Huyện Con Cuông, Nghệ An: Công chúa xinh đẹp chờ được đánh thức (Kỳ 1)

03/04/2015 21:51

Huyện Con Cuông, Nghệ An: Công chúa xinh đẹp chờ được đánh thức (Kỳ 1)

(Congluan.vn) – Chúng tôi về huyện miền Tây xứ Nghệ Con Cuông vào những ngày cuối năm 2014, thời điểm mà nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức nơi đây đang hội họp, cùng nhau nhìn lại một năm qua xem mình đã làm được gì ? Chưa làm được gì? Vì sao ?…

Đến Con Cuông, gặp và tìm hiểu về con người, thắng cảnh nơi đây, có lẽ ai ai cũng sẽ thấy có gì đó nuối tiếc…

Tiếc cho một bức tranh tuyệt đẹp

Con Cuông nằm ở phía tây Nghệ An, phía Tây giáp huyện Tương Dương, phía Đông Bắc giáp huyện Quỳ Hợp, phía Đông Nam giáp huyện Anh Sơn và dãy Trường Sơn trùng điệp (bên Tây Trường Sơn là nước bạn Lào). “Cái lưng” của Con Cuông là dãy Trường Sơn với nhiều dân tộc chung sống, nhiều tài nguyên quý giá.

Hiện nay Con Cuông có 13 đơn vị hành chính cơ sở là: Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Cam Lâm, Bình Chuẩn, Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn và thị Trần Con Cuông. Huyện cũng là nơi cư trú của bốn tộc người là: Kinh, Đan Lai- Lý Hà (Thổ), Thái và Hoa.

Về cái tên Con Cuông nghe “là lạ” này, PGS Ninh Viết Giao – nhà Nghệ học số một Việt Nam đưa ra tư liệu điền giã với 03 ý kiến: Thứ nhất, theo lý giải của người Kinh, đây là vùng có nhiều chim Cuông (Công). Chim Cuông thường đậu trên những cồn, đồi ở vùng Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê mà chủ yếu bên sông Lam gần lèn Chùa ở ngay thị trấn Con Cuông bây gìơ nên gọi là Cồn Cuông, gọi chệch âm là Con Cuông. Thứ hai, Con Cuông chính là Cón Cuổng, tên một nhánh sông ở phía hữu ngạn sông Lam nhưng sông nào mang tên Cón Cuổng cũng còn phải tìm hiểu. Người Kinh nghe tiếng Thái lớ lớ Cón Cuổng thành Con Cuông . Thứ ba, Con Cuông là Cón Cuống. Cón là nhánh nước, cuống là phía trong. Xưa còn gọi là Mường Cuống, tức là Mường ở phía trong, đối ứng với mường ở phía ngoài gọi là Mường Nọc – một cách lý giải được xem là “xuôi tai”.

Nhìn Con Cuông từ xa, tất cả được bao phủ bởi một bức thảm xanh lô nho núi cao núi thấp, tô điểm cho bức tranh là dòng sông Lam xanh vắt lững lờ trôi mùa nước cạn.

Cũng vì nhiều cây, nhiều núi, nên Con Cuông nổi tiếng là “giàu vì gỗ”, được ví là “kho vàng xanh” với nhiều lạo gỗ như lim, dổi, sến , táu, vàng tâm, săng lẻ, kiền kiền, vàng chanh, chò chỉ,… đáng chú ý là sa mu, pơ mu, lát hoa.

Tuy nhiên, hiện nay, các loại gỗ quý về, qua Con Cuông đa phần là nhập khẩu từ Lào do chính sách bảo vệ rừng của nhà nước (Con Cuông vẫn là nơi có tỉ lệ che phủ rừng cao hàng đầu Việt Nam)… Tức là Con Cuông giờ chỉ còn nhờ ở rừng trồng, nhưng diện tích cũng không hơn những huyện lân cận.

