Hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa
(CLO) Chiều 9/5, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh chủ trì đã thông qua Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đào Xuân Yên đã trình bày chi tiết Đề án hợp nhất trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Mục tiêu chính của việc hợp nhất là cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thanh Hóa và đất nước trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, việc này nhằm tổ chức lại các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí thế giới và khu vực, từ đó nâng cao chất lượng thông tin, báo chí và nguồn nhân lực hiện có.
Việc hợp nhất cũng hướng đến bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, giảm đầu mối, tránh trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành chính và thu gọn trụ sở làm việc.
Theo phương án, Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa sẽ hợp nhất thành Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa. Cơ quan này có vị trí, chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân.
Đây sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền báo chí, truyền thông theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Các sản phẩm thông tin của Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa sau hợp nhất bao gồm: các ấn phẩm báo in (Báo Thanh Hoá hằng ngày, cuối tuần, hằng tháng), các kênh phát thanh, truyền hình (Kênh TTV, Kênh Phát thanh 92,3 MHz, ứng dụng truyền hình thông minh) và báo điện tử (Báo Thanh Hóa điện tử, Chuyên trang Văn hóa & Đời sống, Trang Thông tin điện tử chuyên biệt về video), cùng các sản phẩm nội dung số trên các nền tảng trực tuyến.
Về tổ chức bộ máy, sau hợp nhất, cơ quan mới sẽ có Ban Biên tập (Tổng Biên tập và các Phó Tổng Biên tập do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định), 8 phòng và 1 trung tâm, giảm đáng kể so với 20 đầu mối trực thuộc trước đó. Các phòng bao gồm: Văn phòng, Thời sự, Thư ký - Biên tập, Nội dung số, Chuyên đề và Tiếng Dân tộc, Văn nghệ - Thể thao và Giải trí, Kỹ thuật và Công nghệ, Thông tin - Quảng cáo. Trung tâm trực thuộc là Trung tâm Dịch vụ Phát thanh – Truyền hình và Tổ chức sự kiện.
Về cơ chế tài chính, trong năm 2025, cơ quan mới sẽ giữ nguyên cơ chế tài chính như hai cơ quan đang thực hiện. Từ năm 2026, trên cơ sở biên chế và chức năng, nhiệm vụ, Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa sẽ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi sắp xếp, hợp nhất, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm được 1 cơ quan báo chí, giảm 10 phòng trực thuộc và 1 trung tâm, đạt tỷ lệ giảm 60%.
Với sự nhất trí cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông qua Đề án hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh đánh giá, đề án phù hợp với xu hướng phát triển báo chí hiện đại, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện và đồng bộ của Tỉnh ủy đối với hoạt động báo chí của tỉnh. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ hoàn chỉnh đề án để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong hội nghị sắp tới.