Hưng Yên: Chủ động các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, thủy sản mùa nắng nóng
(CLO) Ngành Nông nhiệp tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân không thả rông đàn vật nuôi vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát...
Theo dự báo, năm nay thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao có thể xuất hiện nhiều hơn năm trước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi, là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.
Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển, Nông thôn tỉnh Hưng Yên khuyến cáo, đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông đàn vật nuôi vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát.

Nông dân xã Dạ Trạch (Khoái Châu) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Báo HY
Bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng loại vật nuôi; trồng cây dây leo lên mái chuồng trại hoặc lắp đặt hệ thống phun nước tự động để chống nóng trực tiếp.
Đối với chuồng kín, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời…
Động vật thủy sản là những đối tượng nuôi nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong mùa nắng nóng, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm năng suất và sản lượng.
Do đó, người dân cần chủ động các biện pháp giảm nhiệt cho ao nuôi như: Sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao, thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá.
Duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,2m trở lên; tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.
Đối với cá nuôi trong lồng trên hệ thống các sông, cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa bảo đảm lồng nuôi luôn vững chắc, đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá ra ngoài; hạ thấp lồng nuôi bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 - 3m; dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá...