Với nhiều lớp sinh viên báo chí, nhà báo trẻ sau này, cố nhà báo Hữu Thọ không chỉ là một nhà báo lớn mà còn là một người thầy dạy nghề. Nhưng điều đáng trân trọng nhất là người thầy ấy không chỉ dạy họ những kinh nghiệm mà còn cả đạo đức làm nghề. Có thể thấy rõ điều này trong nhiều cuốn sách của ông. Trong “Đối thoại” - cuốn sách phản ánh nhiều vấn đề nóng hổi của dư luận và xã hội, từ những chiêm nghiệm của bản thân, ông cho rằng nhà báo muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội nảy sinh hàng ngày trong đời sống dân chúng.
Nhưng để làm được như thế, rất cần nếu không muốn nói là phải: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, coi đó như một điểm tựa nghề nghiệp cần thiết. Và trong cuốn “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” xuất bản năm 2001, cố nhà báo Hữu Thọ đã nói sâu về điều này, xem như đó là những lời nhắn nhủ tâm huyết của một người làm báo đi trước với các thế hệ sau. Giải thích về tựa đề của cuốn sách, nhà báo Hữu Thọ đã khẳng định: Nhà báo cần phải có “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, nghĩa là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp. Và: “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy. Sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo”.
Ông nhắn nhủ: Dao găm có lúc liền thương tích - Lời nói theo nhau hận suốt đời. Nói vậy để cân nhắc trước ngòi bút. Tôi nghĩ rằng: Viết khen hay chê một ai thì chúng ta cũng nên làm một phép hoán vị, đặt mình vào vị trí người đó, ngòi bút sẽ đằm hơn. Khen thì hãy chân thành, không nịnh bợ, cũng không làm ra kiểu ban phát như người trên khen kẻ dưới. Chê ai thì cũng đừng dập vùi, mạt sát ; Khi viết về cái ác, lòng ta phải đầy thiện, văn chương chữ nghĩa phải sống với đời bằng tình yêu thì mới lâu bền ...
Cái tâm, lòng chân thành, sự trung thực giúp cho nhà báo định hướng ngòi bút. Trong nghề buôn, đừng bao giờ đi buôn chữ. Có thể trong xã hội, nhiều người muốn mua nhà báo. Nhưng ta nhất định không bán thì chẳng ai mua được.❑
[su_note note_color="#b6fc5c" text_color="#020202"]Cố nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Ông làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957 là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Sau này ông là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Quốc hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Dấu ấn trong sự nghiệp tư tưởng của nhà báo Hữu Thọ được ghi qua các giải thưởng: ngoài 8 giải Nhất do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng với tư cách là nhà báo, ông còn được giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), Bằng Danh dự và Huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huân chương kháng chiến hạng nhất; Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”; Huy chương “Vì sự nghiệp báo Nhân Dân”.[/su_note]
Hà Hồng