Hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường"
(CLO) Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Thông tin đáng chú ý này được ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường” vừa được tổ chức tại TP Hải Phòng trong 2 ngày 23-24/7.

Hội nghị tập huấn thu hút sự quan tâm của các phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông.
Theo ông Đoàn Trường Giang, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường. Trong đó có 700 tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
"Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất", ông Trường Giang nói và cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, phát biểu khai.
Chia sẻ với các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cho biết, thông qua các tác phẩm báo chí, Hải Phòng đã tăng cường vận động doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào lối sống “nói không” với rác thải nhựa. Mục tiêu trung hạn 2021-2025 là 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa...), hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần.

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hải Phòng phát biểu chào mừng.
Đặc biệt, lãnh đạo Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cho biết một trong những việc cần làm để đạt mục tiêu này là chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, nêu rõ quan điểm tiếp cận của Luật Bảo vệ Môi trường coi chất thải là tài nguyên, với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững.
Tại nền kinh tế đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải.
Cho rằng người dân đang làm quen với việc “ai xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều”, ông Cao Minh Tuấn dẫn thực tế TP Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo luật Bảo vệ môi trường.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.
Tại Hội nghị tập huấn, các tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về thực trạng ô nhiễm chất thải nhựa; tác hại của chất thải nhựa tới môi trường, đời sống và sức khỏe của con người; được chia sẻ các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến những hành vi gây hại tới môi trường và các giải pháp phòng, chống và hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần.
PV