Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013

Thứ sáu, 03/04/2015 21:39 PM - 0 Trả lời

Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013

(HNBVN) - Ngày 15/1/2014, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Hà Minh Huệ đã ký văn bản số 01/HD-HĐGBCQG về việc Hướng dẫn Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013. BBT đăng toàn văn Hướng dẫn này.
 
HƯỚNG DẪN
Tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc
dự Giải báo chí Quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013
***
 
Kính gửi: - Chủ tịch Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Thư ký Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam
 
- Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương
 
Thực hiện Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và căn cứ Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia về cơ cấu Giải, Thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia gửi văn bản Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII - năm 2013 tới các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc, các cơ quan báo chí.
 
Cơ cấu Giải báo chí quốc gia Lần thứ VIII năm 2013 gồm 5 loại giải với 11 giải chính thức và Giải phụ do Hội đồng Giải xem xét, như sau:
 
1- Giải Báo in có 3 giải:
 
- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn.
 
- Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận.
 
- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
 
2 - Giải Ảnh báo chí có 1 giải:
 
- Giải Ảnh đơn, Nhóm ảnh, Phóng sự ảnh.
 
3 - Giải Phát thanh có 2 giải:
 
- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, Chuyên đề phát thanh tổng hợp.
 
- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký.
 
4 - Giải Truyền hình có 3 giải:
 
- Giải Tin, phóng sự, ký sự.
 
- Giải Bình luận, giao lưu, toạ đàm.
 
- Giải Phim tài liệu truyền hình.
 
5 - Giải Báo điện tử có 2 giải:
 
- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận.
 
- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
 
Giải phụ: Do Hội đồng Giải xem xét quyết định, tùy tình hình cụ thể.
 
I - Điều kiện dự Giải
 
1- Về tác giả: Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
 
- Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.
 
2- Về tác phẩm: Là tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2013 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên.
 
Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng cần ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
 
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 01/01/2013 mà chưa tham dự Giải báo chí Quốc gia năm 2012 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 01/01/2013 đến 31/12/2013) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải 2013.
 
II - Tiêu chuẩn xét chọn
 
1- Về nội dung:
 
Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong năm 2013; khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán chống lại các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng.
 
Không xét tác phẩm có yếu tố hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
 
2- Yêu cầu về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
 
+ Thông tin chính xác, trung thực, khách quan.
 
+ Nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện.
 
+ Đề cập những vấn đề Đảng, Nhà nước, nhân dân quan tâm, có tính định hướng dư luận cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.
 
+ Tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới phải được cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận đã phát huy hiệu quả trong thực tế.
 
+ Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và khắc phục.
 
+ Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, còn có những ý kiến khác nhau thì phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
 
3 - Hình thức thể hiện
 
a- Đối với báo in, bao gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, ký báo chí, ghi chép, tiểu phẩm báo chí…:
 
+ Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau.
 
b- Đối với báo nói:
 
+ Mỗi tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ.
 
+ Thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
 
+ Ở cả ba loại giải phát thanh, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
 
c- Đối với báo hình:
 
+ Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động.
 
+ Kỹ thuật hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.
 
+ Ở cả ba loại giải báo hình, thời lượng tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
 
d- Đối với ảnh báo chí:
 
+ Tác phẩm ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, được thể hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng.
 
+ Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh về một nội dung đăng báo có nhiều ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử).
 
+ Không xét ảnh ghép, ảnh xử lý bằng vi tính, ảnh phong cảnh.
 
e- Đối với báo điện tử:
 
+ Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in.
 
+ Thể hiện được đặc trưng của báo điện tử.
 
+ Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau.
 
III - Các bước tiến hành tuyển chọn từ cơ sở
 
1- Lập Ban tuyển chọn và xét Giải
 
a - Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố tiếp nhận tác phẩm dự giải ở các Chi hội và lập Ban tuyển chọn từ 7-9 người (riêng các Hội Nhà báo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể nhiều hơn). Thành phần gồm lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, lãnh đạo các cơ quan báo chí và những nhà báo có chuyên môn cao, có uy tín ở địa phương, để tuyển chọn tác phẩm.
 
