Hộp thư giúp mọi người giải tỏa sức ép tâm lý tại Hàn Quốc
(CLO) Ra đời năm 2017 bởi tổ chức phi lợi nhuận Ongi, "Hộp thư Ấm áp" này đã mở rộng với hơn 80 điểm thả thư tại quán cà phê, rạp chiếu phim, công viên, bệnh viện và các trường đại học trên khắp Hàn Quốc.
Trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, nơi liệu pháp tâm lý vẫn bị định kiến, dự án này đang trở thành một giải pháp độc đáo để xoa dịu cô lập tâm lý.
Theo Cho Hyun-sik, nhà sáng lập Ongi, khoảng 30% người gửi thư phản hồi rằng họ tìm thấy sự an ủi khi biết có một nơi sẵn sàng lắng nghe. “Họ cảm nhận được sự ấm áp và kết nối qua những lá thư”, Cho nói.
.png)
Hàn Quốc hiện có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên nước này, theo thống kê năm 2023 từ Statistics Korea.
Kim Hyewon, nhà tâm lý học tại Đại học Hoseo, giải thích: “Ở Hàn Quốc, chuẩn mực về một ‘cuộc sống tốt’ thường xoay quanh ngoại hình, thành tích học tập, năng lực và tài sản. Khi không đạt được những kỳ vọng này, nhiều người cảm thấy thiếu thốn, dẫn đến trầm cảm hoặc lo âu”.
Kim cũng lưu ý rằng định kiến về liệu pháp tâm lý vẫn tồn tại, đặc biệt ở thế hệ lớn tuổi, dù người trẻ ngày càng cởi mở hơn. “Hộp thư Ấm áp là một sáng kiến thông minh, cho phép mọi người mở lòng mà không sợ bị phán xét”, Kim nhận định.
Cách thức của dự án rất đơn giản: viết một lá thư tay chia sẻ khó khăn, bỏ vào phong bì vàng và thả vào Hộp thư Ấm áp. Các tình nguyện viên sẽ thu thập và viết phản hồi cá nhân, dài ít nhất hai trang, mang tính đồng cảm thay vì đưa ra lời khuyên.
Emily Kim, một sinh viên 20 tuổi, chia sẻ: “Khi mới vào đại học, tôi rất căng thẳng vì cảm thấy ngành học không phù hợp và khó xây dựng mối quan hệ mới. Tôi gửi một lá thư mà không kỳ vọng được trả lời. Nhưng rồi tôi nhận được một bức thư dài hai trang từ một người từng trải qua khó khăn tương tự. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình không cô đơn”.
Đối với các tình nguyện viên như Jeong, việc viết thư cũng là một hành trình tự khám phá. “Khi đồng cảm với những khó khăn của người viết, tôi suy ngẫm về trải nghiệm của chính mình. Điều đó giúp tôi trưởng thành hơn”, Jeong nói.
Cho Hyun-sik thành lập Ongi khi còn là sinh viên đại học, với mong muốn tạo ra một “mạng lưới tâm lý” hỗ trợ những người đang chật vật với trầm cảm. Ban đầu, dự án chỉ có vài tình nguyện viên viết thư tại quán cà phê.
Khi thiếu kinh phí, Cho làm việc trong ngành IT ban ngày và viết thư vào buổi tối. Hiện nay, dự án có 800 tình nguyện viên trên toàn quốc, trả lời hơn 20.000 lá thư mỗi năm.
Hàn Quốc, với nền kinh tế phát triển và xã hội công nghệ cao, đang đối mặt với khủng hoảng sức khỏe tâm lý. Theo OECD Health Statistics 2023, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là 25,7/100.000 người, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD (11,3/100.000). Áp lực từ văn hóa thành tích, bắt nạt trực tuyến, và sự cô lập trong xã hội số hóa là những nguyên nhân chính.