“Hội cựu F0” xung phong làm tình nguyện viên hỗ trợ bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP. HCM
(CLO) Không ít F0 khỏi bệnh Covid-19 đã trở thành tình nguyện viên tại chính bệnh viện dã chiến đã chữa trị cho mình, hằng ngày chăm sóc, trò chuyện, động viên các bệnh nhân khác.
"Để không ai phải chịu nỗi đau mất người thân như tôi"
Gần nửa tháng qua, anh Bùi Minh Tài (28 tuổi, nhóm trưởng đội oxy yêu thương quận 9, TP. HCM) hằng ngày chở hàng chục bình oxy miễn phí đến các bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến anh quyết định làm việc này, anh bộc bạch chỉ đơn giản vì mình từng là F0.
Anh Tài chia sẻ thêm, cách đây gần 4 tuần, gia đình anh test nhanh và phát hiện bị nhiễm Covid-19.

Quyết không để thêm một ai trải qua sự mất người thân như mình, anh Tài quyết định tham gia đội oxy yêu thương nhằm hỗ trợ bệnh nhân Covid-19
“Từ 3-5 ngày đầu, tôi bị hành sốt, đau mỏi, khó ăn và bị mất vị giác. Lúc đó tôi và gia đình động viên nhau, cả nhà đều đặn ăn uống đầy đủ, uống thuốc sốt, ho và xông sả, gừng. Ngoài việc chữa trị bằng liệu pháp y tế, tâm lí là thứ không kém phần quan trọng để chiến đấu với căn bệnh này. Tôi nghĩ rằng mình còn trẻ, phải cố gắng lạc quan để có thể lo cho ba, mẹ”, chàng trai 9X nói.
Khoảng 1 tuần sau đó, anh Tài và mẹ tự mua kit test nhanh Covid-19 và nhận kết quả âm tính. Thế nhưng, ba anh không may qua đời.

Anh Tài không ngừng động viện, trò chuyện cùng các bệnh nhân Covid-19
“Tôi nhớ lại khoảnh khắc khi hay tin ba mất, lúc đó đau lòng lắm. Sau khi hết bệnh, tôi nghĩ ngay đến việc đi làm thiện nguyện để không ai phải chịu đựng nỗi đau mất người thân giống như tôi”, chàng trai 9X nghẹn ngào nói.
Theo nhóm trưởng đội oxy yêu thương quận 9, để trở thành một tình nguyện viên chỉ cần có 2 phẩm chất, đó chính là can đảm và tình yêu thương.
Bởi, trong môi trường làm việc sẽ tiếp xúc với rất nhiều F0, chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng và phải xem họ như người thân trong chính gia đình của mình.

Đối với những bệnh nhân chuyển biến xấu, anh và nhóm sẽ gọi xe cứu thương chuyển bệnh nhân đến bệnh viện
“Tôi xem dịch bệnh là một ‘cuộc chiến’, những người trẻ như tôi có sức khỏe, có tuổi trẻ thì nên tham gia thiện nguyện. Điều đó khiến ngày ‘bình thường mới’ sẽ đến nhanh hơn”, anh Tài nói.
Xin làm tình nguyện ngay tại nơi chữa trị cho mình
Tại Bệnh viên dã chiến thu dung 2 (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. HCM), anh Trần Hoài Trọng (23 tuổi) đã tham gia công tác thiện nguyện được hơn nửa tháng.
Trước đó, anh Trọng từng là tình nguyện viên tham gia lấy mẫu cộng đồng tại phường 10, quận 3, TP. HCM. Đến ngày 29/7, anh xin phép địa phương cho test Covid-19 để có thể về với gia đình. Tuy nhiên, kết quả dương tính Covid-19 khiến chàng trai 9X trở nên hụt hẫng.

Trọng cùng một số người khác trở thành tình nguyện viên ngay chính bệnh viện đã chữa trị Covid-19 cho mình
Nhờ sự động viên của gia đình, anh Trọng trở nên lạc quan hơn, nghe theo lời dặn của y bác sĩ, chăm chỉ tập thể dục, ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C trong suốt quá trình điều trị ở Bệnh viện dã chiến thu dung 2.
Nhìn thấy các y bác sĩ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít phải hoạt động xuyên suốt nhiều giờ liền, cũng như hoàn cảnh của nhiều bệnh nhân tại đây, Trọng “nung nấu” ý định một lần nữa trở thành tình nguyện viên sau khi khỏi bệnh.
Đến ngày 9/8, chàng trai 9X và một số bệnh nhân khác nhận được kết quả âm tính với Covid-19. Không ngần ngại, họ lập tức liên hệ, trình bày nguyện vọng được làm tình nguyện viên ngay tại nơi đã chữa khỏi bệnh cho mình.
Thời gian đầu, vì lo lắng nên gia đình không ủng hộ, nhưng sau khi được Trọng thuyết phục, gia đình đồng ý với điều kiện "con phải giữ sức khỏe".

Hằng ngày, Trọng bắt đầu các công việc như phát cơm cho các bệnh nhân, giúp y bác sĩ thay bình oxy, đo SPO2 cho các bệnh nhân
“Trước đây tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân là cô, chú đã lớn tuổi nhưng họ chỉ có một mình, không có ai nương tựa. Nhìn họ như vậy tôi thấy xót lắm nên lúc nào tôi cũng cố gắng trò chuyện, động viên, an ủi họ. Có nhiều hôm tôi còn cùng họ đá bóng trên sân thượng, điều đó sẽ giúp các bệnh nhân trở nên lạc quan hơn”, anh Trọng cười nói.
Từ 7h30 hằng ngày cho đến chiều tối, anh Trọng và các tình nguyện viên khác bắt đầu công việc như phát cơm cho các bệnh nhân, giúp y bác sĩ thay bình oxy, đo SPO2 cho các bệnh nhân. Làm việc xuyên suốt không quản mệt nhọc, anh Trọng chia sẻ, động lực lớn nhất khiến anh tiếp tục hành trình thiện nguyện chính là nhìn thấy các bệnh nhân khỏe mạnh, lần lượt rời khỏi bệnh viện và trở lại cuộc sống.
Bài, ảnh: Thuý Vy