Các thành viên của các Ban tuyển chọn cần có trình độ nghiệp vụ báo chí đủ năng lực để thẩm định tác phẩm báo chí, có kinh nghiệm tuyển chọn và điều kiện làm việc, tránh cơ cấu theo hình thức. Trưởng các Ban tuyển chọn do Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên chi hội và Thư ký Chi hội trực thuộc phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí chọn cử.
 
b - Các Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội tiếp nhận các tác phẩm dự giải và lập Ban tuyển chọn (từ 3-5 người đối với các Chi hội trực thuộc, từ 5-9 người đối với các Liên chi hội), bao gồm đại diện cấp hội, đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí và đại diện phóng viên, biên tập viên để tuyển chọn tác phẩm gửi Hội đồng Giải báo chí Quốc gia. Những nơi chưa có tổ chức Hội thì cơ quan báo chí tiếp nhận và lập Ban tuyển chọn để tuyển chọn tác phẩm gửi Hội đồng Giải báo chí Quốc gia.
 
2 - Cách thức tuyển chọn:
 
- Tất cả các tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia của các tác giả (là hội viên hay không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam) đều phải thông qua các cấp Hội cơ sở (nơi không có Hội cơ sở thì thông qua cơ quan báo chí ở đó). Hội đồng Giải không nhận tác phẩm dự giải của cá nhân tự gửi đến. Những tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì tác phẩm đăng, phát sóng ở báo, đài nào, tác giả có quyền gửi tác phẩm dự giải thông qua Chi hội hoặc cơ quan báo chí đó.
 
- Riêng đối với Ảnh báo chí: Để khuyến khích và thu hút được nhiều hơn các tác giả, tác phẩm ảnh báo chí, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia chấp thuận các tác giả có thể tự gửi tác phẩm (đủ điều kiện và tiêu chuẩn nêu ở mục I và II) về Ban Thư ký tổng hợp Giải, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở. Số ảnh này không tính vào chỉ tiêu tác phẩm được gửi dự Giải của cơ sở (quy định tại mục 1 khoản IV dưới đây)
 
3 – Tổ chức thực hiện:
 
- Chủ tịch Hội, Liên chi hội (hoặc Thư ký các Chi hội trực thuộc) cùng lãnh đạo cơ quan báo chí phối hợp phổ biến văn bản Hướng dẫn này tới toàn thể các nhà báo, các cộng tác viên, thông tin viên và nhân dân, đăng tải trên các cơ quan báo chí.
 
- Cơ quan Trung ương Hội đăng tải Hướng dẫn này trên hệ thống báo chí, trang web của Hội.
 
- Các tác giả tự chọn, gửi tác phẩm đăng ký dự Giải tới Ban tuyển chọn cơ sở.
 
- Sau khi xem xét, Ban tuyển chọn tiến hành bỏ phiếu kín. Tác phẩm được chọn phải được ít nhất từ 2/3 số phiếu tán thành trở lên.
 
 
 
 Báo Công luận
 
Một tấm ảnh trong phóng sự “Săn cá ngừ trên cánh đồng Trường Sa” đoạt Giải C Báo chí Quốc gia năm 2012 của tác giả Xuân Trường (Báo NTNN). 
 
IV- Quy định về số lượng tác phẩm, tác giả gửi dự Giải
 
1- Số lượng tác giả, tác phẩm:
 
- Mỗi Hội Nhà báo tỉnh, thành phố chọn gửi 25 tác phẩm của 25 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 05 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam). Riêng các Hội Nhà báo Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chọn gửi 60 tác phẩm của 60 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 15 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên). Các Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, TP Hải Phòng chọn gửi 30 tác phẩm của 30 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 07 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên).
 
- Mỗi Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội chọn gửi 30 tác phẩm của 30 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó ít nhất 05 tác phẩm của tác giả không phải hội viên).
 
