Hướng đi bền vững của cá tra Việt Nam

Thứ năm, 29/03/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những ngày qua, câu chuyện về số phận đối với con cá tra của Việt Nam trở nên nóng hơn khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra từ Việt Nam. Trước quyết định mang tính phi lý này, không ít doanh nghiệp tỏ ra ngán ngẩm và cho rằng, con đường vào Mỹ của con cá tra gần như không còn. Vậy đường đi nào cho cá tra Việt sau phán quyết mang tính “bảo hộ quá mức” của Mỹ?

Con đường hẹp giờ hẹp hơn

Theo quyết định trên của DOC, cá tra từ Việt Nam sẽ bị nâng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/1kg lên mức 7,74 USD/1kg, cao hơn 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 (rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13) trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu. 

Đây cũng là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và chưa từng xảy ra trong lịch sử áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với Việt Nam.

Đánh giá về mức thuế trên, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, đây là mức thuế cao nhất đối với con cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ trước đến nay. Bởi lẽ, hiện mức giá xuất khẩu cá tra vào thị trường này đã là 4-5 USD/kg, nhưng với mức áp thuế hiện nay là gần 8 USD/kg, cao gần gấp đôi mức giá cũ, nếu như tiếp tục đầu tư doanh nghiệp chỉ có lỗ. Tuy nhiên, nếu không đầu tư thì không thể thu hồi vốn, cùng với đó là tình trạng lao động thiếu trong ngành này chắc chắn sẽ tăng cao.

Trước việc quyết định áp thuế chống phá giá với cá tra Việt Nam của Mỹ, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Mỹ. 

Bộ Công Thương cũng cho rằng, mức thuế mà Mỹ đưa ra là “không khách quan và mang tính bảo hộ quá mức”. Bộ Công Thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO và tạo sự công bằng cho tất cả các bên.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, những vấn đề Việt Nam đang gửi kiến nghị đến Mỹ là hết sức hợp lý và có đủ cơ sở cho thấy Mỹ đã áp dụng các điều luật không phù hợp WTO. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, phía Mỹ cần xem xét lại quy định đã ban hành, nếu phía Mỹ không xem xét lại các điều kiện đối với mặt hàng xuất khẩu cá tra của Việt Nam một cách thỏa đáng, thì Việt Nam có thể khởi kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế ở Mỹ.

Báo Công luận
  Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam khốn khổ tìm thị trường mới sau phán quyết của Mỹ.

Con đường nào cho cá tra?

Khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá vào Mỹ là khó tránh khỏi, tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng hơn cả đó chính là đường đi của con cá tra sẽ ra sao sau phán quyết này. Bởi lẽ, hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường mới, thế nhưng điều lo lắng nhất vẫn là những thông tin về thị trường, cùng với độ an toàn của các thị trường mới vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại.

Trước sự điều chỉnh có tính vô lý của Mỹ, thông tin từ VASEP cho biết, hiện một số doanh nghiệp đã có ý định chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường khác như: Trung Quốc, châu Âu… Thông tin trên không phải là không có cơ sở bởi lẽ, theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ cá tra – ba sa lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỉ trọng lên đến 23%. Hai tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng lên mức 23,9% so với cùng kỳ 2017.

Đưa ra nhận định về thị trường mới Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thị trường tiềm năng đối với cá tra Việt Nam, vì đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với mặt hàng thủy sản này, giá cả thuận lợi, vận chuyển dễ dàng và tiết giảm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, sự ổn định của thị trường Trung Quốc, vấn đề kiểm định, xuất khẩu tiểu ngạch, tính rủi do cao… luôn khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, bởi bài học về một số nông sản “được mùa, mất giá” vẫn còn hiện hữu.

Ngoài Trung Quốc, một thị trường tiềm năng khác cũng được các nhà chuyên môn đưa ra đó chính là thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là thị trường miền Bắc. Thực tế cho thấy, năm 2017, cá tra Việt Nam sau thời gian “khủng hoảng” đầu ra mới được Bộ NN&PTNT tổ chức hội chợ “chính thống” giới thiệu sâu rộng loại thủy sản này ở miền Bắc. Tuy nhiên, hiện mức tiêu thụ vẫn chưa thật sự lớn, bởi phần lớn mặt hàng này mới chỉ xuất hiện ở một vài siêu thị như: Fivimart, Big C, Metro…trong khi đó, thị trường bán lẻ miền Bắc vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Đưa ra quan điểm của mình, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Cty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, lâu nay các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư cho xuất khẩu mặt hàng cá tra, trong khi thị trường nội địa lại bỏ ngỏ sẽ dẫn tới nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện các thị trường xuất khẩu ngày càng thắt chặt. Cũng theo bà Hậu, kể từ khi Bộ NN&PTNT kết nối cho các doanh nghiệp đưa cá tra ra miền Bắc, hiện hệ thống siêu thị Fivimart tại phía Bắc đã phân phối một số sản phẩm cá tra như cắt khúc đông lạnh, cá kho tộ... Mặc dù mức tiêu thụ khoảng 5 tấn/tháng, tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng được người tiêu dùng Hà Nội khá yêu thích, điều đó cho thấy tiềm năng là rất lớn.

Việc mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường mới thay vì chú trọng một thị trường truyền thống trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và vấn đề bảo hộ từ các nước liên tục xuất hiện, là việc làm cấp thiết và cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro không đáng có, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần sự tiếp cận thị trường bài bản, quy củ, trong quá trình lưu giữ hồ sơ, quá trình thống kê và tính toán chi phí của chúng ta trong quá trình từ nuôi trồng, đánh bắt cho tới chế biến, bảo quản và phân phối thủy sản...

Để đáp ứng được yêu cầu trên, các doanh nghiệp phải có sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cơ quan hiệp hội và kể cả các cơ quan địa phương. Đặc biệt, cần hết sức coi trọng vấn đề truyền thông, bởi đây là kênh quan trọng không chỉ giúp các doanh nghiệp nắm rõ được yêu cầu của thị trường, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trình giới thiệu, quảng bá về quy trình đánh bắt và chế biến thủy hải sản một cách hết sức hợp quy định, khoa học, đảm bảo an toàn…

Đắc Nguyên - Tuấn Kiệt

Tin khác

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”

(CLO) Ngày 16/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”.

Tài chính - Bảo hiểm
Imexpharm (IMP) lãi kỷ lục, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%

Imexpharm (IMP) lãi kỷ lục, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%

(CLO) CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Công ty dự định chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
Haxaco (HAX) lợi nhuận Quý 1 tăng vọt, vẫn chậm kế hoạch năm 2024

Haxaco (HAX) lợi nhuận Quý 1 tăng vọt, vẫn chậm kế hoạch năm 2024

(CLO) Sau một năm kinh doanh khó khăn, lợi nhuận Quý 1/2024 của Ô tô Hàng Xanh - Haxaco (HAX) đã có sự tăng trưởng trở lại.

Tài chính - Bảo hiểm
NHNN kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp thông quan nhập khẩu vàng

NHNN kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp thông quan nhập khẩu vàng

(CLO) NHNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

Tài chính - Bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.200 tỷ đồng trong phiên 15/4

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.200 tỷ đồng trong phiên 15/4

(CLO) Đây là lần bơm ròng tiền mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây của Ngân hàng Nhà nước vào thanh khoản hệ thống với 24.200 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm