được học tập trong điều kiện an toàn nhưng vẫn đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học là cảm hứng và nhiệt huyết của giáo viên.

Có nhiều việc bi hài khi một số giáo viên còn lúng túng khi áp dụng dạy học với công nghệ. Dù đã được tập huấn khá kỹ nhưng một số giáo viên khi “đứng lớp” vẫn xảy ra tình trạng mất tiếng, mất hình hoặc mất cả hình lẫn tiếng.

 Việc học các kỹ năng thiết kế bài giảng, xử lý công nghệ máy tính cũng khiến cho nhiều giáo viên “toát mồ hôi hột” thời gian dài, nhất là giáo viên lớn tuổi.

Việc quản lý học sinh cũng khiến các thầy cô đau đầu. Nếu ở các lớp học trực tiếp, giáo viên chỉ cần đảo mắt là biết ngay việc học tập của học sinh có nghiêm túc hay không. Nhưng học online, giáo viên phải tập trung máy tính, mở powerpoint vừa giảng bài nên khó có thể quan sát 40 - 50 em học sinh.

Có học sinh lấy lý do nhà hỏng camera, giáo viên càng khó để biết học sinh đó đang làm gì.

Có học sinh dù mở “cam” nhưng vẫn có thể vừa nghe giảng, chat tán ngẫu với bạn, chơi game, xem phim, đọc báo… Việc quản lý này đều nằm ngoài sự quan sát của giáo viên.

Việc tạo các hình huống kích thích sáng tạo cho các em cũng khó thực hiện hơn như trong lớp truyền thống… Khi giảng bài trực tiếp, nhìn vào ánh mắt học sinh, thầy cô sẽ biết được chỗ nào học sinh đã hiểu, chỗ nào chưa để điều chỉnh.

Nhưng online, giáo viên khó làm được điều đó. Tương tác với trò thông qua mạng phần nào hạn chế. Và khi học sinh không hiểu bài, không dám hỏi giáo viên lại càng dễ chán học.

Việc chuyển đổi bài giảng để trình chiếu khiến khối lượng công việc của giáo viên cũng nhiều thêm. Trong buổi học cần làm nhiều hoạt động tương tác khác nhau, xen kẽ cách nhau khoảng 20 phút, bằng cách dùng thêm các ứng dụng online khá phức tạp.

Ngoài việc chấm bài, các giáo viên phải nhanh chóng phản hồi bình luận và trợ giúp về kĩ thuật cho học sinh, phụ huynh qua tin nhắn: Viber, Zalo, Facebook...

Có một thực tế, dạy học trực tuyến tại mỗi trường, giáo viên chủ yếu dựa vào điều kiện của mình mà triển khai. Chính vì vậy, dạy học trực tuyến vẫn bị động, thiếu sự thống nhất về chương trình, nội dung, thời lượng… giữa các địa phương, nhà trường.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1, lớp 2 rất khó khăn. Khó khăn không chỉ dừng lại ở việc các em chưa thành thạo thao tác thiết bị học tập thông minh mà cái khó nhất là học sinh không được giao tiếp trực tiếp để khơi mở kiến thức, cảm hứng học tập.

hoc truc tuyen mua dich covid 19 ap luc khong chi rieng hoc sinh hinh 3

Dạy và học trực tuyến được quan tâm trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Vai trò quan trọng, quyết định của phụ huynh

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đối với học sinh lớp 1, muốn triển khai hình thức dạy học trực tuyến có hiệu quả, việc cần làm đầu tiên là tạo tâm lý thoải mái, giảm áp lực điểm số, thành tích với học sinh.

Ngoài ra, nhà trường, giáo viên cần chủ động, tâm huyết tìm ra nhiều cách thức dạy học phù hợp với học sinh, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh. Với học sinh tiếp thu kiến thức chậm, các cô nên đưa ra cách thức dạy và rèn luyện riêng theo nhịp tiếp thu của các con.

Đồng thời đưa ra nhiều trò chơi để cuốn hút trẻ với bài giảng, huy động cha mẹ học sinh cùng vào cuộc.

Về phía phụ huynh, mỗi gia đình cần cố gắng chuẩn bị đường truyền, trang thiết bị tốt để việc học trực tuyến của các em được ổn định và sẵn sàng khi năm học mới bắt đầu.

Trong quá trình các em học tập, phụ huynh cũng cần để ý, nhắc nhở để các em tập trung tiếp thu bài giảng.

 Đối với những gia đình đang gặp khó khăn về phương tiện học tập, phụ huynh nên trao đổi với nhà trường, giáo viên để tìm được hướng giải quyết phù hợp nhất.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, “sẽ không quá khó nếu như phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, tạo tâm thế vững vàng cho con bước vào năm học đầu đời”.

Cô giáo Lê Thị Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song ngữ Quốc tế Horizon (cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc tinh giản nội dung kiến thức khi dạy học online là điều cần thiết. Bởi lẽ, nếu đưa nguyên chương trình dạy học trực tiếp, học sinh sẽ không thể tiếp thu và khiến các con trở nên mệt mỏi, nhàm chán với việc học.

“Nội dung bài giảng phải được thiết kế đi vào phần kiến thức trọng tâm, đồng thời, phải tăng cường sáng tạo những hoạt động vui chơi trải nghiệm. Tất nhiên, những trò chơi đó cũng phải được xây dựng trên cơ sở nội dung của các môn học.

Khi vừa học vừa chơi, các em sẽ tiếp thu được kiến thức dễ dàng, đồng thời hứng thú với việc học”, cô Giang chia sẻ.

Việc chuẩn bị cho học sinh lớp 1 học online cũng là một khâu đặc biệt quan trọng, đó là sự chuẩn bị về thiết bị, phần mềm, tài liệu và sự chuẩn bị về tâm lý.

Cô Giang cho hay, muốn học sinh lớp 1 làm quen với lớp học online, tuần học đầu tiên nhà trường sẽ không dạy kiến thức mà tổ chức chương trình định hướng cho các em.

Trong tuần học này, học sinh được làm quen với thầy cô, bạn bè, được hướng dẫn sử dụng phần mềm, công cụ bổ trợ cho học online, cách lựa chọn bài học,...

Trước đó, nhà trường cũng đã tổ chức chương trình định hướng cho phụ huynh để bố mẹ đồng hành cùng các con trong quá trình học trực tuyến. Bên cạnh việc hỗ trợ con học tập, bố mẹ nên trò chuyện, chia sẻ để các con có tâm lý học tập thoải mái nhất.

Thủy Tiên

Tin khác

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục
Đào tạo tiến sĩ hiện nay còn có những hạn chế

Đào tạo tiến sĩ hiện nay còn có những hạn chế

(CLO) Trong báo cáo của Ủy ban Văn hoa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn thấp.

Giáo dục
Yên Bái: Tạm đình chỉ cô giáo dùng thước kẻ tác động lên đầu học sinh

Yên Bái: Tạm đình chỉ cô giáo dùng thước kẻ tác động lên đầu học sinh

(CLO) Ngày 22/4, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xác nhận, đã tạm đình chỉ công tác cô giáo trên địa bàn huyện do đã dùng thước kẻ tác động nhẹ lên đầu 1 học sinh.

Giáo dục