- Mỗi Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội hoặc cơ quan báo chí (chưa có Chi hội) chọn gửi 09 tác phẩm của 09 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 03 tác phẩm của tác giả không phải là hội viên hoặc không phải phóng viên, biên tập viên trong cơ quan báo chí đó).
 
- Ở những nơi không có đủ số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định trên, không được lấy tác phẩm của hội viên để thay thế.
 
2 - Khi tuyển chọn tác phẩm dự Giải, các Ban tuyển chọn cần lưu ý bảo đảm cân đối số lượng tác phẩm của các loại hình báo chí và các loại giải. Không nên chọn nhiều tác phẩm thuộc một loại hình hoặc thuộc một thể loại.
 
Đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí quan tâm nhiều hơn nữa đến các tác phẩm ảnh báo chí, tác phẩm phát thanh thuộc loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, toạ đàm trên sóng phát thanh.
 
3 - Số lượng tác phẩm dự Giải của mỗi tác giả, nhóm tác giả:
 
Mỗi tác giả hoặc mỗi nhóm tác giả chỉ được chọn gửi 01 tác phẩm dự Giải và mỗi tác giả chỉ được đứng tên ở một tác phẩm hoặc trong một nhóm tác giả (Tác giả là người quay phim, được đứng tên tối đa trong 03 nhóm tác giả).
 
V- Lập Hồ sơ dự Giải gửi về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam
 
Đề nghị các Ban tuyển chọn ở cơ sở hết sức lưu ý các điểm sau:
 
1 - Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm (theo mẫu thống kê danh sách tác giả gửi kèm theo văn bản này).
 
Lưu ý: Hội đồng Giải sẽ không giải quyết các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả hoặc nhóm tác giả đối với các tác phẩm đoạt Giải.
 
2 - Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử, nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài, phải có bản dịch ra tiếng Việt. In bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.
 
3 - Đối với tác phẩm phát thanh, phải ghi lên đĩa CD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.
 
4 - Đối với tác phẩm báo hình, phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.
 
5 - Đối với tác phẩm ảnh báo chí: Cùng với ảnh đã đăng trên báo, tạp chí… phải kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh). Các tác giả gửi thẳng tác phẩm dự giải về Trung ương Hội cũng phải thực hiện đầy đủ quy định này và quy định tại điểm 1 mục V).
 
6 - Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định đã nêu trong Hướng dẫn này.
 
7 - Biên bản tuyển chọn tác phẩm dự Giải:
 
Cần phải ghi rõ danh sách tác giả, tác phẩm, có chữ ký và đóng dấu của cơ sở.
 
8 - Thời hạn gửi tác phẩm dự Giải về Trung ương Hội:
 
Hạn cuối cùng là ngày 31/3/2014 (theo dấu Bưu điện).
 
Theo địa chỉ:
 
Ban Thư ký Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia - Hội Nhà báo Việt Nam
 
59 - Lý Thái Tổ - Hà Nội
 
Ngoài bì ghi rõ: Dự Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII - Năm 2013
 
Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi dự Giải.
 
***
 
Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí cho đăng trên báo, tạp chí, phát trên đài phát thanh, truyền hình và phổ biến sâu rộng văn bản Hướng dẫn này tới các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và nhân dân biết và dự Giải, bảo đảm sự thành công của Giải báo chí quốc gia Lần thứ VIII - Năm 2013.
 
Đề nghị các cấp Hội lưu ý những điểm mới trong cơ cấu Giải và những quy định mới trong Hướng dẫn này để tránh sai sót. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần trao đổi hoặc giải đáp, đề nghị các cấp Hội liên hệ với:
 
Ban Thư ký Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia
 
Điện thoại: (04).38.246.530 - 097.262.8386 hoặc Fax: (04).38.250797
 
Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2014
 
TM. HỘI ĐỒNG GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA
 
Phó Chủ tịch Thường trực
 
 Đã ký
 
Hà Minh Huệ
 
 
 
Nguồn tin: HNBVN

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo