Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn thực hiện đặc xá năm 2025 (đợt 2)
(CLO) Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá vừa ký Hướng dẫn 94/HD-HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN ngày 3/7/2025 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 (đợt 2).
Theo hướng dẫn, đối tượng xét đặc xá gồm:
1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam (phạm nhân).
2. Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Điều kiện được đề nghị đặc xá
Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn về một số quy định tại Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) như sau:
1- Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) là quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá.
Theo quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 Điều 18 Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự thì xếp loại chấp hành án phạt tù quý II vào ngày cuối cùng của tháng 5. Do đó, tính đến thời điểm các trại giam, trại tạm giam họp xét, đề nghị đặc xá, phạm nhân phải có các quý đã đủ thời gian xếp loại được xếp loại khá hoặc tốt đối với từng mức án và thời gian tiếp theo từ ngày 1/6 đến ngày Hội đồng họp xét, đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt.
Đối với phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã trở lại trại giam, trại tạm giam, để tiếp tục chấp hành án, ngoài các quý đã đủ thời gian xếp loại đối với từng mức án trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt còn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc cơ sở y tế điều trị trong thời gian bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận là trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
2. Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Thời gian bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.
Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 12 năm tù, bị bắt ngày 31 tháng 8 năm 2016, tính đến ngày 31/8/2025, Nguyễn Văn A đã thực sự chấp hành được 9 năm, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 3 lần, tổng cộng là 2 năm, thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 1 năm.
3. Đối với quy định về thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác
a. Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc nộp án phí nhưng được Toà án quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí thì cũng đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2).
b. Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) là một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng được coi là đã thi hành xong bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 01 lần, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận. Nếu mới thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người bị hại hoặc của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận thì cũng được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trường hợp khi phạm tội là người dưới 18 tuổi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) mà trong bản án, quyết định của Tòa án giao trách nhiệm thi hành bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác cho bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thì phải có tài liệu để chứng minh bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đã thi hành xong bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, gồm: Các biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện việc này hoặc Quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền hoặc văn bản thỏa thuận của người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người đó về việc không phải thi hành bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, Quyết định của Toà án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận hoặc các văn bản, tài liệu khác thể hiện việc này.
c) Trường hợp người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP.
4. Đối với quy định khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại điểm e khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2), cần căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
Nhân thân, hoàn cảnh gia đình của phạm nhân, nguy cơ gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.
Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân.
Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sau khi có kết quả họp của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá, các trại giam, trại tạm giam gửi danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá về Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá để tổng hợp và đề nghị Công an các địa phương xác minh yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Căn cứ kết quả xác minh của Công an các địa phương, Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp, đề xuất Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, quyết định tại phiên họp Hội đồng tư vấn đặc xá.
5. Trường hợp đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) là các trường hợp được quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP.