Cảnh trong vở Nguyễn Công Trứ của Nhà hát chèo Hà Nội. Ảnh: M.H
Sáp nhập làm mất đi đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp?
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của các đơn vị nghệ thuật truyền thống có thể thấy, từ khi được thành lập (1954), suốt một thời gian dài, nhiều tỉnh/thành tồn tại 4 đến 5 đơn vị nghệ thuật với hàng trăm nghệ sỹ diễn viên (ví dụ: Thanh Hóa: 05 đoàn, Thái Bình: 04 đoàn…).
Ngoài việc phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, các đơn vị này còn hướng tới mục tiêu quan trọng trong thời chiến là tuyên truyền đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, ca ngợi và động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp cho quá trình đấu tranh giải phóng và thống nhất dân tộc. Phải nói là nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của nó trong thời gian trước năm 1975.
Tuy nhiên, sau thời hoàng kim là thời kỳ hoạt động kém hiệu quả cùng với với sự bất cập ngày càng nhiều hơn của cơ chế bao cấp. Bắt đầu từ sau năm 1986, Công cuộc đổi mới của nước ta đã đặt ra những thử thách mới, nhiệm vụ mới cho các đơn vị này và chủ trương xã hội hóa, sáp nhập các đơn vị nghệ thuật đã bắt đầu khi đó.
Hiện nay, việc này đang thực hiện khá mạnh và nhanh khi Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành.
Nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành giảm số lượng đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như: Thanh hóa sáp nhập 05 đoàn Ca múa và Kịch, Tuồng, Chèo, Cải Lương vào thành 02 đơn vị là Nhà hát Lam Sơn và Nhà hát nghệ thuật truyền thống; Lạng Sơn sáp nhập Đoàn Ca Múa Kịch vào Trung tâm văn hóa thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật; Nam Định sáp nhập các đơn vị nghệ thuật đưa về Trung tâm văn hóa; Hà Tĩnh sáp nhập Đoàn Cải lương Bông Sen Trắng với Đoàn Kịch dân ca Nghệ Tĩnh … nhiều tỉnh, thành phố khác cũng cơ bản thực hiện theo lộ trình tương tự.
Tuy nhiên, khi việc xã hội hóa và sáp nhập diễn ra đồng thời ở các địa phương, đã dẫn tới thực trạng, nhiều tỉnh, thành phố không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nữa. Điều này xảy ra khi địa phương đó xác định không có loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nào cần duy trì với tư cách một đơn vị độc lập.
Mặt khác, cơ chế tự chủ cũng khiến các đơn vị nghệ thuật truyền thống rơi vào tình trạng khó có thể sống tốt nếu chỉ trông vào doanh thu biểu diễn, khi mà vé bán ra để xem cải lương, tuồng, chèo nếu may mắn bán hết cũng chỉ đủ chi phí điện nước, phục trang, bồi dưỡng diễn viên, không còn nguồn tích lũy để tái đầu tư nghệ thuật.
Cảnh trong vở Nguyễn Công Trứ của Nhà hát chèo Hà Nội. Ảnh: M.H.
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng cách nào?
Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh sáp nhập và xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật hiện nay là việc làm khó khăn và cần sự đầu tư, quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo các địa phương.
Đồng thời, phải làm một cách chuyên nghiệp, lựa chọn ra những loại hình nghệ thuật đặc trưng của từng địa phương để từ đó có những giải pháp cụ thể.
“Phải có những chính sách đặc thù trong tuyển sinh, bởi bản chất nghệ thuật truyền thống là truyền nghề nên phải có lực lượng kế cận để tiếp nhận. Mặt khác, các môn nghệ thuật truyền thống trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay không đủ hấp dẫn đối với sinh viên nên cần phải có những chính sách và sự bảo trợ của Nhà nước” - ông Vương Duy Biên chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lâu năm về nghệ thuật truyền thống, PGS.TS Đinh Quang Trung, Viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh cho biết, trong quá trình hội nhập và cạnh tranh, muốn tồn tại và phát triển, không có cách nào khác, các đơn vị nghệ thuật phải bứt phá vươn lên khẳng định mình bằng chính những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không chỉ là “bảo bối” mang lại thu nhập, thương hiệu, mà dường như còn tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tạo và sức sống cho nghệ sĩ, cũng như đơn vị nghệ thuật.
Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng, cũng như mức đầu tư kinh phí. Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được.
Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.
Từ một góc nhìn khác, NSND Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai cho rằng khi sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, ngoài việc Nhà nước quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, địa phương cũng phải chú trọng đến công tác cán bộ, phải lựa chọn những người lãnh đạo có năng lực, có tâm, tầm và có khả năng bao quát các lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách.
Có như thế, mới không làm mất đi tính chuyên môn và loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu tại địa phương.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống kén khán giả, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng lộ trình, cơ chế đặc thù và dành thời gian hợp lý để các đơn vị có được sự chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trước khi tự chủ hoàn toàn.
Mặt khác, Trung ương và địa phương phải căn cứ vào các văn bản pháp lý đã ban hành như Luật Di sản văn hóa, Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 để xây dựng đề án bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống.
Hằng Minh