Huyện Cần Giuộc, Long An: Nỗ lực để đổi thay

03/04/2015 18:09

Huyện Cần Giuộc, Long An: Nỗ lực để đổi thay

(NB&CL) - Cần Giuộc được biết đến là một vùng đất nghèo, với đa số nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng anh dũng, kiên cường trong cách mạng. Giờ Cần Giuộc có khác?

 Thuyền bè tấp nập qua lại tại Cần Giuộc - Ảnh: Báo ảnh TTX Việt Nam

Từ TP.HCM, theo quốc lộ 50 về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đường đã thênh thang, rộng rãi. Sau hơn 20km đi đường, vùng đất nổi tiếng với tác phẩm bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi, với sự trù phú, những sự thay da đổi thịt đã làm bao người con Cần Giuộc, hay khách đi qua ngỡ ngàng.

Nông nghiệp vẫn là nội lực chính

Về cái tên khá lạ tai “Cần Giuộc”, trong tư liệu Le Cisbassac (Miệt Tiền Giang) là di cảo của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) có giải thích rằng, Cần Giuộc theo ngôn ngữ Môn-Khmer gọi là Srôk Kantuôt, mà Srôk Kantuôt dịch sang tiếng Việt là “Xứ cây chùm ruột”, bởi theo người dân Cần Giuộc thì trước kia nơi đây trồng rất nhiều cây chùm ruột.

Cây chùm ruột giờ ít còn ở cả Cần Giuộc và các tỉnh miền tây, thay bằng những ruộng lúa tít tắp. Nông nghiệp bao năm qua vẫn là một trong những thế mạnh chính của huyện từng là đất thuộc Gia Định xưa này.

Theo báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 của UBND huyện Cần Giuộc, nghề nông đã và đang có nhiều khởi sắc: Sản lượng lúa tăng 30% so cùng kỳ năm 2013; Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại giảm 131,7 ha so cùng kỳ… Trong năm 2014, tổng diện tích lúa gieo trồng 11.640 ha, đạt 108,5% kế hoạch, năng suất bình quân 42,9 tạ/ha, tăng 9 tạ/ha so cùng kỳ với tổng sản lượng 49.953 tấn, tăng 30% so cùng kỳ.

Ở Cần Giuộc hôm nay, những các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” đã được xây dựng nên ở các xã Long Phụng, Đông Thạnh, giúp năng suất bình quân đạt trên 40 tạ/ha. Riêng cánh đồng mẫu lớn cho sản lượng đến 260 tấn với năng suất bình quân lên đến 52 tạ/ha.

Cần Giuộc cũng nức tiếng cả nước về dưa, với 2.365 tấn dưa hấu và 140 tấn dưa gang, giá bán dưa hấu và dưa gang tương đối ổn định trong năm qua đã giúp bà con nơi đây thu lợi nhuận lớn, từ 50 đến 180 triệu đồng/ha…

Theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2015 của UBND huyện Cần Giuộc, sản lượng lương thực (lúa): 43.000 tấn/năm, sản lượng rau màu: 125.000 tấn/năm, sản lượng tôm: 5.500 tấn/năm và đẩy mạnh các công tác xây dựng đầu tư nông thôn mới. Về sản xuất công nghiệp, huyện cho biết sẽ phấn đấu tổng giá trị sản lượng trong năm tới đạt 8000 tỷ đồng.

Cả huyện bây giờ, xuất hiện nhiều trang trại gia cầm, gia súc, các đầm thủy hải sản, các ruộng rau xanh mướt, an toàn… Nghề nông, kinh tế nông nghiệp đã và đang được huyện Cần Giuộc đẩy mạnh để phát triển căn cơ, bền vững.

Xoay làng ra phố

Ngoài các thành tựu đáng ghi nhận về nông nghiệp trong năm 2014, các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, tài chính.. các công tác tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, giao thông cũng có nhiều bước tiến đáng kể. Đặc biệt, UBND huyện đã công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ Đề án công nhận thị trấn Cần Giuộc mở rộng đạt chuẩn đô thị loại IV, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.. Với các đề án quy hoạch này, Cần Giuộc hứa hẹn sẽ có nhiều khả năng thu hút nguồn đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các công tác an sinh xã hội, văn hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh. Trong năm 2015, toàn huyện sẽ phủ hệ thống điện nước sao cho 100% dân cư có điện sinh hoạt, 100% khu dân cư đô thị có nước sạch.

Với mục tiêu phát triển đô thị Cần Giuộc thành khu đô thị vệ tinh của TP.HCM, nhiều dự án đầu tư, các công trình đô thị đang được thực hiện nhằm kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu cụm-công nghiệp theo hướng ngày càng nâng cao trình độ công nghệ, đa dạng hóa lĩnh vực-mặt hàng thân thiện với môi trường. Định hướng phát triển này của Cần Giuộc đã được các lãnh đạo Trung ương và địa phương, những người con Cần Giuộc nhất lòng ủng hộ.

Nói về sự chuyển mình nhanh chóng này, lãnh đạo UBND huyện cho rằng, đó là công sức và tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Giuộc, nhận được nhiều sự tương trợ, giúp đỡ. Trong quá trình chuyển mình, cũng có những hạn chế, thiếu sót, nhưng vượt lên trên tất cả là tâm huyết của huyện đã được đặt ra: Làm sao để Cần Giuộc trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM; Làm sao để đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên một tầm cao mới; Làm sao để phát triển bền vững, thân thiện… đã luôn nhận được sự ủng hộ, đồng cảm của các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh.

Đó cũng là động lực, là tiềm lực to lớn để Cần Giuộc chuyển mình, cất cánh.

Giang Tuấn

Cần Giuộc nằm phía Đông tỉnh Long An, diện tích tự nhiên 210.1980 km vuông, dân số trung bình 169.020 người.

Vùng đất Giuộc trước thuộc đất Gia Định xưa, là nơi hình thành nước Phù Nam vào thế kỷ thứ nhất và bị Chân Lạp chinh phục vào thế kỷ VI. Tới năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam kinh lý, địa bàn Cần Giuộc chính thức thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định.

Năm 1832, vua Minh Mạng chia Gia Định thành 6 tỉnh - “Lục tỉnh Nam Kỳ”, gồm: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì địa bàn Cần Giuộc nằm trong huyện Phước Lộc, thuộc phủ Tân An, tỉnh Phiên An (tỉnh Phiên An sau này lại được đổi tên thành Gia Định).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Huyện Cần Giuộc, Long An: Nỗ lực để đổi thay
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO