Đời sống văn hóa

Hội An công bố quy hoạch tầm nhìn 2050: Hướng đến thành phố sinh thái, di sản và sáng tạo toàn cầu

Kiều Anh 15/04/2025 07:12

(CLO) UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

220250306230146.jpg
Hội An đặt mục tiêu trở thành thành phố sinh thái, sáng tạo và chống chịu biến đổi khí hậu - Ảnh: TL

Đây được xem là một bước chuyển lớn, định vị Hội An trở thành đô thị “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch” đẳng cấp quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế một thành phố sáng tạo trên nền tảng văn hóa và di sản.

Đồ án, do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 497, đặt mục tiêu đưa Hội An trở thành đô thị loại II vào năm 2030, từng bước phát triển đô thị thông minh và bền vững, có khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu. Trọng tâm quy hoạch là gìn giữ di sản, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian du lịch xanh và kết nối chặt chẽ giữa đô thị với thiên nhiên.

Hội An sẽ phát triển dựa trên cấu trúc 7 phân khu chức năng gồm khu đô thị lịch sử di sản, khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa - dịch vụ, khu phát triển mới đô thị và nông thôn, khu dân cư sinh thái đảo, khu đô thị sông nước, khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển và khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển tại xã đảo Tân Hiệp. Trong đó, khu đô thị lịch sử di sản — với diện tích khoảng 388,1 ha — tiếp tục giữ vai trò trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ và là đầu tàu trong chiến lược phát triển kinh tế - đô thị của Hội An.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, thành phố định hướng mở rộng hệ thống du lịch ven sông, tạo thêm những cung đường dạo bộ gắn kết giữa phố cổ và các điểm đến hấp dẫn, đồng thời phát triển các dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí hiện đại nhưng vẫn giữ trọn vẹn bản sắc Hội An.

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo mô hình du lịch sinh thái và du lịch làng nghề, các vùng Cẩm Thanh, Thanh Hà, Cẩm Hà và Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) sẽ trở thành những điểm đến mới, nơi du khách có thể trải nghiệm không gian nông nghiệp xanh, thân thiện và đậm chất địa phương.

Riêng khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tiếp tục được bảo tồn và phát triển bền vững với các hoạt động trồng rừng nguyên liệu, cây gỗ quý, dược liệu dưới tán rừng, rừng ngập mặn và rừng ven biển, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái biển đảo.

ca_ngu_1-_thuyen_cau_ca_ngu_tuy_nho_nhung_hieu_qua_gclo.jpg
Đồ án quy hoạch với 7 phân khu chức năng, trong đó định hướng khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển ở xã đảo Tân Hiệp - Ảnh: TH

Điểm nhấn của quy hoạch lần này chính là việc lồng ghép các giải pháp sống chung với lũ. Thành phố sẽ thiết lập hành lang xanh rộng tối thiểu 10m dọc các tuyến sông, kiểm soát diện tích xây dựng ở các cồn bãi và ưu tiên mảng xanh chiếm 85-90% diện tích.

Cùng với đó, hệ thống cảnh báo thông minh, hồ điều hòa và các kịch bản điều tiết lũ sẽ được tính toán kỹ lưỡng, nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho khu vực phố cổ và các khu dân cư.

Ngoài ra, Hội An cũng đặt mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, chuyển vào cụm công nghiệp Thanh Hà, đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, lắp ráp điện tử... gắn liền với di sản văn hóa và tinh thần sáng tạo của địa phương.

Bản quy hoạch tiếp tục khẳng định tầm nhìn bảo tồn cấu trúc “Vườn trong phố - Phố trong vườn” độc đáo của Hội An, với định hướng rõ ràng cho bốn vùng phát triển: vùng lõi đô thị hiện hữu, vùng phát triển mới, vùng bảo tồn châu thổ sông nước và vùng bảo tồn biển đảo.

Hội An đang sẵn sàng bước vào một chặng đường mới — nơi di sản và sáng tạo hòa quyện, trở thành động lực phát triển bền vững và nâng tầm vị thế trên bản đồ thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch toàn cầu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hội An công bố quy hoạch tầm nhìn 2050: Hướng đến thành phố sinh thái, di sản và sáng tạo toàn cầu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO