Huyện Hữu Lũng là một địa phương thuộc vùng núi của tỉnh Lạng Sơn, địa hình được phân chia rõ giữa vùng núi đá vôi ở phía Tây Bắc và vùng núi đất ở phía Đông Nam. Phần lớn diện tích ở vùng núi đá vôi có độ cao 450 - 500m và ở vùng núi đất có độ cao trên dưới 100m so với mặt nước biển.
Có diện tích núi đá vôi lớn, nên việc khai thác nguồn khoáng sản này để phát triển kinh tế của huyện từ lâu được coi là một lợi thế. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tràn lan đã dẫn đến những hệ lụy rất lớn về giao thông và ô nhiễm môi trường.
Quanh năm sống trong sợ hãi
Chục năm qua, nhiều hộ dân ở thôn Gốc Me, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng luôn phải chịu đựng tiếng mìn nổ để khai thác đá của các doanh nghiệp. Không chỉ gây tiếng ồn, tình trạng nổ mìn khai thác đá hàng ngày còn làm ô nhiễm môi trường nặng do bụi đất, đá, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.
Trưa ngày 29/10, tuy là vào chủ nhật nhưng khi chúng tôi đến thôn Gốc Me, khu vực gần mỏ đá Ao Ngươm (của Công ty CP ACC-78) thì cả một khu vực rộng lớn bị bao phủ bởi bụi trắng xóa, ngột ngạt. Con đường dẫn vào bãi khai thác đá cũng đầy ổ voi, ổ trâu do xe vận chuyển đá làm hư hỏng.
Phá núi khai thác đá tại huyện Hữu Lũng khiến cả một vùng rộng lớn bị khói bụi bao trùm. Ảnh chụp trưa ngày 29/10
Đứng từ xa cũng có thể thấy rõ mức độ ô nhiễm ở đây thế nào. Ảnh chụp trưa ngày 29/10
Khói bụi xuất hiện ở khu vực mỏ Ao Ngươm của Công ty CP ACC-78
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân thôn Gốc Me than thở: “Dân ở đây khổ lắm! Hàng ngày chúng tôi phải chịu đủ thứ khói bụi từ các mỏ đá. Bàn ghế, nhà cửa ngày nào cũng lau chùi mấy lần nhưng chỉ được một lúc là bụi lại bám một lớp trắng xóa. Nhiều nhà phải lấy bạt che chắn trước cửa nhưng cũng cũng ăn thua”.
Chị Phạm Thị H. (ở địa phương) phàn nàn: Gần chục năm nay người dân sống gần mỏ đá Ao Ngươm luôn bị tra tấn bởi tiếng nổ khai thác đá và bụi đá. Do ô nhiễm quá nên nhiều gia đình có con nhỏ phải đi ở nhờ để tránh bụi bặm.
“Mỗi khi nổ mìn phá đá là toàn bộ khu vực xung quanh mỏ đá bị rung chấn mạnh, nhà cửa rung lên bần bật, thôn xóm chìm trong khói bụi, dọn cơm ra phải ăn vội không bụi bám đầy thức ăn. Dân kêu mãi mà chẳng giải quyết được gì”, chị H. chán nản nói.
Người dân phải lấy bạt che chắn quanh nhà để hạn chế bụi
Theo người dân địa phương, do thường xuyên hít phải bụi bẩn nên nhiều người già và trẻ em ở quanh các mỏ đá hay bị mắc các bệnh về hô hấp. Để hạn chế bệnh tật, những đối tượng này rất ít khi ra ngoài đường. Nếu buộc phải ra ngoài thì họ đều được bảo hộ kín mít từ đầu đến chân.
Bác Tiến, một người dân Hữu Lũng bày tỏ: “Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hãy một lần đến khu vực gần các mỏ đá ở đây để thấy được cuộc sống của chúng tôi khốn khổ như thế nào”.
