Hơn 100 sinh viên ngành báo chí trải nghiệm thực tế tại các tỉnh miền Trung
(CLO) Trong 5 ngày (từ 7-11/7), 117 sinh viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) đã thực hiện chuyến đi thực tế tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Chương trình thực tế nằm trong khuôn khổ đào tạo cử nhân ngành Báo chí do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Mục tiêu của hoạt động nhằm giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp thực tiễn nghề báo tại các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn cả nước.
Đoàn công tác gồm 117 sinh viên cùng 4 giảng viên hướng dẫn, do TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng Bộ môn Quản trị Báo chí và Truyền thông làm trưởng đoàn.
Hiểu nghề từ thực tiễn tại cơ quan báo chí địa phương
Ngay trong ngày đầu tiên, đoàn dừng chân tại tỉnh Nghệ An để thăm và làm việc tại Báo và Phát thanh – Truyền hình Nghệ An cơ quan báo chí địa phương có uy tín, có bề dày hoạt động và đang chuyển mình mạnh mẽ trong xu hướng báo chí số.
Tại đây, sinh viên được giới thiệu về mô hình tòa soạn hội tụ, quy trình xuất bản đa nền tảng cũng như những thách thức đặc thù trong quá trình làm báo địa phương.

Bên cạnh việc tham quan, quan sát trực tiếp hoạt động nghiệp vụ, các em còn được giao lưu, đặt câu hỏi với lãnh đạo các phòng ban chuyên môn và trao đổi nghiệp vụ cùng phóng viên, biên tập viên đang công tác tại tòa soạn.
Những chia sẻ thực tế từ đội ngũ làm báo lâu năm tại Báo và Phát thanh – Truyền hình Nghệ An đã giúp sinh viên có cái nhìn cụ thể hơn về yêu cầu của nghề báo, từ tư duy tổ chức thông tin, xử lý tác nghiệp hiện trường đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong môi trường báo chí địa phương.

Hoạt động tại cơ quan báo chí địa phương là điểm khởi đầu mang tính định hướng, góp phần cụ thể hóa những nội dung lý thuyết được học trên giảng đường.
Khơi dậy ký ức lịch sử qua những điểm dừng mang dấu ấn dân tộc
Chuyến đi không chỉ đơn thuần là dịp học nghề mà còn mang giá trị lớn về giáo dục truyền thống. Đoàn đã đến thắp hương và tưởng niệm tại Ngã ba Đồng Lộc – nơi 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những khoảnh khắc lặng lại trước không gian lịch sử đã giúp sinh viên thấu hiểu sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong việc giữ gìn ký ức dân tộc.
Trên đường vào Thừa Thiên – Huế, đoàn ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, các hoạt động tác nghiệp kết hợp với dâng hương tưởng niệm được triển khai bài bản.
Tại Huế, đoàn dành thời gian tham quan và tìm hiểu hệ thống di tích cố đô, gồm Đại Nội Huế, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ cùng các làng nghề truyền thống như làng hương Thủy Xuân.
Rèn kỹ năng nghề báo từ những không gian văn hóa – di sản
Bên cạnh các nội dung chuyên môn, chuyến đi cũng tạo điều kiện để sinh viên phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức sản xuất, quản lý thời gian và xử lý tình huống trong điều kiện thực tế. Tính chủ động, khả năng phối hợp và sáng tạo là yếu tố được khuyến khích trong toàn bộ hành trình.
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng (Trưởng đoàn) cho biết: “Đây là hoạt động thường niên có ý nghĩa đặc biệt đối với sinh viên năm 2 của Viện. Qua mỗi chuyến đi, các em không chỉ rèn luyện kỹ năng làm nghề mà còn học cách quan sát, thấu cảm và kể chuyện bằng góc nhìn của người làm báo.”

Xuyên suốt hành trình 5 ngày, các hoạt động thực hành nghề nghiệp được triển khai linh hoạt và liên tục. Sinh viên được trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường với đầy đủ các khâu cơ bản: ghi nhanh, phỏng vấn tại chỗ, thu âm, quay video, viết tin bài ngắn, tổ chức nhóm sản xuất nội dung đa phương tiện.

Với mỗi điểm đến, sinh viên được giao đề tài thực hành theo nhóm hoặc cá nhân, kết hợp nhiều kỹ năng từ khảo sát thực địa, ghi hình, viết bài cho đến biên tập và xuất bản thử nghiệm trên nền tảng số.
Từ những điểm đến văn hóa – lịch sử như Đại Nội Huế, lăng Tự Đức, Thành cổ Quảng Trị đến không gian sinh hoạt đời thường như làng hương Thủy Xuân hay chợ Đông Ba, sinh viên tiếp cận đề tài dưới nhiều góc nhìn: văn hóa, du lịch, lịch sử, con người bản địa…

Qua đó, nhiều nhóm đã lựa chọn cách thể hiện đa dạng – từ phóng sự ảnh, podcast, đến vlog du lịch, ký ghi nhanh. Không ít sản phẩm được hoàn thiện và đăng tải trên các nền tảng truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí.
Việc tiếp cận thực tế dưới vai trò người làm báo đã giúp sinh viên chủ động hơn trong tư duy đề tài, xử lý thông tin và hình thành kỹ năng tác nghiệp linh hoạt – điều không dễ đạt được chỉ với bài giảng trên lớp.