Hôm nay công bố đồng loạt bộ máy lãnh đạo tại 23 tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập
(CLO) Sáng 30/6, các địa phương trên toàn quốc đồng loạt tổ chức công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và chính quyền địa phương liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới. Đi cùng với đó là việc công bố bộ máy lãnh đạo mới của các tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu sau sắp xếp.

Dự kiến, lãnh đạo cấp tỉnh và cấp xã được công bố bao gồm các chức danh bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch UBND; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND. Nhân sự đoàn đại biểu Quốc hội thuộc 34 tỉnh, thành phố cũng sẽ được thông báo trong ngày.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, cả nước giảm số tỉnh, thành phố từ 63 xuống còn 34. Trong đó, 11 địa phương giữ nguyên hiện trạng gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.
Cùng với đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 3.321 xã, phường, đặc khu trên toàn quốc. Các đơn vị hành chính cấp huyện như thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố và thị trấn sẽ được giải thể theo lộ trình. Tất cả các văn bản nêu trên chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu thời điểm 34 tỉnh, thành phố mới và hệ thống xã, phường, đặc khu đi vào vận hành cùng với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đến nay, toàn bộ các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc công bố danh sách các xã, phường, đặc khu mới sau sáp nhập, đồng thời xác định trụ sở hành chính cấp xã để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trước thời điểm công bố, chiều 29/6, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn khảo sát thực tế tại phường Xuân Hòa, TP.HCM để kiểm tra mô hình vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương hai cấp.
Để bảo đảm thống nhất và đồng bộ trong cả nước, ngày 24/6, Ban Bí thư đã giao Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương triển khai các nội dung công bố. Tỉnh ủy, Thành ủy được yêu cầu hoàn thành thử nghiệm hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Đồng thời, bảo đảm hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận hành thông suốt, chủ động phương án xử lý sự cố kỹ thuật phát sinh.
Về mặt tổ chức, các địa phương phải rà soát, chuẩn bị đầy đủ trụ sở, trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc cần thiết. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải duy trì kỷ cương, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân. Trường hợp thiếu cán bộ chuyên môn ở cấp xã, tỉnh phải bố trí nhân lực bổ sung kịp thời.
Ban Bí thư yêu cầu các địa phương tổ chức lễ công bố kết hợp với hoạt động chào mừng trong không khí vui tươi, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Địa phương có thể tổ chức bắn pháo hoa chào mừng nhưng tuyệt đối không sử dụng ngân sách nhà nước. Việc tổ chức tổng kết, gặp mặt, chia tay, liên hoan, chúc mừng nhận chức, lên chức liên quan đến việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính bị nghiêm cấm.
Để chuẩn bị cho việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp huyện trên tất cả các lĩnh vực. Các nghị định này cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.