Theo tìm hiểu của PV, huyện Hữu Lũng đang có gần 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ được cấp phép hoạt động khai thác mỏ, chế biến đá vôi, khai thác tận thu các loại quặng… Người dân nhiều lần bức xúc, kêu cứu với chính quyền địa phương. Còn chính quyền địa phương thì làm văn bản kêu cứu lên cấp trên… nhưng cả chục năm nay tình trạng đâu vẫn hoàn đấy.
“Đụng đâu, sai đó”
Cuối năm 2016, Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng tại tỉnh Lạng Sơn. Về hoạt động khai thác đá, qua thanh tra 60 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện có 8 mỏ đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa có quyết định đóng cửa mỏ, trong đó, 4 mỏ quá thời hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản, chưa khai thác.
Nổ mìn khai thác đá tại núi Cai Kinh, Lạng Sơn
Đáng chú ý, trong 36 mỏ đang hoạt động thì hầu hết các đơn vị này chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến mỏ đá. Trong đó, một số đơn vị đang hoạt động khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về thuê đất khu vực khai thác và chế biến; chưa có văn bản xác nhận đã thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
Một số đơn vị chưa hoàn thành việc xây dựng cơ bản mỏ đã thực hiện khai thác dẫn đến khai thác sai thiết kế đã được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Theo đó, vi phạm chủ yếu là khai thác không tạo tầng, góc nghiêng sườn tầng khai thác lớn hơn quy định, vi phạm về chiều cao tầng khai thác, còn nhiều đá treo nhưng chưa được xử lý triệt để có nguy cơ sạt lở.
Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ một số đơn vị như: Công ty TNHH Anh Thắng, Công ty CP đầu tư Khoáng sản và than Đông Bắc, Công ty TNHH khoáng sản Minh Long… được cấp giấy phép khai thác nhưng gần 4 năm chưa thực hiện xây dựng mỏ cơ bản, không có hoạt động khai thác mà không vì lý do bất khả kháng nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn chưa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát để thu hồi theo quy định.
Không chỉ vậy, hoạt động khai thác mỏ đá và vận chuyển đá ở một số nơi như tại huyện Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng cũng ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm nứt nhà cửa của nhân dân và phá nát đường giao thông. Mặc dù người dân kiến nghị nhiều lần những vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thiếu trách nhiệm
Qua đó, Đoàn thanh tra xác định, trách nhiệm để xảy ra hàng loạt những sai phạm trên trước hết thuộc về các đơn vị vi phạm, tuy nhiên, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc chưa phát hiện kịp thời và xử lý theo quy định.
Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, UBND tỉnh Lạng Sơn chưa tổ chức lập, trình HĐND cùng cấp thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường thẩm quyền cấp phép theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 2, Quyết định 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.
Cấp phép khai thác đá tràn lan, phá vỡ cảnh quan bên Quốc lộ 1A
Việc các cơ quan chức năng cấp phép khai thác đá cho các đơn vị kể từ ngày 01/07/2011 sau khi Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực đến thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường ngày 30/8/2016 (tại quyết định số 37/2016/QĐ-UBND) trong khi chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ dựa trên quy hoạch phát triển VLXD là chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Khoáng sản.
Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển VLXD được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chưa phù hợp với nhu cầu đến năm 2016 về dự báo nhu cầu đá xây dựng dẫn tới quy hoạch đã vượt quá lớn so với nhu cầu thực tế, công suất đã cấp phép vượt 227% và công suất quy hoạch vượt 522% so với nhu cầu thực tế đến năm 2016.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cung cầu, hiện nay hầu hết các đơn vị sản xuất cầm chừng, chưa hiệu quả, nợ tiền cấp quyền khai thác rất lớn… Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt tại Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 có nhiều thiếu sót như: Quy hoạch mới công suất một số mỏ giai đoạn năm 2016 đến năm 2020 chưa đảm bảo công suất tối thiểu quy định tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung quy hoạch thăm dò chưa đánh giá sự phù hợp với chiến lược khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí bảo vệ cảnh quan đối với việc khai thác đá của các mỏ hai bên đường Quốc lộ 1A.
VIẾT CƯỜNG