Chính sách bảo vệ rừng, siết chặt quản lý, khai thác rừng của nhà nước và đã khiến rừng không còn là nguồn lực kinh tế “tối quan trọng” của Con Cuông nữa…

Vậy thì trông chờ vào đâu ???

Cây, con và… du lịch (?)

Nhờ chương trình 135 – đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ, rừng Con Cuông đã được đầu tư bảo vệ, tái sinh, tăng độ che phủ lên tới gần 80% (mật độ cao nhất nhì Việt Nam), từ đó đã phát triển được các rừng mét (luồng), keo, các cơ sở ươm tạo cây giống… mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, hàng trăm trang trại cam, mét cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, các cánh đồng thâm canh, chuyên canh cũng dần nên hình nên dạng, biến Con Cuông từ một huyện thiếu đói trở thành đủ ăn.

Tuy nhiên, với vị trí tựa lưng vào dãy Trường Sơn, có quốc lộ 7 rộng thênh thang chạy xuyên qua, cách TP. Vinh chỉ 130 km đường nhựa láng cóng, Con Cuông không bằng lòng với “đủ ăn”. Chính quyền huyện Con Cuông lại hướng tới phát triển du lịch.

Sông Lam xanh mướt  lững lờ trôi trong mùa nước cạn

Và vẫn phải, vẫn lại là rừng – du lịch sinh thái rừng.

Là bởi Con Cuông có rừng quốc gia Pù Mát với diện tích 61.000ha, khu bảo tồn sinh quyển quốc tế với tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn…

Chính phủ đã đầu tư 300 tỷ đồng, trong đó có cả đầu tư du lịch sinh thái trên nhiều tuyến: Từ eo Vực Bồng xã Bồng Khê đi Môn Sơn dài 19km, là tuyến du lịch xanh hấp dẫn.

Môn Sơn có sông Găng với cảnh quan tuyệt đẹp, có món cá mát nổi tiếng như câu nói: “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”.

Con Cuông còn có những danh thắng như thác Khe Kèm (thác Bộc Bố) cách thị trấn Con Cuông 19 km. Thác nằm ở ngay vùng lõi của rừng Pù Mát, chảy từ độ cao 150m, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ. Từ khu vực thác, men theo dốc đá tai mèo, qua đèo, qua suối, sẽ đến ngọn Khe Bu, Khe Thơi, Khe Choăng với những cánh rừng pơ mu bạt ngàn…

Ngoài ra, Con Cuông còn có các di tích văn hóa, lịch sử như thành cổ Trà Lân trên địa bàn xã Chi Khê, hữu ngạn sông Lam, chứng tích đã được nhắc đến trong “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi với “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay…”, Văn bia Ma Nhai khắc vào vòm núi đá thế kỷ 13 gắn liền với tên tuổi Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn dẹp loạn ngoại xâm…

Với những tiềm năng trên, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện trên các diễn đàn đã xác định du lịch sẽ là ngành phát triển trọng tâm trong việc phát triển KTXH chung của huyện, xác định việc trở thành thị xã của Con Cuông không phải là ở xây dựng, công nghiệp mà là du lịch, sẽ thực hiện quảng bá hình ảnh, công bố quy hoạch khu du lịch để kêu gọi các nhà đầu tư… Và thị xã Con Cuông sẽ là thị xã du lịch.

Đã nhiều năm trôi đi, Con Cuông chẳng thể lên thị xã, hay “thị xã du lịch”, các thắng cảnh ở địa phương này xuất hiện vô cùng ít ỏi trên các kênh du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng.

Vậy vì sao, bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp ấy, ước mơ lên đời nhờ du lịch của Con Cuông đã, đang (có thể là sẽ) mãi ở nơi “sơn cùng thủy tận”, hiếm người biết và tìm tới ???

Đoàn Kiên Giang

Xem bài tiếp theo:

    Nổi bật
        Mới nhất
        Huyện Con Cuông, Nghệ An: Công chúa xinh đẹp chờ được đánh thức (Kỳ 1)
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO