Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc quý hàng ngàn năm tuổi ở Hải Phòng

Thứ bảy, 21/12/2019 14:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 21/12, tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc quý hàng ngàn năm tuổi ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng cùng gần 50 nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử, địa chất, khảo cổ và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo sơ bộ của Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Trước đó, trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị.

Đầu tháng 11/2019, Đoàn khảo sát do TS. Nguyễn Gia Đối - Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm Trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2, đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định cho niên đại 1270-1430. Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, ngày 15/11/2019, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ, kết quả khai quật 950m2 với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, theo lời dân địa phương thì có thể là loại gỗ sến nhựa và lim. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5–7m, chiều bắc nam 3,5–5cm; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10–18cm, loại lớn 28–32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37–40cm...

Di tích bãi cọc quý hàng ngàn năm tuổi ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Di tích bãi cọc quý hàng ngàn năm tuổi ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Dựa vào địa tầng có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại của cọc gỗ cho thấy cọc này có niên đại 1.270 – 1.430. Từ các nhận xét trên, có thể thấy rằng các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và thêm vào đó là kết quả xác định niên đại đã cho thấy các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.

Bước đầu Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Một trong số các cọc gỗ cổ hàng nghìn năm tuổi.

Một trong số các cọc gỗ cổ hàng nghìn năm tuổi.

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá cao các công tác khai quật và nghiên cứu rất kịp thời của chính quyền TP Hải Phòng ngay khi phát hiện ra bãi cọc cổ. Dù mới trải qua hai tháng thực hiện nhưng chính quyền TP Hải Phòng cùng các nhà khoa học đã đạt được kết quả rất tốt. “Mới chỉ khai quật gần 1.000m2 nhưng TP Hải Phòng đã phát hiện được một tài nguyên văn hóa vô cùng lớn. Đây là một di chỉ lớn còn nguyên vẹn mà hiếm nơi nào có được” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

PGS.TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

PGS.TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc phát hiện ra ra bãi cọc cổ này sẽ giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng được sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Phát hiện này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế của TP Hải Phòng trong tương lai.

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, việc TP Hải Phòng cần làm ngay là tiến hành các thủ tục để đưa nơi phát hiện bãi cọc cổ vào khu vực kiểm kê di tích. Sau đó, sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo để bảo vệ và bảo tồn di tích này. Ngoài ra, TP Hải Phòng cần làm ngay các biện pháp bảo tồn hiện vật bởi sau khi được đưa ra khỏi môi trường đất, các cọc gỗ rất nhanh bị hư hỏng. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn phát hiện thêm nhiều bãi cọc, hiện vật khác. Từ đó chúng ta sẽ thấy được thêm các giá trị lịch sử của di tích này” – ông Thành nói.

Còn theo GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đánh giá đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng.

GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá đây là một phát hiện vô cùng quang trọng.

GS. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá đây là một phát hiện vô cùng quang trọng.

Ông Giang cho rằng, các nghiên cứu trước đây thường là dự đoán dựa vào các tài liệu không đầy đủ, không chi tiết. Những nghiên cứu về bãi cọc ở Quảng Yên cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà thực hiện ở các lạch triều. Việc này là để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng “hỏa công” tiêu diệt các thuyền chiến của chúng. Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Qua đó, giả thuyết ông Giang đưa ra là trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà nó là một chiến dịch có quy mô lớn với sự đồng lòng của quân triều đình và nhân dân.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đã cảm ơn tình cảm, tâm huyết mà các chuyên gia, nhà khoa học đã dành cho TP Hải Phòng. Ông Thành mong muốn, các nhà khoa học tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng chính quyền TP Hải Phòng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các di tích trên địa bàn.

Ông Thành cũng cho biết, trong thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để hoàn thiện các thủ tục nhằm tổ chức công bố về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, sớm công nhận đây là di tích lịch sử cấp thành phố. Ngoài ra, chính quyền Hải Phòng tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích khác.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng dẫn đầu đoàn đi thực địa tại bãi cọc cổ vào ngày 20/12.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng dẫn đầu đoàn đi thực địa tại bãi cọc cổ vào ngày 20/12.

“Chúng ta cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài. Làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển TP chúng ta, không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc” – ông Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh – Đồng Cương

Tin khác

Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

Gen Z làm gì để giải nhiệt cuộc sống dịp nghỉ lễ?

(CLO) Kỳ nghỉ lễ sắp tới là cơ hội vàng để gen Z nghỉ ngơi sau những áp lực công việc, học tập và giải nhiệt cuộc sống khỏi nắng nóng, oi bức. Mỗi người đều có dự định cho riêng mình để xua tan căng thẳng mệt mỏi, cân bằng cuộc sống.

Đời sống
5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Nắng nóng khắp 3 miền

(CLO) Cơ quan khí tượng ghi nhận kiểu thời tiết nắng nóng và nắng nóng gay gắt phủ rộng khắp cả nước trong kỳ nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, đây là dạng thời tiết hiếm có trong 10 năm qua.

Đời sống
Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Tối 25/4, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức triển lãm “Thanh Hóa - 70 năm với Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống
Nam Định: Tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2024

Nam Định: Tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2024

(CLO) UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phạm Đình Nghị chủ trì hội nghị.

Đời sống
Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an tỉnh Thanh Hóa

Lãnh đạo Bộ Công an gửi Thư khen Công an tỉnh Thanh Hóa

(CLO) Ngày 25/4/2024, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Trưởng Công an TP Thanh Hóa; Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ và môi trường Công an TP Thanh Hóa về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với quy mô lớn.

Đời sống