Hơn 80 quốc gia hội tụ tại TP.HCM mừng Đại lễ Vesak 2025: Thông điệp từ bi giữa thế giới đầy biến động
(CLO) Sáng 6/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM), Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (ICDV) trọng thể khai mạc Đại lễ Vesak lần thứ 20 năm 2025.
Chủ đề của đại lễ năm nay mang đậm ý nghĩa thời đại: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu chúc mừng. Buổi lễ còn có sự hiện diện của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM và một số địa phương.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 63 tỉnh, thành cùng đông đảo tăng ni, phật tử tiêu biểu dự lễ.
Về phía quốc tế, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka, đại diện Liên hợp quốc, lãnh đạo nhiều quốc gia, các Tăng vương, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo, cao tăng uy tín đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tạo nên một không khí giao lưu văn hóa – tâm linh sâu sắc, đa sắc tộc, cùng hướng về những giá trị phổ quát của Phật giáo.

Tuyên đọc Thông điệp Vesak 2025 tại lễ khai mạc, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng khẳng định đây là dấu mốc đặc biệt của Phật giáo Việt Nam khi lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại TP.HCM, đúng vào dịp cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ngài kêu gọi mỗi phật tử giữ vững tinh thần từ bi, trí tuệ, góp phần thắp sáng thế gian bằng ánh sáng giác ngộ, cùng nhân loại chung tay kiến tạo thế giới hòa bình, an vui, hạnh phúc.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc gia Vesak 2025, nhấn mạnh: Vesak không chỉ là dịp tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật, mà còn là ngày hội tụ văn hóa – tâm linh toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột, bất bình đẳng, chủ đề của Vesak 2025 gửi gắm một thông điệp khẩn thiết và đầy tính nhân văn: lòng từ bi, trí tuệ và tinh thần bao dung là con đường đúng đắn để nhân loại cùng tồn tại và phát triển bền vững.

Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã gắn bó sâu sắc với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, góp phần hình thành bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách văn hóa Việt Nam. Tinh thần dấn thân vì dân tộc, thể hiện qua hình ảnh ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao tăng ni, phật tử qua các thời kỳ, chính là minh chứng sống động cho sức mạnh hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc. Sau 50 năm thống nhất, đất nước Việt Nam đang vững bước trên con đường đoàn kết, bao dung, hướng tới một xã hội hạnh phúc, an lạc, thịnh vượng trong kỷ nguyên phát triển mới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka bày tỏ cảm kích trước lòng mến khách và sự tổ chức chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam – quốc gia ông gọi là “hình mẫu về sự kiên cường và quyết tâm vượt qua hậu quả chiến tranh để vươn lên mạnh mẽ”. Ông nhấn mạnh những giá trị từ bi, nhân ái, hòa bình trong giáo lý Đức Phật ngày càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, trong một thế giới vẫn còn đó những mảnh đời chịu cảnh bất bình đẳng và chiến tranh.

Hòa thượng Giáo sư, Tiến sĩ Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2025. Ông cho rằng nội dung Đại lễ năm nay đã vượt ra khỏi giới hạn tín ngưỡng, tôn giáo, lan tỏa những giá trị toàn cầu phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các thông điệp từ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các nước Ấn Độ, Nga, Campuchia, Thái Lan, Buryatia (Nga), cùng đại diện Phật giáo Trung Quốc, Lào, Myanmar... tiếp tục làm nổi bật ý nghĩa tinh thần và nhân văn sâu sắc của Vesak. Tất cả cùng thống nhất đề cao giá trị của lòng từ bi, đoàn kết, hài hòa giữa con người với thiên nhiên – cốt lõi của triết lý Phật giáo, cũng là chìa khóa để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.