Hướng dẫn thủ tục làm giấy đi đường đối với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí

03/09/2021 18:21

(CLO) Ngày 3/9, tại buổi họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, sẽ có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường, trong đó phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí thuộc nhóm 4.

huong dan thu tuc lam giay di duong doi voi phong vien bien tap vien ky thuat vien cac co quan bao chi hinh 1

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: minh họa

Cụ thể, nhóm 4 là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.

Về quy trình thực hiện đối với nhóm 4 sẽ có 4 bước gồm:

Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.

Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.

Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.

Bước 4, Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Cũng tại buổi họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân thường xuyên khai báo y tế qua Bluzone và tokhaiyte, nhất là khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở; đồng thời quét mã QRCode khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức để phục vụ công tác truy vết.

Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh Liêm cũng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền các Chỉ thị, Công điện của thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh; trong quá trình thông tin cần tiếp cận các nguồn tin chính thống, các văn bản chính thức được thành phố ban hành; phản bác thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; phản ánh những vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong việc cấp giấy đi đường.

Đối với việc triển khai và vận hành tổng đài 1022, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm, trong ngày hôm nay Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã triển khai thêm 2 nhánh (nhánh 5 giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội; nhánh 6 giải đáp yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực tế cho thấy tổng đài 1022 đã phát huy hiệu quả rất tích cực, chỉ tính riêng nhánh 4 (nhánh kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19) đã tiếp nhận trên 6 nghìn cuộc gọi phản ánh của người dân.

Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển đến các quận, huyện, thị xã để xử lý ngay các vấn đề người dân phản ánh. Đặc biệt, tổng đài 1022 cũng kết nối với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, với trên 300 bác sỹ sẵn sàng giải đáp, tư vấn, hỗ trợ người dân. Người dân khi có biểu hiện ho, sốt hãy gọi đến tổng đài 1022 (nhánh 3) để được tư vấn và hỗ trợ.

Hà Vân

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng dẫn thủ tục làm giấy đi đường đối với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO